Trường Sa - mãi mãi một tình yêu
Đời sống - Ngày đăng : 07:19, 18/06/2016
Và tôi, người may mắn vì đã được nếm trải những cung bậc cảm xúc khi một lần được đến với Trường Sa.
Trường Sa - những trải nghiệm
Trong cái nắng bỏng rát của những ngày cuối tháng 5, tôi vinh dự là người trong đoàn công tác gồm Ban Tuyên giáo Trung ương, TANDTC, Đoàn khối các cơ quan Trung ương… đến thăm cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1. Không thể diễn tả được cảm xúc của chính mình, chỉ biết rằng mỗi thời khắc trôi qua ẩn hiện trong đó sự thao thức ngóng chờ, bồi hồi và xen lẫn đôi chút lo lắng.
Thời khắc tuyệt vời ấy rồi cũng đã đến. Trên chuyến tàu mang số hiệu HQ 571, Đoàn công tác số 14 xuất phát từ quân cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) chở đầy ắp những yêu thương từ đất liền đến với Trường Sa. Chừng hơn 3 tiếng đồng hồ sau khi rời bến, con tàu dẫu vô cùng lớn bỗng chốc trở nên bé nhỏ giữa mênh mông đại dương. Bốn bên chỉ thấy một màu xanh bạt ngàn của nước, mùi mặn nồng của biển và cả cái nắng như thiêu cháy mọi thứ.
Quả thực, chỉ khi đặt chân xuống thuyền và chiếc thuyền chính thức đạp sóng hướng Trường Sa thẳng tiến, chúng tôi - những con người “đất liền” mới chắc chắn những gì đang diễn ra là thực chứ không phải là mơ.
Sở dĩ tôi nói điều này bởi để đến được với Trường Sa thân yêu không phải là điều đơn giản, muốn là làm được và không phải ai cũng có được hạnh phúc này. Đặc biệt, với một nhà báo như tôi thì đây quả là một điều vô cùng quý giá, bởi sự trải nghiệm nơi đây sẽ cho tôi thêm nguồn tư liệu sống.
Không chỉ vậy, từ chuyến đi này, tôi mong rằng những tình cảm đáng trân quý của con người và mảnh đất nơi đây sẽ đến với bạn đọc được gần hơn, khơi gợi lòng yêu biển đảo, để từ đó góp phần bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương.
Đoàn công tác tham gia chào cờ cùng cán bộ chiến sỹ trên đảo.
Sau hơn hai ngày lênh đênh trên biển, con tàu đưa Đoàn công tác cập đảo Cô Lin. Bước xuống tàu, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới giữa mênh mông trời và biển khiến cho mọi người bùi ngùi xúc động. Không biết từ lúc nào, tôi thấy sống mũi cay xè. Một sự tự hào dâng tràn trong cảm xúc.
Nhìn những chiến sĩ Hải quân da đen sạm vì nắng gió vui mừng khi đón những người con đất liền đến đảo trong cái bắt tay mừng mừng tủi tủi khiến ai ai cũng thấy ngậm ngùi. Được đến với Trường Sa mới cảm nhận bằng hết những khó khăn, gian khổ mà các chiến sĩ nơi đây phải trải qua. Và, cũng chính từ nơi vô vàn khó khăn này, chúng ta mới thấy được giá trị lịch sử mà cha ông ta đã cố công gây dựng. Để từ đó, chúng ta ý thức được rằng, càng tự hào bao nhiêu thì càng phải có ý thức giữ gìn, xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta bấy nhiêu.
Tôi từng nghe có người nói rằng “cuộc đời này thực sự có ý nghĩa hơn rất nhiều khi đặt chân đến Trường Sa” và khi được đến đây tôi càng thấy câu nói ấy quả đúng.
Hình ảnh những người lính vượt qua mọi khó khăn gian khổ, kiên cường ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biên cương, vì nhiệm vụ thiêng liêng, họ để lại quê nhà cha mẹ già, vợ trẻ con thơ… những nhớ nhung chôn chặt, tất cả vì Tổ quốc thân yêu… sự hy sinh thầm lặng này mới đáng trân quý làm sao.
