Ký ức hào hùng của người lính về 'thời hoa lửa'
Chúng tôi đến thăm Đại tá Nguyễn Mạnh Hồng (SN 1923) ở xóm Trung Đền, xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) vào những ngày tháng Tư lịch sử. Mặc dù đã hơn 100 tuổi đời với hơn 70 tuổi Đảng, nhưng Đại tá Nguyễn Mạnh Hồng vẫn minh mẫn, luôn tự hào và xúc động khi kể về những ngày tháng oanh liệt của “thời hoa lửa”.
Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết
Với sức trẻ đầy nhiệt huyết và lý tưởng căng tràn, năm 22 tuổi, ông Nguyễn Mạnh Hồng ở xóm Trung Đền, xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) gia nhập quân ngũ. Trong kháng chiến chống Pháp, người lính ấy đã có mặt tại những chiến dịch lớn như: Hòa Bình, Tây Bắc rồi tiến về giải phóng Điện Biên (5/1954).
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Mỹ từng bước thế chân Pháp ở miền Nam và thực hiện ý đồ chia cắt Việt Nam lâu dài. Trước tình thế đó, Quân đội Việt Nam đã cử những cán bộ, chiến sỹ ưu tú sang học tại các trường không quân của các nước xã hội chủ nghĩa. Thời điểm này, ông Hồng là một trong những người lính vinh dự được lựa chọn sang Liên Xô, rồi Trung Quốc để học tập.
Sau khi hoàn thành xong chương trình đào tạo, năm 1965, ông Nguyễn Mạnh Hồng trở về Tổ quốc và được biên chế vào Trung đoàn 919 - Trung đoàn Không quân đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hàng ngày, chứng kiến cảnh máy bay Mỹ từ các căn cứ đổ về quần thảo trên bầu trời miền Bắc, dội bom phá hoại, ngăn cản sự chi viện của quân và dân ta cho chiến trường miền Nam, ông Hồng và các đồng đội đã ngày đêm căng mình chiến đấu, góp phần canh giữ bầu trời miền Bắc. Mỗi khi có tín hiệu máy bay địch xâm phạm bầu trời, các phi đội xuất kích là một trận chiến cân não hết sức gay cấn.
Thời điểm này, ông Hồng đang chiến đấu trong hàng ngũ Trung đoàn Tiêm kích 921 (Sư đoàn 371), tham gia phục vụ, dẫn đường, xây dựng kế hoạch tác chiến và chỉ huy các phi đội xuất kích bảo vệ bầu trời miền Bắc. Những phi công lừng danh như Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều, Phạm Thanh Ngân… đều là đồng đội của Đại tá Nguyễn Mạnh Hồng. Đây là những phi công thông minh, anh dũng và quả cảm, luôn chiến đấu hết mình, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.
Trong khói lửa bom đạn tàn khốc, các chiến sỹ không quân đã luôn đoàn kết, đồng lòng và che chở cho nhau. Khi đồng đội bắn rơi máy bay địch, ông Hồng cùng các cán bộ, chiến sỹ Sở chỉ huy mặt đất cùng nhau reo vui, khích lệ và động viên. Khi đồng đội hạ cánh an toàn, mọi người lại ra tận nơi đón và nắm chặt tay chúc mừng. Khi đồng đội hy sinh, ai nấy đều tột cùng đau đớn, thương cảm và xót xa…
Những năm tháng không quên
Tháng 4/1975, sau khi Đà Nẵng được giải phóng, theo lệnh cấp trên, ông Hồng và các thành viên tổ công tác vào tiếp quản sân bay, triển khai phương án lấy máy bay địch để đánh lại địch. Lúc này, lực lượng cán bộ kỹ thuật giỏi của quân chủng và lính kỹ thuật Việt Nam cộng hòa ra trình diện phối hợp lựa chọn, sửa chữa những chiếc A-37 là chiến lợi phẩm còn tương đối tốt.
Sau đó, đoàn tiếp tục vào sân bay Phù Cát (Bình Định) thực hiện gấp rút công tác chuẩn bị và huấn luyện. Các phi công được Nguyễn Thành Trung (người lái máy bay ném bom Dinh Độc Lập ngày 8/4) huấn luyện điều khiển máy bay A-37.
Những chiếc A-37 và phi đội Quyết Thắng gồm các phi công Nguyễn Thành Trung, Hoàng Mai Vượng, Trần Văn On… sau khi hoàn tất việc huấn luyện đã di chuyển vào sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) để thực hiện nhiệm vụ cất cánh và ném bom sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông Nguyễn Mạnh Hồng được cấp trên giao ở lại sân bay Phù Cát, sẵn sàng hỗ trợ đồng đội ở sân bay Thành Sơn khi có lệnh.
Ông Hồng kể lại: “Sau khi đồng đội lên đường, chúng tôi ở lại Phù Cát vô cùng hồi hộp, theo dõi, chờ đợi từng giây, từng phút. Đến buổi tối 28/4, nhận được tin từ Thành Sơn 5 chiếc A-37 và phi đội Quyết Thắng đã lần lượt hạ cánh an toàn trước đó ít phút, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chúng tôi vỡ òa trong niềm vui sướng, cùng ùa ra và ôm chầm lấy nhau”.
Trận tập kích của phi đội Quyết Thắng đã phá hủy 24 máy bay và kho xăng dầu, tiêu diệt khoảng 200 tên địch, khiến sân bay Tân Sơn Nhất gần như tê liệt, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Chỉ sau đó 2 hôm, nhận được tin Sài Gòn được giải phóng (30/4/1975), một lần nữa niềm vui, sự xúc động lại dâng trào trong lòng người lính trẻ Nguyễn Mạnh Hồng và đồng đội.
Trong giờ phút thiêng liêng ấy, trong vòng tay đồng đội, trong niềm vui lớn của cả dân tộc, ông Hồng lại khôn xiết nhớ về quê hương, gia đình, nhớ người vợ tảo tần đã thay ông chăm lo 4 đứa con thơ dại và mong chờ ngày ông trở về sum họp.
Thế nhưng, theo mệnh lệnh cấp trên, hai ngày sau khi giải phóng Sài Gòn, ông Nguyễn Mạnh Hồng đã có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất để làm nhiệm vụ tiếp quản, sắp xếp và xử lý các loại chiến lợi phẩm còn ngổn ngang. Niềm hy vọng đoàn viên vừa nhen nhóm đành gác lại, ông Hồng lại tiếp tục hành trình của người lính không quân phụng sự Tổ quốc.
Sau giải phóng miền Nam, ông Nguyễn Mạnh Hồng tiếp tục làm việc trong ngành Hàng không, chức vụ cao nhất ông từng làm là Phó Tổng giám đốc Hàng không miền Bắc.
Sau hơn 40 năm phục vụ trong quân ngũ, năm 1987, ông Nguyễn Mạnh Hồng nghỉ hưu với quân hàm Đại tá và sống vui vầy cùng con cháu tại quê hương, tham gia tích cực các phong trào hoạt động tại địa phương. Ông là tấm gương sáng, mẫu mực về người lính cụ Hồ để nhiều thế hệ con cháu học tập và noi theo.