“Tinh thần Điện Biên Phủ” còn vang mãi
Trải qua 70 năm, Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là nguồn cảm hứng vĩ đại cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay. Chúng ta cần ghi nhớ và kế thừa tinh thần kiên cường, sự đoàn kết và lòng yêu nước của những anh hùng đã hy sinh tại Điện Biên Phủ.
“Nghiên cứu về Chiến dịch Điện Biên Phủ nói chung và những chiến công lịch sử của Đại đoàn 312 nói riêng, không thể không nhắc đến vai trò của những người chiến sỹ, những người con của Ninh Bình, trong đó có ông Nguyễn Tử Lan.”
Đại tá Phạm Đức Hoàn, nguyên Trưởng phòng Khoa học Quân sự Quân đoàn 1 (nay là Quân đoàn 12) đã khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn của PV Báo Công lý về chiến thắng Điện Biên Phủ 70 năm về trước. Đại tá Phạm Đức Hoàn được biết đến là tác giả chủ biên cuốn sách: Lịch sử quân đoàn 1 & Lịch sử Sư đoàn 312. Đại tá là người dành nhiều thời gian nghiên cứu lịch sử của Quân đoàn 1, đơn vị có Đại đoàn 312.
Nói về ông Lan, Đại tá Hoàn nhấn mạnh Nguyễn Tử Lan là một trí thức trẻ, mang trong mình lòng yêu nước sục sôi, đã xung phong lên đường nhập ngũ, trở thành một trong những chiến sỹ của Đại đoàn 312 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tham gia trận mở đầu, trận đánh Him Lam.
Vì ông Nguyễn Tử Lan là người có học thức, đặc biệt ông biết tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc và một số tiếng nước ngoài khác; có vốn hiểu biết về lịch sử, nên ông được tướng Lê Trọng Tấn, Đại đoàn trưởng trọng dụng, phong cho ông vị trí Trung đội trưởng ngay ngày đầu tiên tham gia chiến dịch, đấy là một trong những đặc cách.
Nhắc đến những đóng góp của ông Nguyễn Tử Lan trong trận Him Lam nói riêng và chiến dịch Điện Biên Phủ nói chung, Đại tá Hoàn khái quát: “Là một chiến sỹ thuộc Đại đoàn 312, ông Lan được giao giữ trọng trách Trung đội trưởng quân báo, để chuẩn bị cho trận đánh mở đầu. Vấn đề ở đây là từ Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh chiến dịch nêu quyết tâm: “Trận đầu phải thắng!”. Cũng như Bác Hồ giao trọng trách cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đơn vị tham gia Chiến dịch là: “Đánh chắc thắng, không chắc thắng không đánh!”. Do vậy, trận Him Lam có ý nghĩa rất quan trọng.”
Sau nhiều ngày lên kế hoạch và công tác chuẩn bị lúc bấy giờ đã tương đối hoàn thiện, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn yêu cầu: Phải cố gắng bắt được tù binh Pháp để khai thác. Nhiệm vụ này được giao cho Trung đội quân báo thuộc Trung đoàn 141 thực hiện. Sau khoảng thời gian trinh sát, tiếp cận ở Him Lam, vào ngày 11/3/1954, Trung đội quân báo đã bắt được một nhóm nhỏ quân địch, trong đó có tên thiếu úy Jacques. Qua khai thác, Jacques cùng với những tù binh khác đã cung cấp được rất nhiều nguồn tin quý giá cho Bộ tư lệnh Đại đoàn 312 cũng như Trung đoàn 141 như: Cách bố phòng lực lượng của địch, vũ khí nhìn đêm của địch, cuộc họp giao ban của phân khu trung tâm Him Lam (thường diễn ra vào 17 giờ hàng ngày),…
Việc Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn nhận ra được con người Nguyễn Tử Lan và trọng dụng ông trước, trong và sau chiến dịch, đấy là một điều rất đáng quý. Sự kiện ấy còn mang ý nghĩa tốt đẹp đối với gia đình và quê hương."
