Thanh Hóa: Băn khoăn đề xuất xây tượng đài Phà Ghép
Vừa qua, UBND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) có đề xuất gửi cấp trên về việc xin xây Tượng đài Phà Ghép chiến thắng tại địa bàn xã Quảng Trung nơi giáp danh giữa Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn được dư luận hết sức quan tâm.
Dự kiến toàn bộ diện tích hơn 8.000m2, tổng mức đầu tư lên đến hơn 85 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện và vốn huy động hợp pháp khác.
Tượng đài được xây mới với các mô phỏng hình tượng nhân vật bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, công an, công nhân ngành giao thông vận tải, nhân dân địa phương…
Trong khi đơn vị đề xuất cho rằng đây là một trong những di tích lịch sử, ghi nhận chiến công, giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ. Tuy nhiên, về thông tin dự kiến xây dựng tượng đài tại Quảng Trung, một số người dân địa phương lại cảm thấy boăn khoăn, việc xây dựng tượng đài có thật sự cần thiết, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay và có rất nhiều cách khác nhau để tri ân, giáo dục truyền thống hào hùng của dân tộc thay vì xây tương đài.
Chẳng hạn như việc chăm lo đời sống vất chất, tinh thần, tạo công ăn việc làm cho thân nhân những người có công với cách mạng, chế độ chính sách, hộ nghèo. Hoặc xuất bản sách về lịch sử địa phương, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về các khu di tích, lịch sử, con người mỗi vùng đất…
Việc đầu tư cho cơ sở trường, lớp ngày một khang trang, hiện đại, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn được tới trường, bằng những bài học lịch sử hay, hấp dẫn sẽ góp phần cho mảnh đất, con người nơi đó phát triển và hiểu sâu hơn về những gì cha ông đi trước đã trải qua để giành lấy độc lập, tự do.
Theo thống kê, tới năm 2024, trên địa bàn huyện Quảng Xương có hơn 6.000 đối tượng người có công và 3.350 đối tượng bảo trợ xã hội và gần 600 nạn nhân chất độc, da cam/dioxin, hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo cần được chung tay giúp đỡ.
Hàng năm, theo chính sách của nhà nước, những người yếu thế được hưởng các chế độ theo quy định. Các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi, vận động sự ủng hộ của các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm dành tặng thêm những phần quà cho người nghèo, gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, gia đình khó khăn trên địa bàn. Điều đó chỉ giúp một phần cho cuộc sống của họ bớt khó khăn, chứ thực tế họ cần được quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn.
Trước đó, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) cũng triển khai dự án Khu di tích lịch sử Trận địa Đông Ngàn và Tượng đài Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc. Dự án này phải điều chỉnh nhiều lần từ tên gọi, quy mô, phác thảo tượng đài.
Mục tiêu đầu tư nhằm tri ân và tôn vinh chiến công vẻ vang của Trung đội dân quân gái Anh hùng xã Hoa Lộc; xây dựng di tích trở thành địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân.
Quy mô đầu tư dự án: Tái hiện mô hình trận địa Đông Ngàn, tượng đài, nhà quản lý, đón tiếp, trưng bày, cổng chính, cổng phụ, biển giới thiệu di tích, sân đường, nhà vệ sinh, san nền, hạ tầng kỹ thuật và cây xanh.
Sau khi được điều chỉnh thì đây là dự án nhóm B với dự kiến tổng mức đầu tư khoảng lên đến gần 75 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư từ vốn ngân sách tỉnh Thanh Hóa là 37 tỷ đồng (nguồn vốn đầu tư công trong cân đối ngân sách tỉnh, nguồn thu từ tiền sử dụng đất điều tiết về ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025); vốn ngân sách huyện Hậu Lộc 10 tỷ đồng; vốn xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác gần 28 tỷ đồng.