“Bắt tay” với mạng xã hội và những hệ lụy đáng lo của báo điện tử
Đời sống - Ngày đăng : 08:00, 21/06/2016
Tuy nhiên, sự tương tác này đang có xu hướng “mất” hơn là “được” khi gây ra những hệ lụy đáng lo cho nền báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng.
Mạng xã hội ngày càng “xâm lấn” thông tin báo chí
Trong vài năm trở lại đây, xu hướng số hóa đang bao trùm và thống trị trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trên internet. Kéo theo đó là việc xuất hiện các mạng xã hội thu hút lượng độc giả ngày càng đông đảo và vẫn đang tiếp tục gia tăng một cách lấn lướt các trang báo chính thống. Điều này đã đặt báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng trước thách thức khốc liệt chưa từng có.
Có ý kiến cho rằng sự hiển hiện của báo chí chính thống sẽ ngày càng mờ nhạt, thậm chí sẽ bị xóa sổ trong tương lai, và báo điện tử nếu không tạo ra được diện mạo mới với cách làm mới để giành lại độc giả sẽ trở nên “èo uột” ăn theo mạng xã hội đang dần được chứng minh. Sự cạnh tranh dai dẳng và khốc liệt đang hiển hiện trong từng bài viết, trên từng trang báo, thậm chí trong từng cách tác nghiệp của nhà báo.
Trong khi đó, Facebook mới đây đã đưa ra một số thống kê về thói quen và hành vi sử dụng Facebook của người Việt. Những con số như 20 triệu người dùng hàng ngày, 2,5 giờ trung bình mỗi ngày được dành ra để sử dụng Facebook... cho thấy mạng xã hội này vẫn chưa có bất kỳ đối thủ nào xứng tầm tại Việt Nam.
Thống kê cũng cho thấy tại Việt Nam mỗi tháng có tới 30 triệu người dùng Facebook, trong đó có 27 triệu người có sử dụng các thiết bị di động để truy cập mạng xã hội này. Nếu tính trên phạm vi hàng ngày, số người truy cập Facebook nói chung và số người truy cập Facebook qua di động nói riêng lần lượt là 20 triệu và 17 triệu người.
2,5 giờ là thời gian trung bình một người dùng Facebook Việt Nam dành ra mỗi ngày để lang thang trên mạng xã hội, gấp đôi số thời gian được dành ra mỗi ngày để xem TV. Facebook cho biết những con số này cao hơn 13% so với mức độ sử dụng Facebook trung bình của thế giới.
Sự phát triển của mạng xã hội cũng mang đến nhiều hệ lụy
Cùng với việc kết nối Internet, đặc biệt là Internet không dây (WiFi) ở Việt Nam ngày càng mở rộng. Hầu hết các quán cà phê, nhà hàng, các điểm vui chơi công cộng ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng,… đều có wifi miễn phí với tốc độ cao.
Sự ra đời liên tục của nhiều thiết bị mới giá mềm, giá tối thiểu của mỗi chiếc điện thoại thông minh có thể truy cập Internet, Facebook, chat và các tính năng cơ bản khác như chụp ảnh đến thời điểm này là 50 USD (trên 1 triệu đồng). Đặc biệt với ưu thế vượt trội của mạng xã hội là các lệnh kỹ thuật hướng về nhu cầu người dùng như sự chia sẻ, cập nhật và tiếp cận thông tin theo nhóm, không giới hạn về không gian, thời gian và quan trọng nhất là không hề bị kiểm duyệt bởi bất kỳ cơ quan, đơn vị hay công cụ nào đã giúp Facebook trở nên lớn mạnh và tăng trưởng rất nhanh.
Thông tin trên mạng xã hội được cập nhật từng phút, từng giây, liên tục 24 giờ mỗi ngày bởi hàng vạn, hàng triệu, hàng tỉ người cung cấp tức thời trên phạm vi toàn cầu mà không một cơ quan báo chí nào, dù có nhiều phóng viên đến đâu có thể so sánh được.
Báo điện tử “bắt tay” mạng xã hội
Tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, Facebook đang làm mưa làm gió, nó đã và đang san phẳng mọi giới hạn về kết nối, về nhu cầu chia sẻ thông tin. Có những tờ báo lớn, uy tín trước kia đã từng ngăn chặn, cấm đoán Facebook thì nay đã sử dụng mạng xã hội như nguồn tin ban đầu, là công cụ tác nghiệp, đồng thời là kênh phát hành thông tin đến đông đảo bạn đọc. Đôi lúc nó còn được sử dụng “thông minh” như một kênh thăm dò, tiếp nhận phản ứng từ dư luận trước khi chính thức được triển khai thành bài viết trên mặt báo.
