Ngành ô tô Việt thu hút nhiều "ông lớn" tham gia
Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được coi là “thỏi nam châm" đối với các “ông lớn” trong giới sản xuất xe hơi trên thế giới.
Trong khoảng 5 năm gần đây, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có tốc độ phát triển rất nhanh, trung bình khoảng 15-20%.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam mới chỉ đạt tỷ lệ cứ 1000 dân mới có khoảng 50 xe ô tô, tức vẫn thấp hơn rất nhiều so với Brunei 721 xe, Thái Lan 280 xe, Malaysia 542 xe, Singapore 176 xe… Với GDP bình quân đầu người Việt Nam đã vượt mức 4.000 USD thì tỷ lệ sở hữu ô tô sẽ còn tăng nhanh hơn nữa trong các năm tới.
Các chuyên gia cho rằng, thị trường Việt Nam còn dư địa rất lớn trong phát triển ngành công nghiệp ô tô. Nhiều công ty đa quốc gia như Toyota, Honda, Ford, Mercedes-Benz… đã đầu tư vào Việt Nam, xây dựng cơ sở sản xuất - lắp ráp chi tiết ô tô lâu dài tại nhiều địa phương.
Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam được coi là “thỏi nam châm" đối với các “ông lớn” trong giới sản xuất xe hơi bởi vị trí địa lý thuận lợi. Nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có lợi thế kết nối với nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN khác. Vị trí này giúp giảm chi phí vận chuyển và tối ưu hóa chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp ô tô.
Mới đây, tại buổi tọa đàm với các doanh nghiệp Trung Quốc tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, kinh tế số ngày 14/5, các doanh nghiệp sản xuất ô tô điện của Trung Quốc như Chery, Yadea… mong muốn đầu tư phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy điện tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy hiện thực hóa các mục tiêu carbon kép của Việt Nam; mong muốn Việt Nam có chính sách khuyến khích để người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm năng lượng mới, năng lượng xanh như: miễn thuế mua hàng, trợ cấp tiêu dùng mua xe…
Các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất ô tô cho biết rất coi trọng thị trường Việt Nam. Họ đánh giá môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện với chiến lược phát triển đúng đắn, phù hợp, nhất là về kinh tế số, kinh tế xanh, các lĩnh vực mới nổi.
Không chỉ có các nhà đầu tư sản xuất ô tô của Trung Quốc, mới đây, Tập đoàn Tan Chong (một trong những tập đoàn ô tô lớn nhất tại Malaysia, sở hữu mạng lưới kinh doanh tại 16 quốc gia) vừa thông báo sẽ chính thức phân phối thương hiệu GAC tại thị trường Việt Nam. Dự kiến trong năm nay, những mẫu xe hybrid, thuần điện của GAC Aion hoặc Haobo sẽ xuất hiện và mở bán tại thị trường Việt Nam.
PGS.TS Trần Sĩ Lâm tại Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, Việt Nam cần đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường. Việc thúc đẩy sử dụng công nghệ xanh, phát triển các loại xe điện và xe tiết kiệm nhiên liệu không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến phát triển bền vững.
Ngoài việc thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa trong ngành công nghiệp ô tô. Việc hỗ trợ tài chính, cung cấp thông tin thị trường, và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nội địa hợp tác với các đối tác quốc tế sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.