Chuyện một phóng viên “trinh thám”: Từ thợ quay phim đám cưới thành nhà báo điều tra

Đời sống - Ngày đăng : 15:21, 30/06/2016

Phóng viên trinh thám” là từ mà tờ Washington post của Mỹ đã dùng trong một phóng sự viết về anh. Còn ở Việt Nam, anh là phóng viên duy nhất của các cơ quan báo chí từng được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tuyên dương.

Hơn 10 năm cầm bút với chặng đường làm báo gập ghềnh, chông gai nhưng không dập tắt ngọn lửa ngòi bút chiến đấu chống tham nhũng, chống tiêu cực xã hội bằng chứng là hàng chục vụ án tham nhũng bị anh phá án, thu về cho ngân sách hàng chục tỷ đồng. Anh là Nguyễn Hoài Nam, nguyên phóng viên Báo Thanh niên. Trước khi đến với nghề báo, anh từng là một người lính tham mưu của đơn vị không quân...

Thợ quay phim…đổi nghề

Nguyễn Hoài Nam đến với nghề báo từ những vật lộn với cuộc sống. Sinh năm 1973, tròn 20 tuổi, anh rời làng quê nghèo, xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang lên đường nhập ngũ. Có chút “hoa tay”, sau 3 tháng huấn luyện, anh được điều về Ban tác chiến sư đoàn 370, làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh. Sau đó, anh được cử đi học nghiệp vụ bản đồ và luôn hoàn thành tốt công việc của một nhân viên đồ bản.

Sau 5 năm phục vụ quân đội, anh ra quân năm 1997 với quân hàm trung sĩ và một tương lai còn rất bấp bênh. Để mưu sinh, Nam xin vào làm Nhân viên tạo mẫu - Phòng Tạo mẫu Công ty Dệt Thắng Lợi ở quận Tân Bình. Không thể gây dựng tương lai chỉ với tấm bằng cấp 3 và chứng chỉ bản đồ, anh quyết tâm vừa đi làm vừa học đại học tại chức buổi tối tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, ngành đồ họa.

Con đường học vấn thấm đẫm mồ hôi. Vừa làm ở công ty dệt, Nam vừa xoay sở với nghề quay phim, chụp ảnh thuê cho các đám cưới để có tiền trang trải học hành.

Chuyện một phóng viên “trinh thám”: Từ thợ quay phim đám cưới thành nhà báo điều tra

Hoài Nam trong vai phụ xe ở Móng Cái

Chất lính thẳng tưng, thấy sai là phải nói, phải lên tiếng và cơ duyên đó đã đưa anh đến với nghề báo. Hồi đó là năm 2003, ở khu xóm trọ tồi tàn nơi anh sống, xe dù bến cóc hằng đêm lộng hành gây mất ANTT, trong khi ti vi, báo chí nói thành phố cấm xe dù, bến cóc. Một đêm không ngủ, Hoài Nam cầm máy ảnh lao ra đường bấm chụp đủ mọi góc độ. Rồi anh chọn gửi những hình ảnh ưng ý gửi cho báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh.

Bất ngờ là chỉ một ngày sau, phóng sự ảnh của anh được đăng trang trọng. Mừng hơn nữa là ít ngày sau, chị Hoàng Xuân, Thư ký tòa soạn khi gặp Nam đã khen anh chụp ảnh tốt và gợi ý anh nên thi tuyển vào làm phóng viên, vì tòa soạn đang có đợt tuyển.

Mọi điều kiện đều đã “ok”, chỉ còn một điều kiện không khó lắm là phóng viên đi làm phải có xe máy thì Nam lại không thể. Anh vừa phải bán con ngựa sắt cà tàng để lấy tiền cưới vợ và nộp học phí. Nam đành lủi thủi ra về với lời chị Xuân an ủi sau lưng: “Thôi em cứ làm cộng tác viên rồi tính”.