Được tiếp xúc, được nghe những câu chuyện từ các chiến sĩ nơi đây, tôi mới thấy mình thật nhỏ bé trước họ. Và, cũng chính từ những câu chuyện góp nhặt từ con người nơi đây, tôi thấy mình có trách nhiệm hơn với cuộc sống, đặc biệt là với “công cuộc”… cầm bút của mình.
Ký ức sống mãi
Còn nhớ giây phút, cả tàu dường như lặng đi khi đi vào địa phận đảo Gạc Ma. Con số biết nói 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại nơi bãi đá Gạc Ma như một dấu chấm lặng buồn. Gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua nhưng nỗi đau của nó vẫn cò vẹn nguyên, day dứt. Chính nơi đây, những người lính của chúng ta đã quyết hy sinh thân mình ghi dấu cột mốc của Tổ quốc. Hình ảnh những người mẹ khóc con, người vợ trẻ khóc chồng lại hiện rõ khi nhắc đến hai tiếng Gạc Ma… là những gì mà đoàn công tác cảm nhận rõ nhất khi đến với nơi này.
Đại tá Phạm Văn Vững, Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân, Phó Trưởng đoàn công tác nhắc lại sự kiện ngày 14/3/1988 ở Trường Sa như một thước phim quay chậm đầy đau thương nhưng hùng tráng.
Năm 1988, Trung Quốc có ý đồ đánh chiếm một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lực lượng Hải quân Việt Nam với ý chí quyết tâm “Bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tinh của người lính” đã dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để bảo vệ chủ quyền. Vậy nhưng, ngày 14/3 năm ấy, Trung Quốc đã đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta.
Trong cuộc chiến không cân sức này, máu chúng ta đã nhuốm đỏ cả một vùng biển và đó là nỗi đau không bao giờ nguôi của người dân Việt Nam mỗi khi nhắc đến sự kiện này. Trên thực tế, dẫu những mất mát, đau thương đó vô cùng lớn nhưng kẻ thù đã thấy được lòng quả cảm của những người lính mang dòng máu Việt kiên cường như thế nào.
Tương quan lực lượng, vũ khí dẫu chênh lệch nhưng chiến sĩ của chúng ta không hề run sợ, không hề nao núng mà lùi bước trước kẻ thù. Ngược lại, các anh đã vô cùng dũng cảm, chấp nhận hy sinh để bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc đến hơi thở cuối cùng.
Ông Đào Xuân Tiến - Đảng ủy viên cơ quan Ban tuyên giáo TW- Tổng Biên tập tạp chí Thông tin đối ngoại - Trưởng đoàn công tác thăm cán bộ chiến sỹ trên đảo Sinh Tồn
Tại buổi dâng hương ngày hôm ấy, cả đoàn lặng người khi nghe Đại tá Vững thay mặt đoàn công tác nói lên nỗi lòng của mình trước những hương hồn các chiến sĩ: Các anh đã nằm lại nơi đây, hòa mình vào trong lòng biển đảo quê hương. Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cấp, ngành, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã cố gắng làm hết sức mình.
Song, biển thì rộng và sâu mà sức người có hạn, hoàn cảnh bất lợi nên đến nay, hình hài nhiều đồng chí vẫn còn nằm lại nơi biển sâu lạnh lẽo, đang hàng ngày, hàng giờ mòn mỏi trong thời gian, quặn đau trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên, bão tố… Sự ra đi của các anh thật thanh thản mà rất đỗi vinh quang, để lại phía sau là nỗi đau tột cùng của gia đình, đồng bào, đồng chí; để lại nỗi nhớ khôn nguôi của những người mẹ, người cha, người vợ; hằn trong ký ức thơ ngây của những đứa con hằng ngày vẫn đau đáu bên cửa đợi trông các anh trở về. Nỗi đau ấy, niềm thương nhớ ấy vẫn đeo đuổi ngày đêm…
Sau lời phát biểu ấy, nhiều cánh tay đưa lên lau nước mắt vì xúc động. Có lẽ ai cũng cảm nhận được sự hy sinh của các anh thật vĩ đại. Và, ai cũng hiểu rõ một điều, liệu có được mấy người thân của các anh được đến đây để nói với các anh những điều này kể từ khi các anh yên giấc. Sự xa cách về thế giới tâm linh, sự cản trở của địa lý khiến biết bao người mẹ đã không được một lần đến thăm con, đốt cho con nén nhang… Đó chỉ có thể là tột cùng của nỗi đau.
