Chuyện về người mẹ anh hùng có hai con là nhà báo liệt sĩ
Đời sống - Ngày đăng : 09:24, 18/06/2016
Rồi cũng chính người mẹ ấy thắt ruột, thắt gan lần lượt chứng kiến, chôn cất hai con khi họ ngã xuống giữa chiến trường khốc liệt. Người phụ nữ ấy là má Tám Nghiệp (Đoàn Thị Nghiệp), Tỉnh ủy viên, Tỉnh đội phó tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang).
Ngày 6/11/1978, má Đoàn Thị Nghiệp được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên của Tiền Giang và năm 1995 được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Người mẹ anh hùng
Má Tám Nghiệp SN 1925 và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Hội Cự, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) quê hương giàu truyền thống yêu nước. Ông nội của má là nghĩa quân của thủ lĩnh Đoàn Trưng (Đoàn Túc Trưng) đã nổi dậy chống vua Tự Đức xây “Vạn niên thành” xảy ra ngày 10/9/1866 tại kinh đô Huế.
Cuộc binh biến đời sau loạn “Chày vôi” tại kinh đô Huế nhanh chóng bị dập tắt và tàn sát đẫm máu. Do đó, người ông mang dòng máu họ Đoàn phải chạy loạn vào ẩn cư tận Đồng Tháp Mười. Người cha của má Tám Nghiệp cũng không cam chịu nô lệ đã theo Nguyễn Trung Trực, Trương Công Định, Thủ Khoa Huân mài gươm chống Pháp.
Ngày 23/9/1945, Nam Bộ kháng chiến. Thừa hưởng khí tiết bất khuất của ông, cha, ngoài 20 tuổi, má Tám Nghiệp theo hai người anh Đoàn Văn Lệ, Đoàn Hữu Huynh gia nhập vào đội quân kháng chiến với “nóp với giáo, tầm vông vạt nhọn” đánh giặc khí thế ngất trời.
Tháng 12/1945, một binh đoàn thuộc địa lính lê dương mang bí danh số 3 đánh chiếm huyện Cái Bè, khí thế rất hung hăng dữ tợn. Lúc này, má Tám Nghiệp làm Bí thư xã Đoàn thanh niên cứu quốc, được Huyện phân công phối hợp với Chi đội 17 Mỹ Tho cản bước tiến của giặc trên Quốc lộ 4.
Giữa trận chiến đánh quân thù không ai ngờ chính là cuộc định ước của duyên số. Nòng súng thép lại có hoa hồng tình yêu. Trong đợt chuẩn bị tác chiến chống càn anh chiến sĩ vệ quốc đoàn Bùi Văn Thô được giao nhiệm vụ huấn luyện cho đoàn thanh niên cách sử dụng súng “mút-cô-tông” một chiến lợi phẩm thu được của địch rất lợi hại lúc bấy giờ và cách gài mìn, ném lựu đạn…
Cô Bí thư xã đoàn Tám Nghiệp tròn xoe hai mắt cầm súng ngắm nghía và tim đập thình thịch mỗi lần “cán bộ” cầm tay tận tình hướng dẫn bắn súng. Còn anh bộ đội nhút nhát, hiền như cái tên Thô của anh lúng túng, vụng về khi gặp ánh mắt sắc sảo của cô Bí thư xã đoàn nhìn như hớp hồn.
Sau lần tập huấn chống càn năm đó, hai người nên duyên vợ chồng. Họ cưới nhau vào “năm toàn quốc kháng chiến” 1946, Tám Nghiệp theo chồng về Bình Phú sinh sống. Cuối năm 1947, vợ chồng Tám Nghiệp sinh anh Bùi Văn Thưởng. Năm 1950, anh Bùi Văn Tấn chào đời trong căn cứ cách mạng Mỹ Phước, là nơi đặt trụ sở cơ quan của Xứ ủy Nam Bộ, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, rồi sau này là Bộ Tư lệnh quân khu 8 cũ.
Sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, má Tám Nghiệp tiễn chồng đi tập kết với niềm tin chỉ hai năm là gia đình sum họp đoàn tụ. Chôn chặt nỗi buồn trong lòng, má Tám Nghiệp dắt díu hai con nhỏ về Đồng Tháp Mười sinh sống. Dành dụm số tiền ít ỏi và nhờ thêm mấy người thân, Tám Nghiệp mua một cái máy may làm phương tiện kiếm sống qua ngày và nuôi hai con ăn học.
Theo chỉ đạo của tổ chức, Tám Nghiệp vừa hoạt động công khai, vừa vận động bà con đấu tranh đòi chính quyền Sài Gòn chấp hành nghiêm chỉnh Hiệp định, tổ chức tổng tuyển cử toàn quốc tiến tới thống nhất nước nhà.
Thế nhưng, bè lũ Ngô Đình Diệm được Mỹ hậu thuẫn đã chối bỏ Hiệp định, lật lọng toàn bộ và điên cuồng đánh phá thành quả cách mạng ban đầu của nhân dân, chúng tàn sát, bắt bớ bỏ tù, giết hại những cán bộ và những người tham gia Việt Minh, kháng chiến cũ. Chính quyền Diệm tiến hành hàng loạt các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, “ly khai cách mạng”, lê máy chém khắp miền Nam bố ráp kìm kẹp nhân dân và làn sóng đấu tranh đòi tự do, phản đối Luật 10/59.
Trước tình hình bất lợi đó, Tỉnh ủy Mỹ Tho chỉ đạo cho các cơ sở cách mạng rút lui vào hoạt động bí mật, âm thầm xây dựng căn cứ, chuẩn bị lực lượng đấu tranh kháng chiến lâu dài trong khu bưng biền Đồng Tháp Mười. Lúc bấy giờ, má Tám Nghiệp làm công tác phụ nữ hoạt động như một con thoi. Len lỏi vượt ấp chiến lược, hàng rào kẽm gia của địch để hàn mối các đầu cơ sở bị ly tán, tan rã vừa xây dựng cơ sở cách mạng mới hoạt động bí mật.
Thân gái dặm trường, má Tám Nghiệp vừa tìm cách xoay sở lo cho hai con trai ăn học ở Trường Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho vừa chăm lo cho phong trào cách mạng địa phương. Đó là những tháng ngày cơ cực, nguy hiểm trong đời hoạt động cách mạng của má Tám Nghiệp. Nhiều tháng, má Tám Nghiệp không đủ gạo ăn phải ăn củ chụp, củ bình bang thay cơm, dành dụm suất gạo ít ỏi cho hai con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Gian khổ vô vàn nhưng lòng người mẹ cách mạng luôn tràn trề niềm lạc quan, hạnh phúc.
Đầu năm 1972, cục diện trên chiến trường có nhiều thay đổi, quân giải phóng liên tục tấn công vào các cứ điểm của địch, giáng trả những đòn chí mạng khiến cho chính quyền Sài Gòn và quan thầy Mỹ lung lay, nơm nớp lo sợ. Cả nước đang chuẩn bị những đòn đánh quyết định từ các mặt trận buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ký kết đàm phán Paris kéo dài nhiều năm, buộc Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Lúc này, tại Mỹ Tho, các căn cứ cách mạng vành đai thành phố như cái gai nhọn trong mắt khiến bọn địch đêm ngày mất ăn, mất ngủ. Bọn địch huy động hai Tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 7 mở trận càn quy mô, có sự yểm trợ của trực thăng, máy bay và pháo binh, cấp tập đánh phá ác liệt vào cơ quan huyện đội Cai Lậy Bắc đóng ở xã Phú Nhuận (huyện Cai Lậy).
