Phía sau những bức ảnh báo chí để đời
Đời sống - Ngày đăng : 08:30, 20/06/2016
Nghệ thuật trong khuôn khổ
“… Chúng tôi ở đó với máy ảnh nhằm ghi lại thực tế. Nhưng khi chúng tôi bắt đầu chỉnh sửa thực tế, chúng tôi biết rằng đã cướp đi khỏi nhiếp ảnh giá trị quý giá nhất”, Philip Jones Griffiths (1936 - 2008) - phóng viên ảnh xứ Wale, người từng có rất nhiều bức ảnh nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam đã từng nói như vậy. Thật vậy, một bức ảnh báo chí, ngoài hình thức đẹp, phải truyền tải được thông tin và cái quan trọng nữa, đó là phải “trung thực”.
Chia sẻ về vấn đề này, phóng viên ảnh Thanh Hà, một trong những tay máy kỳ cựu với kinh nghiệm hơn 20 năm cầm máy của Thông tấn xã Việt Nam cho biết, bức ảnh báo chí không đơn thuần như một tấm hình nghệ thuật. Có nghĩa là, nó không chỉ đẹp về hình thức, về bố cục mà cái quan trọng nó phải chứa đựng thông tin, truyền tải cho người xem được đúng ý đồ của sự kiện và hơn hết, thông tin đó phải trung thực, không được bóp méo, không sắp đặt.
Điều này đồng nghĩa với việc phóng viên ảnh khi tác nghiệp cần nắm rõ thông tin về sự kiện cần đưa để có thể chọn lọc và chụp được những bức ảnh phù hợp nhất, truyền tải đúng thông điệp nhất. Thông tin chỉ cần thêm bớt một chút cũng đã bị bóp méo và sai lệch. Một bức ảnh báo chí cũng vậy, chỉ cần sắp đặt thêm một chi tiết cũng đã làm người xem hiểu sai về thông tin mà phóng viên muốn truyền tải và như thế, báo chí không còn là báo chí nữa.
Phóng viên ảnh - nghề không bao giờ là dễ dàng và phải có đam mê
Người phóng viên ảnh khi đó chỉ có thể can thiệp bằng cách chụp lấy khoảnh khắc, dồn nén hết tư duy, trình độ, kiến thức…rồi bấm máy để có được bức ảnh mang đủ ý tứ nội dung cần truyền tải.
Bên cạnh tính trung thực tuyệt đối của ảnh, phóng viên Thanh Hà tiết lộ, một bài hoặc tin ảnh không cần có quá nhiều ảnh, mà cái quan trọng là phóng viên phải biết cách tìm điểm nhấn của sự kiện, sao cho những bức hình được truyền tải đầy đủ nhất ý nghĩa của thông điệp muốn nói. Nếu nhiều ảnh quá, bài báo ảnh sẽ giống như một bài kể chuyện vậy, sẽ làm mất đi tính báo chí trong đó.
Nhiếp ảnh không phải nhìn mà là cảm
“Nhiếp ảnh đối với tôi không phải là nhìn, mà là cảm. Nếu bạn không thể cảm nhận được những gì bạn đang nhìn, thì bạn sẽ không thể nào làm cho người xem cảm nhận bất cứ điều gì khi họ nhìn vào bức ảnh của bạn” - Don McCullin (1935) - nhiếp ảnh gia tư liệu nổi tiếng với những bức ảnh chiến tranh cũng như ảnh đời sống đô thị chuyển mình.
Để chụp ảnh cần nín thở, tập trung tất cả bản năng vào việc nắm bắt khoảnh khắc của thực tế. Chụp được một bức ảnh ở đúng thời điểm quyết định có thể đem lại sự thỏa mãn và vui thú cả về thể chất lẫn tinh thần” - Henri Cartier-Bresson (1908 - 2004) - một trong những người được cho là cha đẻ của nhiếp ảnh báo chí. “Sẽ có lúc người ta ca ngợi tác phẩm của bạn là một cuộc cách mạng, nhưng vấn đề là bạn phải luôn làm những cuộc cách mạng như vậy. Tôi không thể chụp các ngôi sao cả đời. Bạn phải liên tục thay đổi, phải liên tục thúc ép mình tìm kiếm những điều mới mẻ, những thứ không bình thường” - Rankin (1966) - nhiếp ảnh gia thời trang và chân dung nổi tiếng người Anh. |
Để “cảm” thì không có cách nào khác là phóng viên phải có mặt trực tiếp tại hiện trường, sống cùng khoảnh khắc đó, cảm nhận từng giây, từng phút bằng mọi giác quan và dùng mọi khả năng của mình để bấm máy, chớp lấy khoảnh khắc quý báu nhất để truyền tới độc giả.
