Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở chế biễn gỗ keo trái phép
Vừa qua, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát hoạt động trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật mà không có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Địa phương nào thực hiện không nghiêm túc, để tái diễn các hành vi vi phạm thì Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng, UBND các địa phương liên quan tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động thu mua, chế biến lâm sản trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở thu mua, chế biến lâm sản vi phạm quy định về đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, không đảm bảo các điều kiện an toàn trong sản xuất, kinh doanh...
Xây dựng và triển khai phương án, biện pháp thúc đẩy, khuyến khích việc thu mua, chế biến gỗ keo gắn với chế biến sâu, liên kết theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững và xử lý triệt để tình trạng thu mua, chế biến gỗ keo tự phát, không để tái phạm.
Theo kết quả kiểm tra, rà soát, trên địa bàn huyện Như Thanh có 17 cơ sở vi phạm (tổng số 31 cơ sở). 1 cơ sở vi phạm báo cáo tỉnh xử lý là Công ty cổ phần nội thất AP, địa chỉ xã Thanh Kỳ) và 16 cơ sở do Chủ tịch UBND huyện, xã, thị trấn ban hành quyết định xử phạt số tiền 235,6 triệu đồng.
Tại huyện Như Xuân có 33 điểm, cơ sở hoạt động thu mua, chế biến gỗ rừng trồng (trong đó: 10 doanh nghiệp, 07 cơ sở là cá nhân, hộ gia đình và 16 điểm thu mua, vận chuyển không có hoạt động chế biến). Qua kiểm tra, có 3 cơ sở vi phạm về lĩnh vực đất đai, 6 cơ sở vi phạm về môi trường, phòng cháy chữa cháy. Xử phạt hành chính 91,5 triệu đồng. Yêu cầu các cơ sở là chủ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ thủ tục trước khi tiếp tục sản xuất kinh doanh, nếu không sẽ buộc dừng hoạt động.
Trên địa bàn huyện Thạch Thành có 13 cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo. Qua kiểm tra có 7 tổ chức, cá nhân vi phạm với 9 hành vi vi phạm. Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành đã ban hành quyết định xử phạt hành chính, tổng số tiền phạt 100 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Theo báo cáo của UBND huyện Triệu Sơn, trên địa bàn có 5 cơ sở thu mua, chế biến gỗ rừng trồng tự phát. Chính quyền địa phương đã lập biên bản, xử phạt hành chính và buộc khắc phục hậu quả theo quy định.
Kết luận kiểm tra của UBND huyện Ngọc Lặc có 20/22 cơ sở không đủ điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, UBND huyện chưa xử lý đối với các cơ sở có hành vi vi phạm và không nêu cụ thể thời gian xử lý triệt để vi phạm của các cơ sở trên.
Qua kiểm tra, huyện Lang Chánh có 16/20 cơ sở chưa đầy đủ về thủ tục đất đai; 16/20 cơ sở chưa được cấp phép bảo vệ môi trường; 18/20 cơ sở chưa đầy đủ thủ tục về phòng cháy; 5/20 cơ sở chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, UBND huyện không báo cáo cụ thể vi phạm của các cơ sở trên, việc xử lý của UBND huyện và không rõ thời gian để hoàn thành.
Trên địa bàn huyện Cẩm Thủy cũng có 18 cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo. Tuy nhiên, UBND huyện không báo cáo cụ thể hành vi vi phạm, biện pháp xử lý đối với các cơ sở vi phạm. Việc thực hiện của UBND huyện mới dừng ở việc rà soát, kiểm tra.
Địa phương có nhiều cơ sở chế biến gỗ kéo nhất là Thường Xuân với 48 điểm. Đến thời điểm báo cáo UBND huyện, UBND cấp xã đã dừng hoạt động 9 cơ sở vi phạm; xử phạt hành chính 3 hộ với số tiền hơn 65 triệu đồng. Đối với 39 cơ sở hiện đang hoạt động, UBND huyện mới thực hiện việc rà soát, thống kê, chưa thực hiện kiểm tra, xác định hành vi vi phạm của 39 cơ sở trên.
Tỉnh Thanh Hóa có trên 254 nghìn ha rừng trồng, trong đó có khoảng 120 nghìn ha rừng trồng keo. Năm 2023, theo báo cáo của Hiệp hội gỗ và lâm sản, Thanh Hóa xuất khẩu gỗ khoảng 425 triệu USD. Toàn bộ gỗ nguyên liệu thông qua Cảng Nghi Sơn để xuất khẩu ra thị trường Quốc tế.
Theo đó các cơ sở chế biến keo tự phát trên địa bàn, xuất phát từ nhu cầu thực tế tại địa phương về giải quyết nhu cầu tiêu thụ nguồn nguyên liệu keo rất lớn cho các hộ trồng rừng, chủ rừng nhà nước. Mặt khác, vị trí đặt các cơ sở trên gần vùng keo nguyên liệu thuận lợi cho việc vận chuyển, giảm chi phí, từ đó tăng giá thành keo nguyên liệu; giải quyết được công ăn việc làm, thu nhập, đời sống cho người lao động, người trồng rừng; phát triển diện tích rừng trồng, tăng độ che phủ trên địa bàn tỉnh.
Một số cơ sở chế biến gỗ rừng trồng có đầy đủ thủ tục hoạt động sản xuất kinh doanh có tình trạng ép giá, nợ tiền thu mua gỗ nguyên liệu, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua gỗ keo nguyên liệu trên địa bàn.
Qua đánh giá, các chủ cơ sở, cá nhân vi phạm chủ yếu tự chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm về môi trường, vi phạm về cháy nổ, vi phạm xây dựng, an toàn lao động, vi phạm về an toàn giao thông trong vận chuyển keo nguyên liệu.
Trách nhiệm quản lý nhà nước của địa phương, cơ quan chức năng trên địa bàn chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Xử lý chưa triệt để, có lúc, có nơi nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chưa chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên. Đến nay, vẫn chưa xử lý dứt điểm; có địa phương mới dừng ở việc rà soát, thống kê các cơ sở thu mua, chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn, chưa có biện pháp xử lý các cơ sở vi phạm.