Tình thế rất ngặt nghèo, do các đơn vị chiến đấu đã điều đi tác chiến ở các chiến trường khác trong tỉnh, nên tại cơ quan Tỉnh đội chỉ còn lại 5 chiến sĩ và 8 du kích xã phải đương đầu với hai tiểu đoàn cực mạnh về hỏa lực của địch. Tỉnh đội phó Tám Nghiệp bình tĩnh chỉ huy nhanh chóng tổ chức chiến đấu bảo vệ cơ quan tỉnh đội với quyết tâm cao dù có phải hy sinh đến người cuối cùng.
Địch cậy vào quân đông, liên tục mở nhiều đợt tập kích, đột nhập nhưng đều bị đánh bật ra. Chúng không bao giờ ngờ được chỉ có 13 chiến sĩ gang thép đang chiến đấu.
Cuộc chiến ác liệt kéo dài đến khoảng 12 giờ trưa ngày 6/4/1972, địch mới tiến vào vòng ngoài khu căn cứ. Lúc bấy giờ, má Tám Nghiệp bị thương nặng và súng hết đạn nên bị sa vào tay địch. Bọn địch biết bà giữ chức vụ quan trọng của Tỉnh đội Mỹ Tho, nên chúng vừa mua chuộc, dụ dỗ, vừa tra tấn dã man nhằm buộc bà phải đầu hàng.
Bà thà hy sinh chứ không chịu đầu hàng và trút hơi thở cuối cùng lúc lúc 22 giờ ngày 6/4/1972. Tấm gương anh dũng hy sinh của Tỉnh đội Phó Mỹ Tho Đoàn Thị Nghiệp đã gây xúc động và dấy lên phong trào giết giặc trả thù cho người nữ chỉ huy anh dũng.
Bà được Nhà nước tặng thưởng hai Huân chương Chiến sỹ vẻ vang, ba Huân chương Giải phóng hạng I, II, III. Ngày 6/11/1978, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Tỉnh đội Phó tỉnh Mỹ Tho Đoàn Thị Nghiệp và năm 1995 bà được Nhà nước truy tặng danh hiệu bà Mẹ Việt Nam anh hùng.
Tên của bà được đặt tên cho trường trung học cơ sở của xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và trường tiểu học ở xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang và tên con đường trung tâm huyện lỵ Cai Lậy và TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang ngày nay. Phần mộ của anh hùng Đoàn Thị Nghiệp nằm tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang.
Hai con là nhà báo hy sinh trên chiến trường
Cơ quan của Mặt trận Việt Minh Mỹ Tho - Gò Công ngày trước có tờ báo “Liên Việt”. Ngay từ những năm 1951, má Tám Nghiệp là một độc giả và là người tuyên truyền cho báo. Cũng từ đó, trong má ấp ủ một mong muốn hướng dẫn cho con trai lớn là anh Bùi Văn Thưởng đánh giặc, giải phóng quê hương bằng cây bút, trang giấy.
Vào năm 1960, anh Bùi Văn Thưởng vừa học xong chương trình Đệ tứ (tương đương lớp 9 bậc học phổ thông ngày nay), má Tám Nghiệp đã tìm gặp ông Tám Thạnh (Hồ Văn Thạnh, phụ trách Tiểu ban tuyên truyền của báo) xin cho con trai mình vào cơ quan báo Thông tấn xã Giải Phóng tỉnh Mỹ Tho, nối gót cha mẹ đánh giặc. Thế là ở tuổi 13, 14 cậu bé Bùi Văn Thưởng háo hức làm “chú nhà báo Giải phóng” chuyên quay máy Ra-gô-nô, phát điện truyền tin tức, bài vở về Tổng xã Giải phóng Miền. Cậu còn được giao nhiệm vụ chép tin đọc chậm từ Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Tiếng nói Giải phóng chuyển cho lãnh đạo và các cơ quan Tỉnh ủy, Mặt trận dân tộc Giải phóng Mỹ Tho.