Kiên trì cộng tác, không chỉ chụp ảnh, Nam bắt đầu chuyển sang viết bài, mà là bài điều tra từ chính những gì mắt thấy tai nghe. Bài báo thứ hai anh được đăng là một bài chống tham nhũng hẳn hoi với tiêu đề “Điều tra viên làm tiền người bị hại”.

Hồi đó, ở huyện Hóc Môn, có người dân bị cướp xe máy đã truy bắt thủ phạm, nhưng điều tra viên chẳng những không chịu trả xe mà đòi đưa 2 triệu đồng thì mới trả xe. Nam đã viết sự việc lên báo. Kết quả, điều tra viên này bị kỷ luật, đuổi khỏi ngành, người chủ xe nghèo được nhận lại xe trong mừng tủi.

“Không được học về báo chí, cũng không có người quen làm báo, nhưng đam mê nghề báo tôi bén duyên với nghề báo sau hai năm cộng tác với báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh. Tháng 5- 2005 tôi điều tra tệ nạn rang đậu nành biến thành cà phê, tài liệu là clip được tôi quay ngụy trang bằng máy quay phim đám cưới. Sau đó viết bài và mang tới báo Thanh Niên nộp cho Ban Kinh tế. Và đó cũng là bài điều tra của tôi chào hàng đầu tiên tại báo Thanh niên. 

Thấy tôi có khả năng nhập vai điều tra, anh bạn là phóng viên Ban Chính trị - Xã hội dẫn sang giới thiệu với Trưởng Ban Trần Kim Trí, và tôi thử việc không lương ở Ban Chính trị - xã hội cho đến 1-1-2006 thì được nhận vào làm.

PV thử việc mức lương 1 triệu đồng/tháng (sau tăng lên 1,5 triệu đồng),  đúng 4 năm sau (1-1-2010) mới được ký hợp đồng chính thức” – Hoài Nam bồi hồi kể lại.

Chuyện một phóng viên “trinh thám”: Từ thợ quay phim đám cưới thành nhà báo điều tra

Hoài Nam trong vai buôn rau trong loạt bài “Rau ruộng trộn VietGAP

Trong 7 tháng thử việc không lương, do đam mê nên tôi nỗ lực hết mình bằng những tác phẩm báo chí điều tra, chứng cứ ngày đó cho tới bây giờ của tôi hoàn toàn bằng băng ghi hình. Như “Chợ ma túy giữa Trung tâm Thành phố”; “Giấy kiểm dịch bán như rau”; “Chế biến đậu hũ bằng công nghệ kinh hoàng”; “Đường đi của thịt heo lậu”...

Trong loạt bài điều tra “Giấy kiểm dịch bán như rau”, sau khi đăng, Trưởng đại diện Báo Washington Post của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á sang tòa soạn phỏng vấn rồi viết một bài lớn viết chuyên đề “Hai Phóng viên trinh thám của Việt Nam và câu chuyện cúm gia cầm”.

Trở thành nhà báo, tôi phải phấn đấu bằng trí tuệ và mồ hôi thật gian truân như thế đấy (7 tháng không lương, 4 năm thử việc). Trong 4 năm ấy, những ngày đầu, biết tôi từng quay phim đám cưới trước khi làm báo, một hôm phóng viên Trung Bảo (Ban Kinh tế) gặp tôi nói nhỏ có để tài tiêu cực ở một đội Hải quan thuộc Hải quan thành phố.

Trung Bảo cho biết cán bộ Hải quan ở đây nhận tiền của những người mang hồ sơ đến làm thủ tục, nếu hồ sơ nào không có tiền thì bị hành ra bã. Việc nhận tiền công khai nhưng Trung Bảo không biết ghi hình nên kêu tôi tham gia. Lập tức tôi nói Bảo đưa đi một vòng, tôi quan sát nơi cán bộ Hải quan tiêu cực thì mới biết cách ngụy trang máy ghi hình.

