Kinh tế

Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp

Minh Lý 14/05/2024 - 22:05

Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số... Tuy nhiên, công cuộc số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp còn gặp không ít rào cản và thách thức.

Công cuộc số hóa trong nông nghiệp còn gặp không ít rào cản, thách thức

Chiều ngày 14/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp” kết nối trực tuyến đến điểm cầu trụ sở UBND thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị.

Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng, các điểm nghẽn về tình hình số hóa, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực tiễn trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp; chỉ ra những giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, ứng dụng số hóa nhanh và hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nông nghiệp luôn là nền tảng vững chắc, trụ cột kinh tế đóng vai trò không thể thiếu trong việc đảm bảo an ninh lương thực và là nguồn cung cấp các sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân.

Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn, như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đã giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Tuy nhiên, công cuộc số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương còn gặp không ít rào cản và thách thức, như tỷ trọng kinh tế số trong ngành nông nghiệp còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2025 là 10%.

pho-thu-tuong-tran-luu-quang-pho-chu-tich-thuong-truc-uy-ban-quoc-gia-ve-chuyen-doi-so-chu-tri-hoi-nghi-chuyen-de-thuc-day-so-hoa-nganh-nong-nghiep-..png
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp”.

Ngành nông nghiệp là một trong những ngành có nhiều dữ liệu nhất, nhưng tỉ lệ thu thập còn ít; chuyển đổi số còn mới mẻ với cả người đứng đầu các địa phương và đặc biệt là người nông dân.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đánh giá cao những nỗ lực trong công tác chuyển đổi số cũng như các thành tựu mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong thời gian vừa qua, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu ra những vướng mắc trong công tác số hóa ngành nông nghiệp. Đầu tiên là vướng mắc trong thể chế cho phát triển nông nghiệp nói chung và chuyển đổi số trong nông nghiệp nói riêng. Bên cạnh đó, hạ tầng số trong nông nghiệp còn rất yếu và có lẽ là đang ở mức yếu nhất trong tất cả các ngành. Tiếp theo là những vướng mắc trong vấn đề cải cách hành chính, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình mới đạt 16% trong khi kế hoạch đến cuối 2024 phải đạt 80%.

Vấn đề nữa là số hóa dữ liệu trong nông nghiệp, trên thực tế dữ liệu này của ngành nông nghiệp rất lớn, nhưng tỷ lệ đã thống kê và có thể kết nối vào hệ thống chung vẫn chưa cao; Cũng như việc Thiếu nhân lực chuyển đổi số của ngành nông nghiệp...

Đẩy mạnh phát triển các nền tảng số

Trước thực trạng đó, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục phát triển cơ sở dữ liệu ngành. Đồng thời, phát triển hạ tầng số để các cơ sở dữ liệu có sự kết nối đồng bộ, tạo sự thuận lợi nhất cho nông dân, doanh nghiệp. Những ứng dụng đến với nông dân phải thật đơn giản, dễ hiểu.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng yêu cầu các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thông tin phải làm vai trò đầu mối trên cơ sở ngành nông nghiệp cung cấp thông tin, dữ liệu. Ngành Nông nghiệp phối hợp với Bộ Công an đẩy nhanh việc định danh hệ thống tàu thuyền để góp phần chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

Chia sẻ về giải pháp, ông Dương Trọng Hải, đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho rằng, để ứng dụng, phát triển nông nghiệp số không phải là vấn đề đầu tư cho doanh nghiệp công nghệ, mà đầu tư cho doanh nghiệp nông nghiệp đầu tàu sẵn sàng số hóa. Doanh nghiệp này sẽ dẫn dắt hợp tác xã, nông dân chuyển đổi số, khi đó sẽ tạo thành thị trường số.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam cho biết, chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp thủy sản giảm chi phí từ 7 - 25%. Từ yêu cầu của khách hàng, đơn vị chứng nhận các tiêu chuẩn…, nếu doanh nghiệp ứng dụng số thì khi thực hiện các việc này sẽ giảm bớt khó khăn đi rất nhiều.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, xác định rõ những điểm nghẽn, tồn tại, hạn chế, các vướng mắc liên quan; đồng thời, đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn nhằm đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả chuyển đổi số, số hoá ngành Nông nghiệp. Thực hiện chuyển đổi số ngành Nông nghiệp, lấy người nông dân làm trung tâm và động lực phát triển phải dựa trên nền tảng dữ liệu.

chuyen-doi-so-trong-nong-nghiep-la-xu-huong-toan-cau..png
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng toàn cầu. (Ảnh minh họa)

Xây dựng nông nghiệp số, nông thôn số, nông dân số góp phần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đồng thời thúc đẩy xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, văn minh.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp; Bộ NN&PTNT sớm ban hành cấu trúc dữ liệu ngành nông nghiệp và cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp số tham gia thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp; xây dựng bản đồ số về vùng cây trồng để phục vụ việc quản lý thổ nhưỡng, đất đai.

Bộ NN&PTNT cũng cần hướng dẫn các địa phương thực hiện hiệu quả các nội dung trong Đề án 06 trong lĩnh vực nông nghiệp; tăng cường tập huấn cho các địa phương nâng cao trình độ tiếp cận công nghệ thông tin, kỹ năng quảng bá trên các sàn thương mại điện tử.

Các địa phương mong muốn được tạo điều kiện tiếp cận các dự án chuyển đổi số của nhà nước, trong đó có lĩnh vực kiểm kê và quản lý phát thải khí nhà kính...

Minh Lý