Kính cẩn dâng nén tâm hương tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh
Dẫu biết rằng chẳng gì có thể bù đắp được những mất mát đau thương trong lịch sử, không có gì sánh được những hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ nơi đây nhưng vẫn hy vọng, tình cảm chân thành mà đoàn công tác gửi đến các chiến sĩ hôm nay như một sự tri ân. Còn nhớ, những ánh mắt thân thương, những nụ cười mến khách của cán bộ chiến sĩ Trường Sa khi giao lưu.
Chính những chia sẻ, tâm sự chân thành này đã xóa tan khoảng cách “khách-chủ”, sự lạ lẫm nhanh chóng tan biến. Điều đặc biệt khiến Đoàn công tác cảm thấy vô cùng xúc động đó là mỗi khi tàu cập đảo và làm lễ chào cờ. Cứ nghĩ chào cờ đâu cũng vậy, nhưng quả thực khó để nói hết cảm xúc dâng trào bởi mỗi lần chào cờ ở đảo và đặc biệt khi bài Quốc ca cất lên lại thấy thiêng liêng, trang nghiêm và xúc động vô cùng.
Vượt qua khó khăn, ngư dân vẫn vươn khơi bám biển
Gieo mầm yêu thương
Đến Trường Sa đúng vào ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6/). Dường như không khí nơi đây cũng đã “nóng” hơn thường ngày từ rất sớm. Hơn cả đó là vì những đứa trẻ “ít ỏi” ở đây nhận được đầy đủ yêu thương từ người thân và đặc biệt là những người từ đất liền vừa cập đảo như chúng tôi. Ngày 1/6 của các em có lẽ vì thế mà vui lên rất nhiều.
Những món quà nhỏ, những bài hát, những trò chơi dân gian quyện trong nụ cười giòn tan của các cháu khiến chúng tôi thấy mình như trở về tuổi thơ. Việc học của các em nơi quanh năm sóng gió vì thế cũng gặp không ít khó khăn, tuy nhiên điều ấy đã không cản trở các em trong con đường tìm chữ của mình. Ngược lại, những kiến thức ngoài bài học căn bản các em còn được tìm hiểu về lịch sử, biển đảo quê hương. Chính từ sự hun đúc ngay từ những ngày thơ bé, các em ở đây đã sớm tự hào mình là những công dân nhỏ được sinh ra và lớn lên ở Trường Sa.
Chiến sỹ Trường Sa trải lòng cùng PV Báo Công lý về cuộc đời người lính đảo
Trường Sa, dẫu cái nắng cháy da cháy thịt nhưng sức sống vẫn vươn lên mạnh mẽ. Cây cối vẫn xanh một màu xanh đầy sức sống, con người vẫn kiên định sống đầy nhiệt huyết và lý tưởng… với tôi Trường Sa là tình yêu bất tử.
Được tác nghiệp trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc là niềm vinh dự lớn của những người cầm bút
Một lần đến với Trường Sa quả không hề đơn giản, chính vì vậy mỗi một phút giây được đặt chân lên các đảo, mỗi thời khắc được sống, sinh hoạt với các chiến sĩ nơi đây là quý giá vô cùng. Dù không ai muốn nói lời chia tay nhưng Đoàn công tác cũng đã đến ngày phải quay về. Hình ảnh các chiến sỹ nối thành hàng dài đứng trên bờ đưa tay vẫy chào Đoàn, chúng tôi không thể kìm lòng.
Dẫu biết thời khắc ấy là không tránh khỏi nhưng sao vẫn thấy dùng dằng không dứt. Tôi phải cảm ơn Trường Sa - nơi đã cho tôi nhiều sự trải nghiệm; cảm ơn các chiến sĩ Trường Sa - những con người đã tiếp thêm cho tôi nghị lực, sự kiên định và quả cảm trong cuộc sống, điều mà những người cầm bút rất cần có. Và, tôi hy vọng mình có thể may mắn thêm một lần nữa được đến với Trường Sa - nơi mãi mãi một tình yêu!