An ninh trật tự

Kịp thời ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo trực tuyến tại tỉnh miền núi

Nguyễn Liên 12/05/2024 - 07:40

Chỉ trong những ngày đầu tháng 5, lực lượng chức năng tỉnh Cao Bằng đã kịp thời ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo chuyển tiền trực tuyến, giả danh sàn giao dịch thương mại điện tử

Theo đó, ngày 11/5, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Cao Bằng và các đơn vị chức năng triệt phá nhóm đối tượng có hành vi lừa đảo trên không gian mạng với thủ đoạn giả danh sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee tại tỉnh Cao Bằng và Thái Nguyên.

1cb(1).jpg
Khám xét khẩn cấp nơi làm việc của đối tượng Nguyễn Thị Tuyết Dâng (hình CA CC)

Trước đó, vào khoảng tháng 3/2024, trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nắm được thông tin về một nhóm đối tượng do Nguyễn Thị Tuyết Dâng (sinh năm 1990), trú tại tổ 11, phường Đề Thám, (Thành phố) là một trong những đối tượng trong đường dây thực hiện hành vi phạm tội. Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh nhân viên sàn thương mại điện tử Shopee tri ân khách hàng để gọi điện mời khách hàng kết bạn zalo và hướng dẫn thực hiện các giao dịch, sau đó lừa để chiếm đoạt tiền. Lực lượng chức năng xác định, đối tượng này điều hành hai nhóm lừa đảo, một nhóm tại tỉnh Cao Bằng và một nhóm tại tỉnh Thái Nguyên.

Sáng 11/5/2024, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Dâng và khám xét khẩn cấp chỗ ở, nhà của đối tượng thuê tại số 366, tổ 5, phường Đề Thám, phát hiện có 12 đối tượng đang kết nối, gọi điện cho nhiều người để thực hiện hành vi phạm tội. Cơ quan điều tra thu giữ 17 máy tính xách tay cùng nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan.

Buổi sáng cùng ngày, Tổ công tác Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các phòng chức năng thuộc Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Công an tỉnh Thái Nguyên tiến hành bắt giữ 14 đối tượng tại số nhà 19B, ngõ 021, đường Chu Văn An, thành phố Thái Nguyên đang có hành vi giả danh sàn thương mại điện tử gọi điện mời khách hàng tham gia các hoạt động giao dịch nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản tương tự như tại Cao Bằng. Qua khám xét khẩn cấp ở Thái Nguyên, lực lượng chức năng thu giữ 17 máy tính xách tay cùng nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan.

Ban đầu đối tượng Dâng khai nhận, trung bình một ngày các đối tượng gọi từ 1.500 - 2.000 cuộc điện thoại cho khách hàng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước để tiếp cận người dân nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Bước đầu, Công an tỉnh xác định các đối tượng có hành vi sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông để trục lợi và có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, ngày 10/5, Công an thành phố Cao Bằng đã ngăn chặn 1 trường hợp bị lừa đảo qua mạng xã hội. Theo kết quả điều tra, chị V.T.H. (SN 1995, trú tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) được một đối tượng thêm vào nhóm chat trên mạng xã hội để làm các nhiệm vụ và nhận hoa hồng.

Trong những lần đầu tiên, chị H. được yêu cầu nộp tiền để hoàn thành nhiệm vụ và được các đối tượng hoàn lại tiền “hoa hồng" đúng như hứa hẹn. Sau đó, các đối tượng yêu cầu chị H. phải nộp thêm tiền để hoàn thiện hồ sơ mới được tiếp tục làm nhiệm vụ, chị đã chuyển thêm 2 lần tiền với tổng giá trị khoảng 42 triệu đồng.

Tuy nhiên, với nhiều lý do như thực hiện sai cú pháp, sai nội dung... các đối tượng tiếp tục yêu cầu chị H. phải nạp thêm tiền mới được hoàn thiện hồ sơ.

Ngày 10/5, người phụ nữ này tiếp tục ra ngân hàng để chuyển thêm 39 triệu đồng với hy vọng hoàn thiện hồ sơ để lấy lại số tiền đã phải bỏ ra trước đó. Nhận thấy chị H. có dấu hiệu bị các đối tượng lừa đảo qua mạng, nhân viên ngân hàng tạm thời trì hoãn thực hiện giao dịch và thông tin cho Công an thành phố Cao Bằng để giải quyết.

Qua quá trình tuyên truyền, thuyết phục, nạn nhân đã nhận ra đây là chiêu trò lừa đảo của các đối tượng xấu và cũng đã dừng giao dịch, không để mất thêm tài sản.

viet-post.jpg
Cán bộ Công an huyện và Bưu điện huyện Quảng Hòa tuyên truyền về những âm mưu, thủ đoạn lừa đảo để ông T. hiểu rõ hơn.

Trước đó, khoảng 17h30 ngày 9/5, Công an huyện Quảng Hòa nhận được tin báo của Bưu điện huyện Quảng Hòa về một trường hợp người dân yêu cầu chuyển số tiền lớn có dấu hiệu bị lừa đảo.

Công an huyện Quảng Hòa phân tích để ông T. dừng giao dịch, không chuyển số tiền 310 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo

Qua làm việc, ông L.V.T. (SN 1975, trú tại xóm Tiến Minh, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa) cho biết, thời gian gần đây có một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an Thành phố Đà Nẵng gọi điện thoại thông báo ông T. có liên quan đến một vụ án, yêu cầu chuyển số tiền 310 triệu đồng để “phục vụ điều tra”, nếu không sẽ lập tức bị bắt giữ.

Đối tượng yêu cầu giữ bí mật, không kể cho bất cứ ai và khi chuyển tiền ghi nội dung là để mua máy móc.

Do nhẹ dạ, cả tin, ông T. đã đến ngân hàng rút tiền tiết kiệm sau đó chuẩn bị chuyển số tiền 310 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp.

Công an huyện Quảng Hòa cùng Bưu điện huyện đã tạm dừng việc làm thủ tục giao dịch cho ông T. và phân tích để nạn nhân xác định chiêu trò lừa đảo của các đối tượng xấu.

cahg.jpg
Cán bộ Công an tỉnh Hà Giang tích cực tuyên truyền cho quần chúng nhân dân các hành vi lừa đảo trên không gian mạng để nhân dân kịp thời nắm bắt và phòng tránh

Trước tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; đặc biệt chúng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin, thiếu thông tin và đánh vào lòng tham của một bộ phận nhỏ người dân để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, sàn giao dịch điện tử,...

Với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi như: Giả danh cơ quan pháp luật yêu cầu nạn nhân gửi tiền vào số tài khoản chúng cung cấp để phục vụ điều tra; giả danh nhân viên ngân hàng hướng dẫn cung cấp phần mềm, mã OTP để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng; giả danh khách hàng gọi điện thoại đặt mua hàng khó mua, sản phẩm lạ hoặc dịch vụ ăn uống với giá trị lớn kèm các món lạ, hướng dẫn nạn nhân chỗ mua hàng về bán lại cho đối tượng rồi chiếm đoạt số tiền đặt mua sản phẩm trên hoặc lợi dụng nhu cầu về đất ở, mua bán, chuyển nhượng bất động sản… một số đối tượng đã làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, một số sử dụng mạng xã hội như zalo, Facebook… để thực hiện hành vi phạm tội.

Tại Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn trong thời gian qua đã chủ động thực hiện tốt Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn các tỉnh.

Nguyễn Liên