Thủ tướng: Đất nước đang rất cần sự dấn thân, đổi mới sáng tạo của các nhà khoa học
Tại Lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đất nước ta, xã hội chúng ta đang rất cần sự dấn thân, vượt qua khó khăn, trở ngại của các nhà khoa học để thực hiện thành công các nhiệm vụ KHCN, đổi mới sáng tạo, góp phần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, mang lại niềm vinh dự, tự hào cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, dân tộc và đất nước.
Sáng 15/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam (18/5), kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN (1959-2024), lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 với chủ đề "KHCN và đổi mới sáng tạo – Nâng tầm vị thế quốc gia".
Cùng dự có đồng chí Phạm Gia Khiêm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ KH&CN, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang…
KHCN phát triển vượt bậc, song còn hạn chế và tiếp tục gặp khó khăn
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Ngày KHCN Việt Nam năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt, cũng là dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN (1959-2024) và trao Giải thưởng khoa học mang tên cố giáo sư Tạ Quang Bửu - một trong những người đặt nền móng trong việc xây dựng và phát triển các lĩnh vực khoa học cơ bản ở Việt Nam.
Đây là dịp để chúng ta cùng nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của ngành KHCN Việt Nam, cùng tri ân sự nỗ lực cống hiến không mệt mỏi của biết bao thế hệ nhà khoa học, cán bộ quản lý, đóng góp quan trọng, thiết thực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ.
Thủ tướng nhắc lại, cách đây 61 năm, ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đến dự Đại hội đại biểu Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất (tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam). Người căn dặn "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi... Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học và kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ...".
Lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động KHCN nước nhà trong suốt hơn 60 năm qua. Theo Thủ tướng, những lời của Bác rất giản dị, sâu sắc. Khoa học phải xuất phải từ thực tiễn, quay lại phục vụ thực tiễn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đảng, Nhà nước ta không có mục tiêu nào khác cao hơn là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. KHCN phải hướng đến mục tiêu này.
Thủ tướng nhấn mạnh, với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KHCN và phát huy vai trò đội ngũ trí thức, nhà khoa học, ngành KHCN nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt những thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng đã điểm ra năm thành tựu quan trọng của KHCN Việt Nam thời gian qua.
Đồng thời, theo Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được, nền KHCN của đất nước vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ, toàn diện, nhất là với khoa học xã hội và nhân văn.
Cơ chế, chính sách quản lý KHCN còn nhiều điểm chưa phù hợp, chưa dựa trên đặc thù của hoạt động KHCN; chưa có đột phát trong chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng nhà khoa học tài năng; trong khi đó cạnh tranh thu hút nhân tài KHCN đang là một cuộc chạy đua khốc liệt ở nhiều nơi trên thế giới.
Kinh phí đầu tư còn hạn hẹp; cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thị trường KHCN phát triển còn chậm; chưa xây dựng được sàn giao dịch công nghệ hoạt động hiệu quả; kết nối cung cầu về KHCN, đổi mới sáng tạo còn hạn chế; cơ chế thương mại hoá sản phẩm KHCN còn chưa đột phá để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đội ngũ các nhà khoa học, người làm KHCN còn chưa nhiều, chưa đồng đều; việc đào tạo nhà khoa học và công tác tổ chức các hoạt động nghiên cứu và phát triển KHCN chưa được chú trọng ở cả cấp độ cơ sở giáo dục đào tạo, nghiên cứu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý…
Tập trung vào 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Thủ tướng đánh giá trong thế giới ngày nay, dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, KHCN đã phát triển bùng nổ trên tất cả các lĩnh vực và đang làm thay đổi sâu sắc thế giới, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung theo hướng thông minh hơn, hiệu quả hơn và với tốc độ nhanh hơn, biến động khó lường.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: "Phát triển mạnh mẽ KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính để tăng trưởng kinh tế" và "Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng KHCN, đổi mới sáng tạo".
"Có thể nói, KHCN và đổi mới sáng tạo chính là một yếu tố nền tảng của chuyển đổi số và chuyển đổi xanh - hai trong các yếu tố quan trọng nhất của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên phạm vi toàn cầu và đặc biệt quan trọng đối với nước ta hiện nay. KHCN và đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để đạt được các mục tiêu.
Phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo với vai trò nền tảng phát triển đất nước nhanh, bền vững là yêu cầu khách quan, lựa chọn khôn ngoan và cần có ưu tiên về nguồn lực (thể chế, cơ chế, chính sách, hạ tầng, con người…)", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: Nếu các nguồn tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, trở nên ngày càng khan hiếm, thì KHCN, đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận, không gian phát triển vô hạn và có thể xuất phát từ những ý tưởng đơn giản nhất, những con người bình dị nhất, không phân biệt giới tính, màu da, trình độ, tuổi tác, tầng lớp trong xã hội.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 khẳng định, phát triển nguồn nhân lực gắn với KHCN và đổi mới sáng tạo là một trong 3 đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu cho phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, có thể khẳng định, đây chính là một động lực rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; là một yếu tố có ý nghĩa sống còn đối với quá trình vươn lên "bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên" trong thế giới ngày nay.
Để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ, cần phát huy hơn nữa vai trò của KHCN, đổi mới sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương, với phương châm "hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, quản trị thông minh", trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, nhất là Kết luận số 69-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 20-NQ/TW Trung ương khóa XI về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, trước mắt tập trung vào 3 nội dung: Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển bao trùm, toàn diện; đầu tư thích đáng về hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực khoa học xã hội và nhân văn.
Thứ hai, tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực cho KHCN và đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh nhân lực KHCN, khuyến khích khu vực tư nhân, các doanh nghiệp, tăng cường các hình thức hợp tác công tư tham gia đào tạo nhân lực KHCN. Tập trung phát triển mạnh thị trường KHCN để góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương cần kiên trì, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chính sách vượt trội cho KHCN về thể chế, cơ sở vật chất, nhân lực, trong đó có các chính sách ưu đãi, trọng dụng, tôn vinh, khen thưởng cho người làm công tác KHCN và đổi mới sáng tạo nhằm khơi dậy niềm đam mê, khuyến khích sự dấn thân trong thực hiện các nhiệm vụ KHCN, nhất là nhà khoa học trẻ, các nhà khoa học đang hoạt động trong điều kiện khó khăn như ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...
Thứ tư, đối với các doanh nghiệp, cần coi hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo là một trong các yếu tố quan trọng nâng cao năng lực năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân...
Thứ năm, có chính sách phù hợp tăng cường thu hút các nhà khoa học Việt Nam, quốc tế có uy tín đang làm việc ở các nước có thể đóng góp phù hợp vào sự phát triển khoa học trong nước thông qua các cơ chế hợp tác đa dạng (như: Tham gia giảng dạy, nghiên cứu, nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh Việt Nam...) để đào tạo đội ngũ nghiên cứu trong nước tiếp cận với KHCN tiên tiến, hội nhập thế giới.
Thứ sáu, đối với các nhà khoa học, Thủ tướng đề nghị cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Các nhà khoa học cần nhận thức trọng trách lớn lao đối với đất nước, dám dấn thân, dám hy sinh, dám chấp nhận rủi ro. Lịch sử đã ghi nhận nhiều tấm gương cống hiến của các nhà khoa học đối với vận mệnh quốc gia.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Đất nước ta, xã hội chúng ta đang rất cần sự dấn thân, vượt qua khó khăn, trở ngại của các nhà khoa học để thực hiện thành công các nhiệm vụ KHCN, đổi mới sáng tạo, góp phần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, mang lại niềm vinh dự, tự hào cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, dân tộc và đất nước.
Một đất nước Việt Nam hào hùng với truyền thống lịch sử, văn hoá 4.000 năm - với mỗi con người Việt Nam mang trong mình tinh thần yêu nước nồng nàn, sự kiên trì, bền bỉ, tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên, càng áp lực lại càng nỗ lực, càng khó khăn lại càng thông minh - không thể thiếu KHCN, đổi mới sáng tạo trong hành trang, con đường phát triển của mình - dám đương đầu với khó khăn, thử thách và cả dấn thân, hy sinh để dẫn đến thành công. Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp".
Năm nay, Giải thưởng Tạ Quang Bửu được trao cho PGS.TS. Trần Mạnh Trí và TS. Nguyễn Thị Kim Thanh.
PGS.TS. Trần Mạnh Trí đang công tác tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông được trao giải thưởng qua cụm ba công trình được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc top 5% hàng đầu thế giới trong các ngành kỹ thuật môi trường, độc học, sức khỏe và đột biến gen. Cụm công trình này góp phần giải quyết vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu hiện nay là ô nhiễm môi trường do sự phát tán của các hóa chất tổng hợp.
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh công tác tại Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam được trao giải thưởng qua 1 công trình được công bố trên Tạp chí Physical Review Letters, là tạp chí khoa học hàng đầu thế giới của ngành vật lý. Công trình thể hiện 3 kết quả đột phá về hướng nghiên cứu, có ý nghĩa quan trọng cho phát triển công nghệ máy tính lượng tử. GS. Kiselev (đồng tác giả của công trình) nói ý tưởng của TS. Nguyễn Thị Kim Thanh là một kiệt tác tao nhã về vật lý hiện đại.