Đám giỗ đồng nghiệp - đồng đội

Đời sống - Ngày đăng : 14:00, 20/06/2016

Gần 10 năm nay, tôi thường được mời dự một đám giỗ đặc biệt tại nhà anh Nguyễn Ngọc Huỳnh ở phường Phú Lợi, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đám giỗ chỉ gồm các nhà báo và các cựu quân nhân.

Anh Nguyễn Ngọc Huỳnh là nhà báo, nguyên Phụ trách Báo Công nhân Sông Bé (1982- 1985). Sau đó, anh về công tác ở báo Sông Bé (nay là báo Bình Dương); khi đến tuổi nghỉ hưu, nhận sổ hưu rồi, anh vẫn tham gia Báo Lao động - Xã hội.

Anh Huỳnh bồi hồi kể về lý do của đám giỗ đặc biệt hàng năm này. Tháng 4/1975, đơn vị của anh Huỳnh, trinh sát Trung đoàn 7 Công binh (thuộc Quân đoàn 3), gồm có các chiến sỹ: Vũ Duy Khánh, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Văn Hoạt, Dương Văn Thẩm... từ Buôn Ma Thuột tiến xuống Nha Trang.

Lúc qua đèo Phượng Hoàng, đơn vị bị địch phục kích, làm các chiến sỹ Khánh, Thái, Chiến hy sinh. Đó là ngày 2/4/1975. Sau đó, từ Nha Trang, các anh vòng về Đà Lạt, xuống Phước Long, Dầu Tiếng, rồi Củ Chi. Đêm 28/4, tổ trinh sát gồm 10 người, do tổ trưởng Nguyễn Ngọc Huỳnh dẫn đường cho bộ binh đánh căn cứ Đồng Dù.

Mũi tiến công gặp một tiểu đoàn bảo an phục kích, các chiến sỹ Thái, Thẩm, Chiến hy sinh. Đến 2 giờ sáng thì giải phóng Đồng Dù nhưng thương vong của quân ta rất nhiều...

Những người còn sống sót đã hứa với nhau, sau này sẽ lấy ngày 28/4 hàng năm để làm đám giỗ cho đồng đội. Và như vậy, từ năm 1980 (khi có nhà riêng), suốt 36 năm nay, vào trưa 28/4 thì các anh em đồng đội cũ lại quây quần bên nhau, có mâm cơm đơn sơ, tưởng nhớ đến những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trên đất Mẹ...

Anh Huỳnh cho biết, lúc đầu đám giỗ chỉ có gần 10 người, rồi anh em kết nối với nhau, gần đây thì đám giỗ có khi làm 7 đến 8 bàn. Tôi nhìn xung quanh, toàn quân nhân và cựu quân nhân, nhiều người mặc áo lính: Thiếu tá Đặng Ngọc Bích, đại tá Phạm Ngọc Toàn, đại tá Bùi Quang Việt, thượng tá Dương Văn Công (các anh đều là lính Trung đoàn 7); cô Nguyễn Thị Hoa, nguyên y tá trung đoàn, chiến sỹ Nguyễn Văn Liêm, thượng tá Nguyễn Văn Toàn (nay là Chính trị viên Tiểu đoàn huấn luyện Công binh)...

Bên cạnh đó còn có mặt các nhà báo: Trọng Đạt (Báo Nhân Dân), Quách Lắm (TTXVN), họa sỹ Lê Khánh Thông, cựu chiến binh, nguyên báo Quân khu 5; anh chị em Văn phòng thường trú Báo Lao động - Xã hội ở miền Đông Nam bộ.

Đám giỗ đồng nghiệp - đồng đội

 Nhà báo Nguyễn Ngọc Huỳnh (bên phải) làm mâm cỗ thắp hương đồng đội

Mỗi năm một lần, đám giỗ để tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh, cũng là dịp các anh “điểm danh” xem ai còn, ai mất, đời sống mỗi người ra sao. Năm nay, anh Huỳnh thông báo: vẫn chưa gắn được tên trên bia mộ của liệt sỹ Phạm Hồng Thái đang nằm ở nghĩa trang An Dương Tây (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh), vì khi quy tập mộ thì bộ phận quy tập đã sơ sót làm mất tên, đang tiến hành thử ADN để xác định lại.

Tuy nhiên, rất mừng là tên liệt sỹ Phạm Hồng Thái đã được khắc ở bia Đền thờ Bến Dược (Củ Chi). Anh Huỳnh cũng trăn trở, nếu có điều kiện làm lại nhà vững chắc thì anh sẽ xây trước nhà một cái am khang trang để thờ các đồng đội cho ấm cúng, chứ không thể chỉ vài bát hương đơn sơ như hiện nay...

Anh Nguyễn Ngọc Huỳnh giãi bày, ở mỗi đơn vị trinh sát thường gồm 15 người, đi trinh sát, mỗi người cách nhau 15m. Anh rưng rưng nghẹn ngào: “Khi hành quân xuống Nha Trang, là tổ trưởng nên Huỳnh luôn đi đầu. Nhưng không hiểu sao khi qua đèo Phượng Hoàng thì chiến sỹ Vũ Duy Khánh đã nói “Anh để em đi trước” và mới đi khoảng 500m thì Khánh đã bị địch phục kích bắn chết. Nếu không thì Huỳnh đã chết rồi. Đây là đám giỗ cho những người đồng đội đã chết thay mình”.

Chúng tôi, những nhà báo đã lặng người đi trước sự chia sẻ của đồng nghiệp Nguyễn Ngọc Huỳnh và các đồng đội của anh. Trong hương trầm nghi ngút, tôi cảm nhận được, để đến được ngày 30/4/1975 toàn thắng thì trước thềm ngày đó, bao người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống, cho cuộc sống hạnh phúc hôm nay.

Nguyễn Linh Giang