Vừa làm vừa học, học ở những anh chị cô chú đi trước, chẳng bao lâu anh Bùi Văn Thưởng đã hoàn toàn tự tin để viết tin, bài, cung cấp ảnh cho các tờ báo “Tranh đấu”, “Tin tức Mỹ Tho”, “Giải phóng”, “Ấp Bắc” phục vụ cho bộ đội nhân dân vùng giải phóng.
Lời ông bà xưa nói “đứa anh đi trước, rước đứa em sau” rất đúng với hoàn cảnh anh em Bùi Văn Thưởng. Hơn ba năm sau (1963), theo lời khuyên bảo của má Tám Nghiệp, cậu em trai là Bùi Văn Tấn cũng vào căn cứ xin vào công tác báo chí ở Phân xã Mỹ Tho. Điều kỳ lạ của hai anh em Bùi Văn Thưởng và Bùi Văn Tấn, đó là cả hai học xong đệ tứ, đúng 13 tuổi đều thoát ly làm báo chí cách mạng tại quê hương. Phân xã Mỹ Tho hoạt động cận kề bên nách địch và chỉ cách cơ quan đầu não chính quyền Sài Gòn khoảng 70km. Chỉ huy Tám Thạnh chỉ đạo Phân xã phải “ém quân” an toàn, cơ động “nhảy cóc” linh hoạt để phát tin trong mọi tình huống kể cả lúc bị vây ráp.
Theo nhiều người kể lại, nhà báo Bùi Văn Thưởng vóc dáng nhỏ con nhưng lanh lẹ và gan lì thì không ai bằng. Lúc tác nghiệp hay đi công tác bao giờ quanh thắt lưng cũng lèn chặt lựu đạn, hễ đụng giặc là chủ động đánh, mở đường cho Phân xã rút an toàn. Trong túi đựng mìn Cờ-lây-mo (Claymore) của Bùi Văn Thưởng bao giờ cũng có tấm vải nhựa phòng bị. Mỗi khi đột ngột gặp phải trận càn, lập tức Thưởng dùng tấm vải nhựa bọc kín máy phát sóng, máy Ra-gô-nô giấu dưới nước bảo đảm an toàn, khi địch rút lui tìm vớt lên mang ra sử dụng.
Phân xã thiếu thiết bị, phụ kiện thay thế phương tiện phát điện, phát sóng, Thưởng nài nỉ chú Tám Thạnh cho theo các đơn vị Giải phóng tập kích căn cứ Mỹ quanh lộ 4, vừa lượm được nhiều tin chiến thắng vừa thu lắm “chiến lợi phẩm” về điện đài phục vụ công tác. Có trận, Thưởng mang về máy phát tin 15W, bình ắc quy điện, rồi nào máy ảnh, phim chụp ảnh của Mỹ khiến cả cơ quan vui mừng khôn xiết.
Kể lại trận chống càn tại Ấp Bắc (xã Tân Phú Trung, huyện Cai Lậy) ngày 2/1/1963, anh Bùi Văn Thưởng bám theo chân Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 261 là ông Hai Hoàng (Nguyễn Văn Điều). Trong trận đánh phối hợp với bộ đội địa phương Châu Thành, Cai Lậy, du kích xã Tân Phú Trung đánh phủ đầu chiến thuật “Trực thăng vận” và “Thiết xa vận” của Mỹ-ngụy.
Trận càn này, Mỹ-ngụy Sài Gòn sử dụng 8 Tiểu đoàn quân cơ động bằng 35 máy bay trực thăng, 13 xe M.113, 13 tàu chiến với 10 khẩu pháo 135 ly bắn yểm trợ. Quần nhau với 2.000 tên địch suốt một ngày, lực lượng phối hợp của Mỹ Tho đã tiêu diệt làm bị thương 450 tên, phá huỷ 3 xe bọc thép, bắn rơi 16 máy bay, bắn chìm 2 tàu chiến trên sông Tiền, bẻ gãy trận càn chiến tranh đặc biệt trước cửa ngõ Sài Gòn. Bùi Văn Thưởng có bài tường thuật nóng hổi: “Ấp Bắc, trận đầu đánh thắng chiến thuật Trực thăng vận, thiết xa vận”.
