Công an làm việc với nhiều cơ quan ở Hà Tĩnh liên quan đến sự cố xả thải Formosa

Đời sống - Ngày đăng : 06:02, 05/07/2016

Cơ quan điều tra đã có những buổi làm việc đầu tiên đối với một số cơ quan liên quan như Sở Tài nguyên Môi trường, cơ quan thuế, Ban quản lý khu kinh tế... để làm rõ trách nhiệm khi cấp phép, giám sát xả thải tại Formosa.

Ngày 4/7, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Bộ Công an và Công an tỉnh đã vào cuộc và có những buổi làm việc đầu tiên đối với những cơ quan liên quan để tìm hiểu quá trình cấp phép, giám sát xả thải tại Formosa.

Cụ thể, trong sáng cùng ngày, Cảnh sát đã làm việc với lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh để tiếp cận hồ sơ liên quan trách nhiệm của tập thể, cá nhân của Sở này khi để Formosa xả thải gây nhiễm độc biển. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng tiếp cận các số liệu hoạt động thuế của Formosa từ Chi cục thuế Hà Tĩnh... Trước đó, cơ quan Công an đã làm việc với Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh, UBND thị xã Kỳ Anh.

Một lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, quan điểm của tỉnh là sẽ xử lý nghiêm theo quy định các cá nhân, đơn vị liên quan trong việc quản lý, giám sát Formosa xả thải.

Công an làm việc với nhiều cơ quan ở Hà Tĩnh liên quan đến sự cố xả thải Formosa

Trụ sở Formosa nhìn từ cổng vào.

Theo thống kê, tỉnh Hà Tĩnh có 34 xã ven biển và 12 xã ven cửa sông thuộc 6 huyện, thị xã ven biển với hơn 268.000 người (ven biển gần 200.000 người, ven cửa sông hơn 70.000 người). Trong đó, hơn 16.000 hộ có lao động gắn với hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá với khoảng 80.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do Công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải.

Ngoài ra còn rất nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong các ngành, nghề liên quan đến biển như: Sản xuất muối, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ hải sản; kinh doanh dịch vụ hải sản, du lịch biển và các lĩnh vực khác… cũng đang bị ảnh hưởng.

Cuối tháng 6 vừa qua, lãnh đạo tập đoàn Formosa đã xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì đã để xảy ra sự cố xả thải. Formosa cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD).

Bá Mạnh