Sau khi lượn một vòng, tôi phát hiện bàn tròn nên xung quanh đều có người, bên này nhìn qua bên kia rất khó tác nghiệp. Tôi về dùng máy quay băng loại băng 6 (tôi thường dùng để quay đám cưới) ngụy trang bằng một túi nilon đen, bên ngoài ống kính gắn thêm một đoạn ống nước để lừa người đối diện nếu có nhìn vào cũng không biết là ống kính. Ngày hôm sau tôi giả vờ cầm hồ sơ vào làm thủ tục rồi chĩa máy từ bên này vào ghi hình mọi diễn biến cán bộ Hải quan làm thủ tục có tiêu cực. Sau khi báo đăng có 3 cán bộ liên quan tới bài báo bị kỷ luật, tiếp đến bị điều chuyển công tác” – Hoài Nam kể.

Nhà báo điều tra

Vùng biên giới Móng Cái một ngày cuối năm 2006. Một thanh niên dáng người đậm, mặt sạm đen khắc khổ lang thang khắp vùng cửa khẩu xin làm thuê. Rồi anh ta được nhận làm phụ xe cho một chủ xe tải. Gã lực điền có vóc dáng nhà quê đó làm việc rất chăm chỉ, cần mẫn theo các xe hàng, hùng hục bốc vác. Ít người biết trong cái bao tải đồ nghề lộn xộn của hắn, có một chiếc máy...quay phim nhỏ xíu. Và ít ngày sau, trên báo Thanh niên xuất hiện loạt bài điều tra  về vận chuyển hàng lậu ở Cửa khẩu Móng Cái, mỗi ngày có hàng trăm xe vận chuyển hàng lậu công khai đi các tỉnh phía Bắc theo quốc lộ 18.

Hoài Nam đõ bóc mẽ đường dây này: Bến xe Móng Cái là nơi trung chuyển hàng lậu, tiếp tay là trạm kiểm soát liên hợp tại km15, Công an, hải quan, quản lý thị trường và thuế quan đã phối hợp nhau ăn hối lộ để cho hàng lậu qua mặt với số tiền hối lộ từ 500 ngàn đồng đến 3 triệu đồng/chuyến xe.

Chuyện một phóng viên “trinh thám”: Từ thợ quay phim đám cưới thành nhà báo điều tra

Hoài Nam (thứ 3 từ trái sang) vinh dự được tuyên dương vì có thành tích phòng chống tham nhũng.

“Nếu báo chí chỉ nêu sự việc mà các cơ quan pháp luật không xử lý thì cũng chỉ là đấu tranh nửa vời. Tôi suy nghĩ và đã viết báo cáo gửi Trung tướng Nguyễn Việt Thành, khi đó là Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng". Thật bất ngờ, cảm kích trước thông tin và nhiệt huyết của nhà báo trẻ, một ngày mùa hè năm 2007, Trung tướng Nguyễn Việt Thành đã cử 2 cán bộ bí mật vào Thành phố Hồ Chí Minh gặp Hoài Nam, sau đó, anh được mời ra Hà Nội làm việc để xác minh thông tin.

Trước những đoạn băng quay cảnh buôn lậu, hối lộ công khai, Văn Ban chỉ đạo đã lập tổ công tác phá án. Hoài Nam vinh dự được tham gia thành viên tổ công tác. Sau gần 2 năm “nếm mật nằm gai” cùng Tổ công tác phá án, đến cuối năm 2008, đường dây buôn lậu ở Móng Cái bị bóc gỡ.

Gần 70 cán bộ gồm Công an, hải quan, thuế và quản lý thị trường bị xử lý kỷ luật, đường dây hàng lậu bị triệt phá, giúp Nhà nước không bị thất thu hàng chục tỷ đồng tiền thuế. Loạt phóng sự 3 kỳ “Thâm nhập đường dây hàng lậu Móng Cái” của Hoài Nam trên Báo Thanh niên đã gây chấn động dư luận, là hồi chuông cảnh tỉnh nạn bảo kê hàng lậu.

(Còn tiếp)

Ghi chép của Nguyên Minh