Phóng viên ảnh Minh Tiến - Báo Phụ nữ chia sẻ, là một phóng viên đã vô cùng vất vả, phóng viên ảnh còn vất vả hơn nhiều. Người phóng viên ảnh khi tác nghiệp sẽ tồn tại 2 con người cùng một lúc, đó là người “thầy” và người “thợ”.
Sở dĩ nói như vậy là khi tác nghiệp, người phóng viên phải vận dụng được tư duy của mình, tư duy của người làm báo, bằng mọi kiến thức, kinh nghiệm đã có để “bắt” được khoảnh khắc. Đồng thời phải nhanh chóng, sử dụng phương tiện tác nghiệp một cách chính xác nhất để “bắt” được khoảnh khắc đó.
"Tắt đèn bật tương lai" - một trong những bức ảnh giá trị của PV Thanh Hà (TTXVN), chụp năm 2009. Đây là lần đầu tiên Chương trình Giờ trái đất được tổ chức tại Việt Nam. Bức ảnh được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi ảnh trong nước
Người phóng viên ảnh cũng không thể ngồi ở nhà, ngồi một chỗ tưởng tượng để chụp được ảnh, mà họ phải tới tận nơi, thậm chí là thức khuya, dậy sớm, sẵn sàng bất cứ lúc nào cũng có thể cầm máy lên và đi.
Trong khi tác nghiệp, không giống như những công việc văn phòng khác, người phóng viên ảnh không được ngồi máy lạnh, đi giầy tây mà thậm chí có lúc họ phải chen lấn, xô đẩy, đội mưa, đội gió để có được những bức ảnh chân thực nhất, nhanh nhất, đầy đủ thông tin nhất cho độc giả.
Những bức ảnh khi đó là những cảm nhận chân thực nhất của người phóng viên.
Nghề của lòng đam mê
Nhiều người say mê ảnh và chụp ảnh, nhưng không có nghĩa là sẽ trở thành nhiếp ảnh gia. Người có một chiếc máy ảnh tốt hay có thể đã trở thành nhiếp ảnh gia, những cũng không hẳn đã trở thành một phóng viên ảnh. Với cái nghề mà luôn được thế giới xếp vào danh sách một trong những nghề nguy hiểm thì ngoài tài năng và khả năng, người phóng viên ảnh cần phải có sự đam mê.
Nếu không có đam mê, người phóng viên ảnh không thể vác trên mình tới hàng chục cân “đồ nghề” chạy phăm phăm ngoài trời nắng, chui rúc, leo trèo bất chấp mọi địa hình để có được những hình ảnh để đời. Nếu không đam mê, người phóng viên ảnh không thể hàng ngày, hàng giờ chạy đua với công nghệ để học hỏi xem làm thế nào để có được một bức hình đẹp nhất, chân thật nhất, làm thế nào để chuyển ảnh về Tòa soạn nhanh nhất.
Bên cạnh việc tìm hiểu, mày mò, trau dồi kiến thức để có thể “nâng cấp” những bức hình, phóng viên ảnh còn phải biết thu thập, khai thác thông tin để bổ trợ cho những bức ảnh của mình. Bài báo ảnh của người phóng viên ảnh cũng cần đầy đủ những thông tin cần thiết như những bài báo khác, cộng với sự tinh tế của phóng viên trong mỗi bức ảnh sẽ làm cho bài báo trở nên phong phú và gần gũi với độc giả hơn.
Trong cuộc hội thảo về “Sự thay đổi của Báo ảnh thế giới” diễn ra tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền vào tháng 12 năm ngoái, TS Geoffrey Hiller, Chuyên gia Fubright nhận định, làm báo ảnh không bao giờ là dễ dàng, nhất là trong thời buổi thị trường ảnh báo chí ngày càng cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, thì người phóng viên ảnh càng phải “say nghề”, nếu không rất dễ bỏ cuộc. Và “đam mê” là yếu tố quan trọng nhất đối với một người phóng viên ảnh báo chí.