Tự hào người lính Điện Biên
70 năm đã trôi qua kể từ ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, những người bộ đội Cụ Hồ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ở huyện Diễn Châu từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa luôn tự hào về những năm tháng gian khổ, nhưng cũng đầy oanh liệt ấy.
Tự hào ký ức Điện Biên Phủ của những dân công hỏa tuyến
Dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, nhưng những câu chuyện về một thời tham gia làm dân công hỏa tuyến cho Chiến dịch Điện Biên Phủ gian khổ 70 năm trước vẫn được ông Trần Quang Trịch, xã Diễn Lâm kể lại một cách rành mạch. Năm đó, ông mới hơn 20 tuổi đã cùng 25 thanh niên trong xã xung phong lên đường tham gia làm nhiệm vụ gánh gạo, chuyển lương thực phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Vượt hàng trăm km đường núi cao, đèo sâu vào mặt trận, nhưng ông và các dân quân vẫn không ngưng nghỉ, cung cấp kịp thời vũ khí, lương thực phục vụ chiến đấu, góp phần viết nên trang sử vàng Điện Biên Phủ.
Ông kể lại: “Suốt thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới mưa bom bão đạn của thực dân Pháp, từng đoàn dân công hoả tuyến với xe thồ, gánh bộ, ngựa thồ, hay sử dụng bè mảng… mang theo vũ khí, lương thực, thuốc men, vượt hàng trăm km đường núi cao, đèo sâu vào mặt trận.
Đoàn của tôi thì đi bộ và gánh gạo. Chúng tôi đi bộ từ quê nhà Nghệ An, ra Thanh Hóa rồi nhận gạo bỏ vào 2 sọt và gánh đi. Chúng tôi cứ đi bộ và chủ yếu đi vào ban đêm. Cứ ròng rã hàng chục ngày, đi đến đèo Pha Đin, cổng trời bàn giao gạo rồi lại trở về đưa chuyến khác. Đi trong rừng, trèo đèo lội suối vất vả lắm, nhưng ai cũng hăng hái”.
Nhập ngũ khi mới 19 tuổi, tham gia huấn luyện bội đội địa phương được 1 năm. Đến năm 1953, sau khi có lệnh tổng lực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Văn Miêu ở xã Diễn Xuân được bổ sung vào tiểu đoàn công binh 351. Sau 3 tháng hành quân, đơn vị của ông cũng lên đến trận địa và được huấn luyện kỹ thuật phá bom mìn, đào hầm, giao thông.
Đơn vị của ông được giao nhiệm vụ mở đường, vận chuyển vũ khí, lương thực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Nguyễn Văn Miêu bồi hồi nhớ lại những ngày tháng phục vụ Chiến dịch: "Đá lở, gãy chân gãy tay, không may cuốc vào nhau khi đào hào, khổ lắm, nhưng riêng gạo không được mất hạt nào, pháo bắn đùng đùng cũng đi.
Có người bị pháo bắn hy sinh, quay trở lại chôn cất xong, đoàn thanh niên xung phong lại lên đường. Khi gánh gạo lên đèo Pha Đin, chúng tôi lại cùng bộ đội pháo binh kéo pháo ra theo chỉ thị. Nhiệm vụ vất vả nhưng ông vẫn thấy vui, vì đồng bào từ miền xuôi, miền ngược đều đoàn kết như anh em một nhà”.
“Chúng tôi đi san lấp hố bom, lấy cây cối, lấy cọc cắm, rồi san đất vào. Hành quân thì lúc đi đêm, lúc đi ngày. Trên đầu là đạn máy bay có thể nã xuống bất cứ lúc nào. Khó khăn là vậy, nhưng tôi và các đồng đội vẫn luôn quyết tâm vượt qua để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”, ông Miêu nhớ lại.
Bên cạnh lực lượng quân chủ lực, cả nước có khoảng 10 vạn người gồm: lực lượng dân công, thanh niên xung phong và các lực lượng khác đã tham gia Chiến dịch, trên tinh thần tất cả tập trung cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong hơn 200 ngày, từ tháng 11/1953 đến tháng 5/1954, hơn 261.500 dân công hỏa tuyến, trong đó có 18.200 cán bộ, đội viên, thanh niên xung phong trực tiếp tham gia, làm mới 89km đường và sửa chữa hơn 500km đường giao thông... Quân và dân các địa phương đã huy động 21.000 xe đạp thồ, 11.800 thuyền bè, 1.800 mảng nứa, hơn 750 xe thô sơ... để vận chuyển hơn 30.700 tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, quân dụng... phục vụ Chiến dịch.