Mạng xã hội thực sự đã trở thành “kho” thông tin vô tận cho báo chí. Hằng ngày, nhiều sự kiện, thông tin, dữ liệu của đời sống được cá nhân cập nhật liên tục trên mạng xã hội đã được nhiều nhà báo nhanh nhạy theo dõi và đón bắt. Bằng nhạy cảm nghề nghiệp, khả năng thâu tóm và xử lý thông tin, mỗi nhà báo có thể tìm thấy trong hàng triệu tin tức, chia sẻ trên mạng xã hội không ít những chủ đề nào đó cho bài báo của mình. Với khả năng liên kết mạnh mẽ, mạng xã hội góp phần quảng bá thông tin từ báo chí, nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên báo chí.
Mạng xã hội cũng là nơi tương tác giữa báo chí và công chúng: Nhiều vấn đề, sự kiện được xã hội quan tâm, được bàn luận sôi nổi trên các trang mạng xã hội chính là dư luận xã hội mà báo chí quan tâm và muốn nắm bắt. Triển khai những đề tài, ý tưởng, giải đáp được những bức xúc, nhu cầu thông tin này một cách nhanh chóng, chính là hiệu quả mà báo chí có thể mang lại. Sự nhanh nhạy của cơ quan báo chí và người làm báo, trả lời được những thắc mắc và cung cấp trúng, đúng nhu cầu thông tin của công chúng chính là “gãi” đúng “chỗ ngứa” của công chúng.
Trên thực tế đã hình thành ra một quy trình thông tin mới, các thành viên sau khi tham gia trên mạng xã hội trong một sự kiện, một vấn đề “nóng” nào đó thường muốn tìm kiếm thông tin từ báo chí, nơi mà họ cho là “chính thống” để giải đáp thêm, thông tin thêm về những sự kiện mới chỉ ở dạng lan truyền trên mạng như “lời đồn”. Tờ báo nào nhanh nhạy đáp ứng được sự tìm kiếm này sẽ có khả năng “hút” độc giả một cách mạnh mẽ và rộng lớn.
Một bài báo có những thông tin được công chúng quan tâm, khi cập nhật, lan truyền trên mạng xã hội sẽ tạo ra sức lan tỏa rộng lớn hơn rất nhiều lần so với việc nó được phát hành trên các sạp báo. Các thành viên của mạng xã hội tạo ra những cuộc thảo luận, bình luận xung quanh nội dung của bài báo, có người còn cung cấp thêm những thông tin liên quan. Điều này lại có tác dụng phản hồi trở lại với mỗi người cầm bút và cơ quan báo chí.
Khái niệm về “bài báo mở” một phần đã bắt nguồn từ chính sự tương tác này. Ngoài ra, tận dụng sự tương tác theo quy luật này, nhiều tờ báo điện tử đã không không bỏ lỡ cơ hội đẩy mạnh các tin bài do nhà báo tác nghiệp lên mạng Facebook nhằm tăng view, tăng like, thu hút độc độc giả quan tâm tới trang báo mình nhiều hơn.
Hệ lụy đáng báo động
Những lợi ích của việc ra đời mạng xã hội là không thể phủ nhận, tuy nhiên, điểm yếu hiện nay của chúng ta là chưa kiểm soát hiệu quả các sản phẩm, website của doanh nghiệp nội dung số nước ngoài tại Việt Nam. Điều này đã tạo ra những khoảng trống để các thế lực tiêu cực, phản động lợi dụng đưa thông tin xuyên tạc, kích động, phá hoại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh tư tưởng, văn hóa của ta, tác động xấu đến đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ.