Bài báo được Phân xã Mỹ Tho phát nhanh sau trận thắng càn thắng lợi vang dội. Các Báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Cứu quốc, Thống nhất, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Giải phóng miền Nam đăng và phát vào ngày 3/1/1963 làm nức lòng quân, dân cả nước. Không bao lâu, Bộ tư lệnh quân Giải phóng miền, Trung ương cục phát động phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”. Hậu phương miền Bắc xây nhiều công trình, tăng sản phẩm, cánh đồng 5 tấn, xưởng máy năng suất cao, đoàn xe, đoàn tàu an toàn mang tên “Ấp Bắc”.
Muốn chia lửa để anh trai Bùi Văn Thưởng có thời gian rảnh rang làm phóng viên chiến trường, từ năm 1963, Bùi Văn Tấn thay thế vị trí báo vụ đài CFM truyền tin tức từ Phân xã Mỹ Tho về Tổng xã Giải phóng Miền. Chú bé lấy tin tức toàn miền qua chiếc thu thanh bán dẫn hằng ngày, chép tin đọc chậm Đài Tiếng nói Việt Nam cung cấp tình hình chiến sự cho Tỉnh ủy thay anh trai.
Ngoài phiên trực báo vụ phát tin, các anh các chú phân công thêm việc gì, Tấn vui vẻ thoăn thắt tay chân như con sóc, làm cả phần việc công vụ cho cơ quan Tuyên huấn Mỹ Tho như mang tài liệu, công văn băng qua vành đai pháo chụp, pháo bầy, trực thăng để đến cơ quan Tỉnh đội của má Tám Nghiệp, Tỉnh hội phụ nữ, ban Binh vận. Nhiều lần, một mình Tấn với khẩu súng, anh chèo ghe vượt kênh Cái Xáng vào căn cứ Khu ủy Khu 8 an toàn.
Cho đến một ngày cuối tháng 3/1967, trên đường đi công tác về Tân Phú, (Cai Lậy) bị lộ, bọn địch dùng trực thăng vây bắt. Nhanh trí, một mình Bùi Văn Tấn tách ra khỏi đoàn công tác đánh lạc hướng địch, anh phóng mình ra giữa trảng cát kéo bọn giặc bám theo. Cả đoàn cán bộ thoát hiểm an toàn, Bùi Văn Tấn bị trọng thương. Do thiếu thuốc men và phương tiện cứu chữa, lại mất máu nhiều quá nên Tấn trút hơi thở cuối cùng ở trạm xá Hưng Thạnh (nay là huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) khi vừa tròn 17 tuổi.
Hai năm sau, vào tháng 6/1969, người anh Bùi Văn Thưởng cũng hy sinh khi anh “mở đường máu” cứu đồng đội trong trận càn ở Mỹ Đức Tây, Cái Bè khi bước sang tuổi 22. Cả hai lần, má Tám Nghiệp thắt ruột, thắt gan lần lượt chứng kiến, chôn cất hai con trai khi các anh dũng cảm chiến đấu và ngã xuống giữa chiến trường khốc liệt.
Ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, Trung tá Bùi Văn Thô quay về lại mảnh đất quê hương đau đớn chết lặng bên mộ vợ và hai con trai. Ông từng làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Cai Lậy, mỗi khi có khách tới thăm, người cha hai nhà báo liệt sĩ, người chồng nữ liệt sĩ Anh hùng Đoàn Thị Nghiệp lại bùi ngùi giở tờ báo “Ấp Bắc” đăng bài Bùi Văn Thưởng và cuốn sổ phóng viên kỷ vật của anh đã ngả màu. Ông luôn day dứt nỗi niềm, bởi chiến tranh liên miên, bận đi đánh giặc mải miết nên không có thời gian gần gũi, chở che cho vợ con.