Mặn đắng đời diêm dân
Giá muối thấp, hạ tầng sản xuất không đảm bảo, chính sách hỗ trợ chưa phù hợp… là những nguyên nhân khiến diêm dân ở tỉnh Nghệ An không mặn mà với nghề làm muối những năm gần đây.
Diêm dân “bỏ ruộng, bỏ nghề”
Bước vào chính vụ sản xuất muối, nhưng trên cánh đồng muối ở tỉnh Nghệ An chỉ có lác đác người ra đồng sản xuất. Tại xã Diễn Vạn (huyện Diễn Châu), diện tích cánh đồng muối lên đến 70ha (của 2 HTX là Vạn Nam hơn 50ha và Vạn Đông khoảng 20ha), nhưng năm sau người làm muối lại ít hơn năm trước.
Ở những cánh đồng muối xã Diễn Kỷ, Diễm Kim (huyện Diễn Châu) còn ảm đạm hơn thế. Xã Diễn Kỷ có 26,65 ha đất sản xuất muối hiện đang bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, trở thành nơi chăn trâu, thả bò, dê…
Xóm Vạn Nam xã Diễn Vạn vốn không có đất sản xuất nông nghiệp, vì vậy đất để làm muối được xem là nguồn thu nhập chính của người dân bao đời này.
Thế nhưng thực tế hiện nay, nhìn cánh đồng muối với phần lớn diện tích ruộng muối chưa cày xới, đầm nền, hệ thống máng chạt hư hỏng, ô nại chạt lọc không được tu bổ… khiến nhiều người không khỏi xót xa bởi nghề truyền thống có nguy cơ lụi tàn.
Nghề muối là nghề truyền thống gắn bó từ bao đời nay của người dân nơi đây. Thế nhưng do giá muối bấp bênh, hạ tầng sản xuất còn hạn chế, không có cơ chế đặc thù, khiến diêm dân không còn mặn mà với nghề truyền thống này.
Gắn bó với nghề làm muối từ bao đời nay, từ khi cha ông làm nghề con cái nối truyền, đến nay chỉ còn vợ chồng ông bà Lê Thị Tuyến (59 tuổi) xóm Vạn Nam xã Diễn Vạn còn làm nghề, nhưng cũng chỉ lấy công làm lãi để bù trang trải chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, còn chi phí công việc lớn thì phải nhờ đến con.
Bà Tuyến cho biết: “Giá muối năm nay thấp hơn so với năm ngoái (khoảng 1.600-1.700 đồng/kg). Nếu làm cật lực cả ngày từ tháng 3 đến tháng 6, “được mùa, được giá”, 2 vợ chồng tôi cũng chỉ làm được 10-15 tấn muối cho thu nhập khoảng 10-20 triệu đồng. Số tiền này này quá ít so với sức lao động mà chúng tôi bỏ ra”.
Khó khăn chồng chất…
5, 6 năm về trước, bà Tuyến đã từng chở muối bằng xe đạp đi khắp các huyện miền núi tỉnh Nghệ An như Con Cuông, Kỳ Sơn, Quế Phong để bán, bởi muối làm ra nhưng không có nơi để tiêu thụ. Đi bán muối dạo vất vả và nguy hiểm khi phải leo đèo, lội suối nhưng bù lại muối được giá cao hơn.
Hiện nay, muối làm đến đâu đều có người thu mua ngay tại ruộng, nhưng lại giá thấp, công việc lại vất vả nên người dân không còn mặn mà.
Ông Hoàng Ngọc Biên, Chủ nhiệm Hợp tác xã muối Vạn Nam (xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu) cho biết, mỗi năm chỉ sản xuất được trong khoảng 3 tháng nắng nóng. Thời gian để hoang dài, các ô kết tinh, ô chạt lọc, thậm chí là cát biển lọc nước cũng bị hư hỏng, phải làm lại khi bước vào vụ mới, nên chi phí đầu tư cũng khá lớn. Trong khi đó, giá muối lên xuống thất thường, nên người dân ngày càng chán nản không muốn làm.
Còn ông Phan Âu (xã Diễn Kim huyện Diễn Châu) cho biết, giờ chỉ có người già ở nhà mới đi làm muối, lao động trẻ thì đi nước ngoài hay làm công ty, làm xây dựng cho thu nhập tốt hơn.
Ghi nhận thực tế ở những cánh đồng muối có thể thấy, những năm gần đây người dân đã không còn mặn mà với nghề truyền thống này nữa, bởi nghề muối vất vả, thu nhập lại thấp hơn nhiều nghề khác, nên diêm dân phải tha hương làm công nhân, hay kiếm cách khác để mưu sinh.
Ông Hoàng Thiên Long – Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn, thông tin: “Muối là nghề truyền thống của địa phương từ xa xưa, nhưng hiện nay người dân không còn mặn mà với nghề nữa, bởi làm muối vất vả, khổ cực, thu nhập lại thấp. Trong khi đó hiện nay các công ty mở nhiều, đi làm công nhân xây dựng, hay xuất khẩu lao động được nhiều người lựa chọn hơn”.
Để diêm dân ở xã Diễn Vạn, Diễn Kim, Diễn Kỷ nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung có thể yên tâm, bám trụ được với nghề làm muối truyền thống, rất cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất phù hợp.