Trên thực tế, bên cạnh một số trang mạng xã hội được cấp phép ở Việt Nam, một số thế lực thù địch lợi dụng internet đã dùng thủ đoạn xây dựng các trang web, đặt máy chủ ở nước ngoài, đăng tải các thông tin, luận điệu phản động, sai trái, kích động, trái thuần phong mỹ tục… nhằm chống phá Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Những thế lực này, với tư cách thành viên của các trang mạng xã hội, đưa lên mạng những lời lẽ bình luận không khách quan hoặc thông tin sai sự thật, thậm chí bịa đặt, nhằm gây nhiễu loạn thông tin, bôi nhọ hình ảnh, nói xấu chế độ…
Tình trạng vi phạm bản quyền tác giả diễn ra ngày càng phổ biến và nghiêm trọng bởi các báo điện tử, trang tin điện tử tổng hợp tại Việt Nam. Cụ thể các hành vi như: sử dụng tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu; không trả tiền nhuận bút, thù lao theo quy định của pháp luật; cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm; xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu… Tình trạng này là do nguyên nhân hiện nay nhiều trang thông tin điện tử bất chấp những chuẩn mực đạo đức truyền thông, các cơ quan báo chí và tòa soạn điện tử không bảo vệ được phóng viên của mình trước nạn vi phạm quyền tác giả tràn lan trên các trang thông tin điện tử.
Ngoài ra, thói quen tiếp nhận thông tin dễ dãi từ những nguồn không chính thống lâu dần sẽ dẫn đến lệch chuẩn về văn hóa. Văn bản của báo điện tử và trang tin điện tử là siêu văn bản về mặt kỹ thuật hoàn toàn khác với văn bản của báo in. Người đọc trung thành dễ dàng rời bỏ kiểu văn bản báo in được đưa lên báo điện tử nên các tòa soạn bị áp lực phải chạy theo thị hiếu người đọc.
Rất nhiều báo điện tử phát triển thiếu chuyên nghiệp, nhanh chóng rời bỏ loại văn bản truyền thống và sử dụng loại văn bản méo mó về mặt ngữ pháp, ngôn từ thô tục. Nội dung thông tin ở một số bài còn thể hiện thiếu văn hóa và thẩm mỹ, phần lớn lôi kéo được độc giả trẻ tuổi sử dụng “ngôn ngữ mạng, hình ảnh mạng”.
Vấn đề xâm phạm quyền nhân thân cũng đang trở nên nghiêm trọng hơn. Thông thường, tất cả những người sử dụng internet đều có nhiều hơn một tài khoản trên mạng. Dữ liệu về nhân thân trên mạng có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc ngoài đời thật khi bị khai thác và sử dụng trái phép cho mục đích truyền thông.
Biểu hiện rõ nét là tình trạng người sử dụng tài khoản trên internet do chưa ý thức được sự ảnh hưởng nghiêm trọng của việc tự nhiên phơi bày nhân thân trên mạng nên nhiều báo điện tử, mạng xã hội… cũng “tự nhiên” khai thác kho dữ liệu này một cách bất hợp pháp đang ngày càng diễn ra phổ biến.
Những hệ lụy trên đây đã đặt ra vấn đề về trách nhiệm xã hội và đạo đức nhà báo trong thời đại số. Các nhà báo hiện đại cần phải nâng cao vai trò công dân, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên hàng đầu. Nhà báo còn có trách nhiệm xã hội to lớn là góp phần định hướng dư luận, ngăn ngừa, lên án những thông tin xấu độc và duy trì, xây dựng đạo đức xã hội.
Mỗi nhà báo nhận thức rõ, những gì chúng ta đón nhận mỗi khi mở máy tính, truy cập internet, chia sẻ với cộng đồng mạng chỉ đơn thuần là thông tin mang tính cá nhân mà thôi. Nó có thể là những thông tin hay, chính xác, thông tin có giá trị nhưng cũng có thể là tin rác, tin “vịt”.
Nó có thể là sự nghiêm túc cũng có thể là trò đùa hoặc sự ác ý. Nó có thể là nhìn nhận xã hội và con người một cách sắc sảo, hợp lý nhưng cũng có thể là góc nhìn quy chiếu hẹp, thiển cận. Nó có thể là thông tin “kim cương” hoặc chỉ là những thông tin thất thiệt, thiếu sự kiểm chứng. Không loại trừ, trong số đó có cả bàn tay của những thế lực thù địch muốn lợi dụng phạm vi tác động lớn của mạng xã hội để chống phá sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta.
Để từ đó, khi đặt mình trong quy trình tác nghiệp, trong mối quan hệ tương tác giữa mạng xã hội và tờ báo mình phục vụ, cân nhắc kỹ càng khi khai thác hoặc lấy thông tin từ mạng xã hội làm chất liệu cho bài báo của mình. Mỗi nhà báo, cơ quan báo chí phải thực sự tỉnh táo trở thành “người gác cổng thông tin”; đồng thời tự mỗi người phải nêu cao đạo đức và bản lĩnh người làm báo nhằm gìn giữ và làm trong sạch môi trường hoạt động cũng như đời sống báo chí.