- Đại tá Phạm Đức Hoàn,
nguyên Trưởng phòng Khoa học Quân sự Quân đoàn 1 (nay là Quân đoàn 12) -
Những thông tin mà Jacques cung cấp cùng với sự chuẩn bị kỹ càng khiến Bộ chỉ huy quân sự của ta quyết tâm hơn: “Chắc thắng!”
Đại tá Hoàn đánh giá, việc khai thác những thông tin từ tù binh là một trong những chiến công quan trọng của ông Nguyễn Tử Lan cùng với Trung đội quân báo, góp phần cho quyết tâm của Bộ chỉ huy Đại đoàn 312 và đơn vị trực tiếp đánh Him Lam đánh thắng trận đầu.
Dưới góc nhìn là người nghiên cứu lịch sử của Quân đoàn 1, đơn vị có Đại đoàn 312, Đại tá Phạm Đức Hoàn cho rằng, những người lính tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ rất đông đảo với nhiều tầng lớp trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Việc Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn nhận ra khả năng đặc biệt từ con người Nguyễn Tử Lan và trọng dụng ông trước, trong và sau chiến dịch, đấy là một điều rất đáng quý. Sự kiện ấy còn mang ý nghĩa tốt đẹp đối với gia đình và quê hương.
Ông Hoàn cũng khẳng định, ông Lan là một người con của quê hương Ninh Bình. Ông Lan tham gia Chiến dịch Điện Biên lịch sử, sự kiện ấy đối với thế hệ trẻ ngày nay cần tiếp tục nghiên cứu, học tập, phát huy truyền thống vẻ vang ấy. Từ đó làm rạng danh chiến tháng Điện Biên hơn nữa, để chiến thắng ấy chính là điểm xuất phát tốt đẹp cho những thế hệ sau tiếp nối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời đại mới.
Đồng quan điểm với Đại tá Hoàn, Tiến sĩ Đinh Văn Viễn, Phó trưởng khoa Văn hóa - Du lịch, Trường Đại học Hoa Lư (Ninh Bình) bày tỏ: Với những tư liệu, di sản mà ông Nguyễn Tử Lan để lại đã và đang có vai trò quan trọng không nhỏ trong công tác giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ hiện nay.
Theo Tiến sĩ Viễn, trong lịch vực nghiên cứu và giảng dạy lịch sử nói chung, công tác tuyên truyền truyền thống cho thế hệ trẻ nói riêng, tư liệu lịch sử, nhân chứng lịch sử có vai trò tác động rất lớn. Những nguồn tư liệu thực, con người thực, sẽ tác động mạnh mẽ đến quá trình giáo dục tư tưởng, tình cảm, truyền thống yêu nước cho các thế hệ tiếp bước cha anh.
Trải qua 70 năm, Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là nguồn cảm hứng vĩ đại cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay. Chúng ta cần ghi nhớ và kế thừa tinh thần kiên cường, sự đoàn kết và lòng yêu nước của những anh hùng đã hy sinh tại Điện Biên Phủ.
- Tiến sĩ Đinh Văn Viễn, Phó trưởng khoa Văn hóa - Du lịch, Trường Đại học Hoa Lư (Ninh Bình) -
Trải qua 70 năm, Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là nguồn cảm hứng vĩ đại cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay. Chúng ta cần ghi nhớ và kế thừa tinh thần kiên cường, sự đoàn kết và lòng yêu nước của những anh hùng đã hy sinh tại Điện Biên Phủ. Đồng thời, chúng ta cũng cần cống hiến sức mình, xây dựng một đất nước Việt Nam mạnh mẽ, phát triển và góp phần vào hòa bình và sự phát triển của khu vực và thế giới.
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp để chúng ta tưởng nhớ những người đã đánh dấu một trang sử vinh quang trong lịch sử dân tộc. Hãy trân trọng và gìn giữ kỷ niệm này, với hy vọng rằng nó sẽ luôn là nguồn cảm hứng và bài học quý giá cho thế hệ tương lai.
Thực hiện: Thanh Trà - Lâm Thanh
Trình bày: Thanh Trà