Phóng sự - Ghi chép

Tìm ông trên chiến trường xưa

Trang Việt 15/05/2024 - 09:04

Cứ mỗi dịp tháng Năm về, anh Nông Hồng Huân lại từ Lạng Sơn lên với Điện Biên Phủ để thắp những nén nhang tưởng nhớ và tìm kiếm người ông của mình đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên năm xưa.

z5441397103261_b9357f1c32ed45acfce7e3716500619a(1).jpg
Anh Nông Hồng Huân đang thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1.

Trong những ngày của tháng Năm lịch sử, người dân khắp mọi miền về với Điện Biên ngày một đông. Tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia A1, chúng ta không còn xa lạ với cảnh những dòng người xếp hàng để thành kính thắp nén nhang tưởng nhớ đến công lao mà cha ông ta đã hy sinh nơi mảnh đất này. Ở đây, ta sẽ bắt gặp những giọt nước mắt của đồng đội, của người thân, và còn có cả sự ngơ ngác như muốn kiếm tìm cho bằng được những bóng hình “đã khuất”!

Để viết lên được một trang sử “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” hào hùng cho ngày nay, tại mạnh đất Điện Biên năm xưa, cha ông ta đã không tiếc máu xương mới có thể làm lên lịch sử. Sự anh dũng hy sinh ấy sẽ luôn là niềm tự hào để những thế hệ con cháu học tập và khắc ghi.

Chiều tháng Năm nắng chói trên mảnh đất lịch sử. Dòng người đến dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1 mỗi ngày một đông. Ẩn khuất trong dòng người đó, tôi thấy có một anh thanh niên đứng lẻ loi, cúi mình trước anh linh của các anh hùng liệt sĩ. Cô đơn giữa dòng người, anh thẫn thờ đi tới các ngôi mộ để thắp nhang. Vừa thắp nhang, anh vừa ngơ ngác như muốn kiếm tìm một cái gì đó rất quan trọng đối với bản thân đang bị thất lạc, nên khiến người khác phải chú ý.

z5441397092877_c0aa1cf370f2a6f246cf182fcf83aa6a(1).jpg
Liệt sĩ Nông Văn Am là ông của anh Huân.

Tò mò trước sự thơ thẩn của anh bên những ngôi mộ “vô danh”!

Tôi hỏi: anh đang tìm gì vậy ạ?

Nghẹn ngào trong làn khói hương từ ngôi mộ bay lên, rưng rưng trên đôi mắt đỏ hoe, rồi anh kể cho tôi nghe: “Tôi là Nông Hồng Huân, quê ở Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Tôi có ông là chiến sĩ Điện Biên, đã hy sinh trong trận tổng công kích năm xưa. Sau khi Điện Biên toàn thắng thì gia đình nhận được giấy báo tử. Nhưng cho tới giờ cũng chưa tìm thấy ông nằm ở đâu. Vậy nên, cứ vào những ngày của tháng Năm lịch sử, tôi lại thay mặt gia đình lên đây để thắp hương cho ông và các đồng đội của ông. Biết rằng chiến trường Điện Biên xưa đã “máu trộn bùn non”, nhưng mỗi lần lên đây tôi vẫn lại ngơ ngác kiếm tìm, cũng chỉ mong rằng sẽ có phép màu để cho tôi được nhìn thấy ngôi mộ “có tên ông”!

Ngồi lại bên một gốc cây, tìm trong điện thoại và lấy ra một tấm hình rồi anh đưa cho tôi xem.

Đây, ông tôi đây!

Bức ảnh chụp một tờ giấy rất cũ, tôi phải căng mắt lên để nhìn thì mới biết đó là một tờ Giấy báo với dòng chữ “Từ Trần – Tử Trận – Mất Tích” của Đại đoàn 316, Trung đoàn 98, Tiểu đoàn 215, Đại đội 38, mang tên Nông Văn Am, sinh năm 1926, quê quán: xã Đại Đồng, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Nhập ngũ năm 1945, hy sinh vào ngày 7/5/1954 tại chiến trường Điện Biên Phủ trong đợt tổng công kích. Thời điểm hy sinh đang mang chức vụ A Trưởng.

z5441397103282_49a8815138a8f534dc300402d83cfcc5-1-.jpg
Giấy báo tử Liệt sĩ Nông Văn Am

“Ông là em ruột của ông nội tôi, cho dù khi tôi sinh ra thì ông đã mất, nhưng mỗi lần nghe gia đình kể về ông thì tôi rất là tự hào, tôi vẫn nghĩ về hình ảnh của ông trong sự mường tượng của bản thân. Sau chiến tranh, hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn, đường đi thì xa và khó nên cũng không thường xuyên thắp hương và tìm kiếm ông được. Sau này thuận lợi hơn thì người nhà đã lên tìm kiếm hài cốt, phần mộ của ông nhưng không thấy. Lúc còn khỏe, ông nội tôi cũng hay lên thắp hương cho ông, cho tới năm 1987, ông nội tôi mất thì bố tôi lại thay ông đi tìm. Nhưng mấy năm trở lại đây, bố già rồi nên không đi được nữa, nên năm nào vào dịp này tôi cũng thay mặt gia đình lên để thắp hương cho ông và các đồng đội của ông”, anh Huân kể cho tôi nghe.

Trong hàng vạn thanh niên xung phong ra trận ngày ấy, hàng nghìn người mới tuổi mười tám, đôi mươi đã nằm lại chiến trường Điện Biên Phủ. Giờ đây, trên mảnh đất Điện Biên có 3 nghĩa trang là nơi an nghỉ, nơi quy tập hài cốt của các liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch như: Nghĩa trang Liệt sĩ A1, Nghĩa trang Liệt sĩ Độc Lập, Nghĩa trang Liệt sĩ Him Lam. Nhưng, rất nhiều các phần mộ tại đây đều chưa xác định được danh tính để đưa về quy tập, sum họp cùng đồng đội.

Mấy chục năm qua, khắp các nghĩa trang liệt sĩ, khắp nẻo đường, mảnh đất Điện Biên đã in biết bao dấu chân của thân nhân các liệt sĩ, họ đi tìm từng gốc cây, ngon cỏ, cũng những mong tìm thấy “tấc đất” của người thân! Cho dù chỉ là những thông tin nhỏ tới “mong manh”, thì họ cũng sẽ không ngừng hy vọng để kiếm tìm...

Thấm thoát đã 70 năm đã trôi qua, những người cha, người mẹ mòn mỏi đợi con năm nào giờ cũng đã về với tổ tiên. Người anh, người chị thay cha mẹ tìm em nhưng không thấy nơi đâu. Cứ thế rồi đến lượt các con, các cháu lại tiếp tục hành trình…, dẫu biết rằng hy vọng rất mong manh, nhưng chưa lúc nào những gia đình của các chiến sỹ Điện Biên thôi hy vọng…

Trang Việt