Trình diễn di sản ca trù và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ
Tối 5/5, tại quảng trường Nhà hát thành phố Hải Phòng đã diễn ra chương trình Trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể của thành phố được UNESCO ghi danh.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong tháng 4 và tháng 5/2024, kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2023) và hưởng ứng Lễ hội Hoa phượng đỏ - Hải Phòng 2024.
Chương trình trình diễn gồm 2 phần, trong đó: Phần I “Hát Ca trù của người Việt” với các tiết mục hát lót “Gương anh hùng” (Tích Bạch Đằng), hát múa “Dồn Đại Thạch” (Lời cổ), hát nói ngả sang Văn chầu “Hoa Phong Lan, Ngày hội quê em”. Phần II trình diễn “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” với các giá “Giá chầu bé Bắc Lệ”, “Giá chầu tám Bát Nàn” (Bát Nàn Đại tướng Đông Nhung), “Giá chầu Lục Cung Nương”, “Giá Quan Hoàng Mười”, “Giá Cô Sáu Lục Cung”, “Giá Cô Bé Đông Cuông”, “Giá Cậu Bé Đồi Ngang”.
Chương trình được thực hiện qua phần biểu diễn của các Nghệ nhân ưu tú Hoàng Gia Bổn, Phạm Thị Đoan Trang, Nguyễn Thị Thủy Sinh, Thu Hằng, Nghệ nhân ưu tú kép đàn Nguyễn Văn Tuyến; các Nghệ nhân Nguyễn Thị Thuần, Trần Vũ Tiến, Phạm Thị Bằng Ly; Ban Cung văn Xuân Đậu (Thái Bình); các ca nương Nguyễn Thị Thắm, Thúy Là; tốp múa Câu lạc bộ Nghệ thuật dân gian truyền thống thành phố Hải Phòng; các học trò lớp Ca trù khóa I Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố; các quan viên (Trống, Chiêng) Câu lạc bộ Ca trù xứ Đông - Lê Chân.
Chương trình đã thu hút hàng nghìn người dân thành phố và du khách tham dự, thưởng thức loại hình nghệ thuật này.
Chương trình nhằm quảng bá, giới thiệu rộng rãi tới công chúng và du khách khi đến với thành phố Hải Phòng về những giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc đó là hát ca trù và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt. Đây là hai loại hình nghệ thuật độc đáo, có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng lịch sử Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, tư tưởng, triết lý sống của người Việt.
Chương trình nhằm kịp thời biểu dương và ghi nhận sự đóng góp của các Nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân, ca nương trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy và lan tỏa giá trị di sản văn hóa phi vật thể; qua đó nêu cao ý thức trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống cộng đồng.