Những trận đánh ác liệt ở đồi A1
Những ngày này, trong căn nhà của CCB Phan Hữu Niên – Thôn Cự Nại, xã Diễn Hùng luôn rộn rã tiếng cười nói của các CCB và bà con trong thôn, trong xã. Mọi người đến đây để nghe người CCB 95 tuổi cùng đồng đội kể về những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng rất đỗi tự hào tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Một trong những trận đánh đã đi vào ký ức cả cuộc đời ông đó là trận đánh chiếm đồi A1. Sau khi thắng lợi giòn giã đợt 1, bước sang đợt 2, ngay trong đêm 30/3/1954, quân ta đồng loạt đánh vào 5 ngọn đồi ở phía đông Mường Thanh là A1, C1, C2, D, E. Đêm ấy, ta diệt gọn 3 cứ điểm C2, D, E, còn đồi C1, A1 hai bên giằng co, mỗi bên giữ một nửa, riêng đồi A1 kéo dài 36 ngày đêm. Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt.
Với sự chi viện của pháo binh mặt trận, bộ đội chiến đấu vô cùng anh dũng, quân ta và quân Pháp vẫn giành nhau từng tấc đất. Trận đánh đó ông và đồng đội tiếp quản được lô cốt địch mà không có nhiều thương vong.
Cầm trên tay chiếc Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ, kỷ vật minh chứng cho chiến tích trong cuộc đời người lính, ông Niên nhớ lại: “Sau khi ông và đồng đội chiếm được cứ điểm Him Lam, quân địch rệu rã, hoang mang, trong khi đó quân ta khí thế đang lên, tôi được lệnh hỗ trợ cho đồng đội đánh chiếm đồi A1 với nhiệm vụ tiếp tục đào hào lấn sâu vào sở chỉ huy của quân địch.
Đây là cứ điểm rất quan trọng, là điểm cao cuối cùng gần đường sang sở chỉ huy của tướng De Castries. Cuộc chiến giữa hai bên diễn ra căng thẳng, giành giật từng tấc đất.
Trong gần 1 tháng, tôi và đồng đội đã dũng cảm, kiên cường, lao động cật lực đào một đường hầm từ trận địa ta dưới chân đồi đến đỉnh đồi nơi có hầm ngầm của quân địch. Thời gian này, chẳng những bộ đội ta đã liên tục dùng lực lượng nhỏ vây ép đánh lấn địch dưới mặt đất, mà việc bắn máy bay triệt nguồn tiếp tế, tiếp viện của địch cũng được chú ý tăng cường.
Lực lượng pháo cao xạ cùng với các đơn vị súng máy phòng không của các đại đoàn bộ binh tạo thành một hệ thống lưới lửa khống chế bầu trời Điện Biên Phủ trong tầm cao từ 3km trở xuống. Không ngày nào là không có máy bay địch bị bắn rơi hoặc bị thương”.
Trong kháng chiến chống Pháp mà đỉnh điểm là Chiến dịch Điện Biên Phủ, hơn 600 người con quê hương Diễn Châu đã trực tiếp tham gia chiến đấu, 450 người vào thanh niên xung phong và hàng nghìn lượt người tham gia dân công hỏa tuyến, trong đó có 86 người đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường Tây Bắc và hàng trăm người đã để lại một phần xương máu tại đây.
Cùng với đó, ở hậu phương, bà con Nhân dân các xã làm nghề rèn như Diễn Thọ, Diễn Phúc, Diễn Lộc ngày đêm đỏ lửa cho ra lò hơn 10 nghìn lưỡi xẻng, 5.000 lưỡi quốc, búa tạ, dao phát, xà beng… làm phương tiện mở đường vào trận địa. Các xã vùng lúa đã cung cấp hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm cho chiến trường Điện Biên.
70 năm đã trôi qua, giờ đây dù đều đã ở cái tuổi nhớ nhớ, quên quên. nhưng những kỉ niệm về Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 mãi luôn là những ký ức đẹp trong cuộc đời những CCB Điện Biên Phủ trên quê hương Diễn Châu.
Những ký ức đẹp ấy là minh chứng sinh động, chân thực nhất về một thời lịch sử hào hùng, để nhắc nhở về lòng biết ơn, về bài học cách mạng sâu sắc cho thế hệ hôm nay và mai sau.