Nghệ An: Đề nghị điều tra vụ phá rừng trái pháp luật ở huyện Con Cuông
Vừa qua, trên địa bàn xã Cam Lâm, huyện Con Cuông (Nghệ An) đã xảy ra tình trạng chặt phá rừng trái phép, vượt mức xử lý vi phạm hành chính. Vì vậy, Hạt Kiểm lâm Con Cuông đã chuyển hồ sơ đề nghị điều tra, khởi tố hình sự đối với đối tượng gây ra hành vi nêu trên.
Trước đó, từ báo cáo nhanh của UBND xã Cam Lâm và Hạt Kiểm lâm Con Cuông về việc chặt phá rừng trái phép trên địa bàn xã này, ngày 18/3/2024, UBND huyện Con Cuông đã thành lập Đoàn kiểm tra hiện trường rừng tại xã Cam Lâm.
Theo tìm hiểu, vị trí khu vực rừng bị phá thuộc lô 24, khoảnh 7, tiểu khu 739, thửa đất số 29, tờ bản đồ số 2 và lô 21, khoảnh 7, tiểu khu 739, thửa đất số 30, tờ bản đồ số 2 thuộc bản Cam, xã Cam Lâm, huyện Con Cuông (Nghệ An) đã bị chặt phá, đốt trái phép với tổng diện tích 56.000m2.
Theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Con Cuông, khu vực bị chặt phá, đốt trái phép có quy hoạch là đất rừng; hiện trạng theo bản đồ 163 là RSN. Còn theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Nghệ An, khu vực bị chặt phá, đốt trái phép thuộc quy hoạch rừng sản xuất.
Theo Chủ tịch UBND xã Cam Lâm, 2 thửa đất trên đã được UBND huyện Con Cuông giao cho 2 cá nhân cư trú trên địa bàn xã Cam Lâm là ông Hồ Văn Việt (thửa số 29) và ông Vi Văn Công (thửa số 30) theo Nghị định 163/NĐ-CP của Chính phủ.
Tuy nhiên, cả 2 cá nhân này đều đã chuyển nhượng cho ông Nguyễn Trọng Sơn có đăng ký tạm trú tại bản Pá Hạ, xã Thạch Ngàn (Con Cuông), nơi thường trú huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau đó, ông Sơn tiếp tục bán lại 2 thửa đất nói trên cho ông Nguyễn Trọng Niệm (SN 1972) có hộ khẩu thường trú tại bản Cam, xã Cam Lâm (huyện Con Cuông).
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Con Cuông, sau khi nhận chuyển nhượng, ông Nguyễn Trọng Niệm đã thuê một nhóm người đến chặt phát các cây nứa, cây gỗ nhỏ, các loại cây cỏ khác tại các thửa đất 29 và 30 trong 4 ngày.
Sau đó, đến cuối tháng 02/2024, ông Niệm tiếp tục thuê nhóm người ở bản Cam, xã Cam Lâm, huyện Con Cuông và huyện Kỳ Sơn đến để cưa hạ các cây lớn mà trước đó chưa chặt được và đốt toàn bộ khu vực đã chặt.
Sau khi vụ việc xảy ra, ngày 19/3/2024, Hạt Kiểm lâm Con Cuông đã phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng cấp huyện và UBND xã Cam Lâm tiến hành kiểm tra hiện trường, xác minh việc phá rừng trái pháp luật.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch UBND xã Cam Lâm cho biết: Toàn xã Cam Lâm có 6 điểm giáp ranh, trong đó có 1 điểm ngoài địa bàn huyện. Công tác bảo vệ rừng phức tạp, địa bàn rộng, chênh vênh... nên luôn tiềm ẩn nguy cơ phá rừng mặc dù lực lượng bảo vệ rừng như kiểm lâm địa bàn, cán bộ lâm nghiệp xã, đội quản lí phản ứng nhanh, đội quản lí bảo vệ rừng ở thôn bản được tăng cường liên tục, đặc biệt là các ngày lễ.
Nói về vụ phá rừng mới xảy ra, ông Thắng cho biết thêm, lực lượng người được thuê rất đông, từ 25 đến 30 người, có thời điểm cao nhất là 50 người mà chủ yếu là người ngoài địa bàn. Điều đáng nói là những người được thuê để chặt phá rừng không hoạt động ban ngày mà chủ yếu làm vào ban đêm nên rất khó để phát hiện.
Đối chiếu theo Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022, hành vi của ông Nguyễn Trọng Niệm đã vượt quá mức khung xử phạt vi phạm hành chính.
Vì vậy, ngày 01/4/2024, Hạt Kiểm lâm Con Cuông đã có Công văn số 47/CV-HKL về việc chuyển hồ sơ đề nghị điều tra, khởi tố hình sự đối với ông Nguyễn Trọng Niệm về hành vi nói trên