Bế mạc Phiên họp thứ 33 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sau 3 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, chiều 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 33. Phát biểu bế mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn – điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội khẳng định phiên họp đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Cho ý kiến các nội dung của Kỳ họp thứ 7
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, sau 3 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 33 để cho ý kiến các nội dung còn lại của Kỳ họp thứ 7 và xem xét, quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền.
Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 1 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết của Quốc hội bao gồm: Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với các báo cáo, tờ trình, dự thảo báo cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, bao gồm: Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024. Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến đối với dự thảo Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Việc phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai Len.
Bên cạnh đó, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét, cho ý kiến theo thẩm quyền đối với việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV; báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4/2024; quyết định theo thẩm quyền và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sắp tới về việc phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn, vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn năm 2024 cho các nhiệm vụ, dự án sử dụng tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 đã hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, về cơ bản các nội dung được chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng cho thấy tinh thần trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình chuẩn bị cho phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như kỳ họp Quốc hội. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu, phát biểu nhiều ý kiến trách nhiệm. Từng nội dung của phiên họp đã được các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành, kết luận cụ thể, rõ ràng. Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương ban hành kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các nội dung để các cơ quan có căn cứ triển khai thực hiện.
Thứ ba, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó có 24 nội dung thuộc công tác lập pháp với 21 dự án luật, 3 dự án, dự thảo nghị quyết, quy phạm pháp luật, 15 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát, các vấn đề quan trọng khác, trong đó có những nội dung lớn như Quy hoạch không gian biển quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam…
Đảm bảo chất lượng cao nhất các nội dung để trình Quốc hội
Cho biết, từ nay đến ngày khai mạc Kỳ họp thứ 7 ngày 20/5/2024, chỉ còn 5 ngày; nhấn mạnh thời gian rất gấp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động, tích cực, phối hợp với Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan hữu quan để khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh các báo cáo, tờ trình, đảm bảo chất lượng cao nhất các nội dung để trình Quốc hội, tuyệt đối không để xảy ra các sơ suất không cần thiết.
Văn phòng Quốc hội chủ động triển khai công việc chuẩn bị cho kỳ họp như thường lệ, bảo đảm chu đáo các điều kiện, tài liệu, an ninh, an toàn, cơ sở vật chất, kỹ thuật, lễ tân, hậu cần, thông tin tuyên truyền, dự phòng các vấn đề phát sinh để đảm bảo kỳ họp diễn ra an toàn, hiệu quả.
Về tài liệu kỳ họp, nhiều nội dung đã được gửi đến đại biểu Quốc hội. Đối với một số nội dung đang tiếp tục hoàn thiện, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan cần cố gắng hơn nữa, đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để kịp thời gửi đại biểu Quốc hội theo đúng quy định.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan đặc biệt chú trọng làm tốt công tác thông tin tuyên truyền trước, trong và sau kỳ họp, bảo đảm thường xuyên, kịp thời, đầy đủ, chính xác, toàn diện về diễn biến của kỳ họp; tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước.