Doanh nghiệp - Doanh nhân

Ngành dệt may hướng tới mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD

Trang Nhi 13/05/2024 - 08:19

Với việc nhiều doanh nghiệp đã đủ đơn hàng sản xuất đến hết tháng 8 và tháng 9/2024, ngành dệt may hoàn toàn tự tin đạt được mục tiêu 44 tỷ USD trong năm 2024.

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt khoảng 9,5 tỷ USD, tăng 9,62% so với cùng kỳ năm 2023, phục hồi tốt so với mức giảm 19,6% trong quý I/2023 và mức giảm 11,3% năm 2023. Qua đó, hoàn thành khoảng 21,6% mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD mà VITAS đề ra cho năm 2024, tăng 9,2% so với 2023.

nganh-det-may-1.jpg
Ngành dệt may hướng tới mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD

Tất cả thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam đều tăng trưởng khá. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 3,42 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ; xuất khẩu sang EU đạt 855 triệu USD, tăng 3,2%; Nhật Bản vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt với kim ngạch 1 tỷ USD, tăng 10,1%.

Đáng chú ý, tính đến hết tháng 3/2024, nhiều DN dệt may đã có đơn hàng đến tháng 9/2024, thậm chí có DN đã nhận đơn hàng đến hết năm nay.

Dù đơn hàng đã khởi sắc hơn, tuy nhiên theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn chưa thực sự thuận lợi, các nhãn hàng vẫn “e dè” trong quyết định đặt hàng, nhiều nhà nhập khẩu còn theo dõi tác động từ biến động chính trị trên thị trường thế giới và sự phục hồi của một số quốc gia tiêu thụ lớn.

Hơn nữa, nhiều thách thức đối với ngành dệt may vẫn còn hiện hữu. Cả nước có khoảng hơn 6.000 doanh nghiệp, nhưng chiếm tới 80% là doanh nghiệp nhỏ và vừa và phần lớn năng lực sản xuất vẫn dành cho xuất khẩu đang tạo ra sự mất cân đối lớn cho thị trường nội địa 100 triệu dân.

Trong khi đó, mặc dù đơn hàng dệt may đã phục hồi nhưng đơn giá gia công còn rất thấp, dung lượng đơn hàng nhỏ nhưng yêu cầu về thời gian giao hàng bị rút ngắn. Những chi phí về nguyên phụ liệu, chi phí logistics vẫn còn quá cao do xung đột Biển Đỏ, trong bối cảnh Việt Nam dần mất đi lợi thế về nguồn nhân công giá rẻ nên rất khó kiếm được đơn hàng đơn giản với số lượng lớn.

Bên cạnh đó, phần lớn các thị trường xuất khẩu hiện nay đều kiểm soát chặt chuỗi cung ứng từ nguồn lao động cho đến tác động môi trường. Những đòi hỏi khắt khe từ nguồn gốc nguyên phụ liệu, đáp ứng chứng chỉ xanh đối với nhà máy, sản phẩm có sử dụng dụng sợi tái chế để đảm bảo chuẩn về kinh tế tuần hoàn.

Đặc biệt trong xu thế hội nhập và phát triển bền vững toàn cầu, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều FTA thế hệ mới cùng cam kết mạnh mẽ về NetZero tại COP26, dệt may đứng trước áp lực giảm khí thải nguy hại trong quá trình sản xuất; cải thiện về nguồn lao động và môi trường, nguyên phụ liệu, tiết kiệm năng lượng và xanh hóa chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng.

Mặc dù đứng trước nhiều thách thức, song dệt may vẫn có những lợi thế riêng. Với Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam từ nay đến năm năm 2030 và định hướng tầm nhìn đến năm 2035 đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2022, dệt may Việt Nam đang từng bước chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững, hướng đến phát triển hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn và hoàn thiện chuỗi giá trị.

Trang Nhi