Mục tiêu giảm chênh lệch giá vàng: Càng nỗ lực càng… tăng
Thủ tướng Chính phủ liên tục chỉ đạo phải giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra biện pháp đầu tiên là đấu thầu vàng miếng SJC. Thế nhưng, thực tế cho thấy, cơ quan chức năng càng nỗ lực, khoảng cách hai thị trường càng tăng mạnh mẽ.
Xử lý ngay và luôn tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế
Giữa tháng 4/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo số 160 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung thực hiện nghiêm các quy định tại nghị định số 24/2012 của Chính phủ.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước; Chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng theo quy định; Can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao.
Việc này nhằm bảo đảm hoạt động, giao dịch trên thị trường được quản lý, kiểm soát chặt chẽ bằng các công cụ đã có, không ảnh hưởng đến tỉ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá…
Trước đó, người đứng đầu Chính phủ đã nhiều có chỉ đạo liên quan vấn đề này. Sự quyết liệt của Thủ tướng đến từ việc giá vàng SJC đã có chuỗi ngày rất dài tăng mạnh, cao vượt trội so với vàng quốc tế. Giai đoạn cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhiều thời điểm giá vàng SJC “đắt” hơn vàng quốc tế 20 triệu đồng/lượng.
Một trong những nguyên nhân chính gây của hiện tượng này chính là Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24), cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Trước năm 2012, vàng được coi như phương tiện thanh toán khiến nền kinh tế bị “vàng hóa”, từ đó gây áp lực lên tỷ giá và hoạt động xuất nhập khẩu. Vì vậy, Nghị định 24 được ban hành nhằm ngăn chặn tình trạng “vàng hóa”, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và sự an toàn thị trường tài chính, đặc biệt là giảm tác động bất lợi đối với việc điều hành tỷ giá.
Tuy nhiên, hơn 10 năm sau khi Nghị định 24 được ban hành, một số bất cập đã xuất hiện. Do không nhập khẩu thêm vàng nên lượng cung ít, khiến giá vàng trong nước ngày càng cao hơn giá vàng quốc tế.
Càng nỗ lực, chênh lệch càng… tăng
Giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024, chênh lệch giữa hai thị trường được đẩy lên mức cao chưa từng có 20 triệu đồng/lượng. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần chỉ đạo phải giảm khoảng cách này. Thị trường tích cực hơn chút ít khi giá vàng SJC “chỉ” còn cao hơn vàng quốc tế khoảng 17,5 triệu đồng/lượng. Đây là con số phổ biến trong quý 1/2024.
Sau nhiều tháng “đi ngang” ở mức 17,5 triệu đồng/lượng, tới giữa tháng 4/2024 – lần chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng về thị trường vàng, giá vàng SJC giao dịch phổ biến ở mức 80,60 triệu đồng/lượng – 83,10 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa hai thị trường rơi xuống mức thấp nhất năm 2024 là chỉ hơn 10 triệu đồng/lượng.
Nhưng tín hiệu tích cực này không kéo dài được lâu, vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, giá vàng SJC biến động mạnh theo chiều hướng tăng mạnh là chủ yếu trong khi giá quốc tế phập phù, thậm chí giảm sâu.
Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/5, giá vàng SJC được giao dịch phổ biến ở mức 85,3 triệu đồng/lượng – 87,50 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng so với phiên trước đó và tiếp tục lập kỷ lục cao chưa từng có trong lịch sử thị trường. Đáng chú ý, giá vàng quốc tế giảm sâu, giảm gần 10 USD/ounce xuống chỉ còn 2.313 USD/ounce.
Còn so với ngày 14/4/2024, thời điểm chênh lệch giữa thị trường trong nước và quốc tế xuống “đáy”, giá vàng SJC tăng 4,7 triệu đồng/lượng chiều mua vào, tương đương 5,8% và tăng 44, triệu đồng/lượng chiều bán ra, tương đương 5,29%.
Trong khi đó, cùng giai đoạn, giá vàng quốc tế lại giảm 30 USD/ounce, tương đương 1,28%. Kết quả là chênh lệch giữa hai thị trường lại được nâng lên mức rất cao. Hiện tại. giá vàng SJC đang “đắt” hơn giá vàng quốc tế 15,9 triệu đồng/lượng.
Một trong những nguyên nhân khiến cơ quan chức năng chưa thể “kìm cương” được chênh lệch giữa hai thị trường chính là biện pháp đấu thầu vàng miếng SJC không phát huy tác dụng như kỳ vọng.
Từ ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên sau hơn 10 năm gián đoạn. Động thái này được kỳ vọng tạo nguồn cung trên thị trường từ đó giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Thế nhưng, trong 4 phiên đấu thầu, có tới 3 phiên phải hủy. 1 phiên được diễn ra nhưng khá ế ẩm khi chỉ hơn 3.000 lượng vàng có chủ mới.
Có thể thấy, cơ quan quản lý càng nỗ lực, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế càng… tăng. Dù vậy, nỗ lực vẫn tiếp tục được ghi nhận. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng.
Áp lực ngày càng tăng
Mục tiêu giảm chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế ngày càng đối diện với nhiều áp lực nặng nề hơn khi mà vàng SJC vẫn nóng lên, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, vàng thế giới chưa thoát khỏi xu hướng giảm giá trong ngắn hạn.
Các nhà phân tích tại Heraeus đánh giá dù xét về dài hạn, giá vàng vẫn sẽ ghi nhận đà tăng nhưng trong ngắn hạn, kim loại quý này tiếp tục phải đối mặt với những trở ngại từ lãi suất trái phiếu tăng cao.
Trong báo cáo kim loại quý mới nhất của mình, các nhà phân tích viết rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra đánh giá về nền kinh tế.
Chuyên gia tại Heraeus cho biết: “Chủ tịch Fed Jerome Powell đã bác bỏ khả năng tăng lãi suất vào tháng 6 trong cuộc họp FOMC hôm thứ Tư, mặc dù ông đã tái khẳng định cam kết ưu tiên kiềm chế lạm phát do mục tiêu 2% ngày càng xa vời”. Fed chưa giảm lãi suất nghĩa là áp lực lên đồng USD chưa lớn và vàng trở nên kém hấp dẫn.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng trái phiếu lợi suất cao dường như vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư hơn kim loại màu vàng.
Trong khi hai thị trường vẫn tiếp tục trái chiều, giá vàng trong nước ngày càng có nguy cơ đắt đỏ hơn nhiều so với giá vàng quốc tế. Điều đó cũng có nghĩa áp lực ngày càng tăng cho nhiệm vụ giảm khoảng cách giữa hai thị trường.
Tuy nhiên, đây chỉ là khả năng cao sẽ xảy ra trong ngắn hạn. Còn về dài hạn, giá vàng quốc tế vẫn được dự báo tăng.
Các nhà phân tích tại Heraeus đã ghi nhận nhiều yếu tố hỗ trợ kim loại quý trong dài hạn. Đó là “cá mập” vẫn duy trì xu hướng mua vào vàng. Theo đó, khối lượng mua vàng chưa từng có của ngân hàng trung ương trong quý 1 vẫn là trợ lực cho vàng.
Họ cho biết: “Các ngân hàng trung ương toàn cầu đã bổ sung 289,7 tấn vàng vào dự trữ của mình, đánh dấu mức cao kỷ lục trong quý đầu tiên. Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư ETF phương Tây, đặc biệt là các quỹ châu Âu, đã bán ra khoảng 30 tấn vàng từ việc nắm giữ ETF trong tháng 4”.