Đổi mới tư duy, nhận thức trong thực hiện chính sách dân tộc - Bài cuối: Đổi thay nhờ các chương trình, chính sách
Chính sách dân tộc là chương trình mang tính chất toàn diện, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Vì vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt.
Cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của Nhân dân, đến nay, kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có bước phát triển rõ rệt, đời sống không ngừng cải thiện, cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, thu nhập được nâng lên, đời sống không ngừng cải thiện, hộ nghèo giảm, phong trào toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt việc công khai hóa các chính sách, chương trình, dự án, vốn đầu tư… để đồng bào biết và tham gia quản lý, giám sát quá trình thực hiện.
Vận động đồng bào DTTS phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, ý thức tự lực tự cường, tinh thần tự lực vươn lên, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chú trọng sơ kết, tổng kết, nhân rộng những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, các mô hình sản xuất, kinh doanh, xoá đói giảm nghèo có hiệu quả trong đồng bào dân tộc.
Đồng thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện tốt Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc và Chỉ thị số 1971/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân tộc thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội phát động, tổ chức gắn với thực hiện hiệu quả, thiết thực việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, làm giàu gắn với xây dựng nông thôn mới.
Nhờ đó đến nay, Quỳ Hợp đã đạt 192 tiêu chí, bình quân tiêu chí của huyện là 9,6 tiêu chí/xã. Đã có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2010-2020 và đang được tiếp tục củng cố phát huy các tiêu chí; có 23 thôn, xóm, bản đạt chuẩn Nông thôn mới, xã Minh Hợp đang trong quá trình xây dựng đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm “OCOP”, đến nay toàn huyện đã có 23 sản phẩm đạt chuẩn OCOP “3 sao”, điển hình như: Cam Vinh Tấn Thanh, Bột rau má sấy lạnh, Mật ong, Trà túi lọc cà gai leo…
Bên cạnh đó, phong trào phát triển sản xuất, trồng cây dược liệu làm nguyên liệu được phát triển tương đối mạnh để cung cấp nguyên liệu cho 2 HTX dược liệu trên địa bàn huyện, đây là hướng đi mới trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo thu nhập, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương của đồng bào các DTTS của huyện, nhất là tại các xã Châu Cường, Bắc Sơn, Hạ Sơn…
Nhìn chung, qua việc triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên, các mô hình sản xuất tiếp tục phát huy hiệu quả, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Tổng số vốn được phân bổ cho Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 là 339.682 triệu đồng để thực hiện 130 công trình, dự án. Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt với kinh phí được phân bổ 7.876 triệu đồng. Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân với tổng số kinh phí được cấp 61.099 triệu đồng.
Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi tổng nguồn vốn được phân bổ 10.697 triệu đồng. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tổng kinh phí 308 triệu đồng. Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em tổng vốn sự nghiệp 2.357 triệu đồng.
Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em tổng nguồn vốn được phân bổ 4.854 triệu đồng. Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tổng nguồn vốn được phân bổ 395 triệu đồng.
Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào; truyền thông phục vụ tổ chức triển khai thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 tổng nguồn vốn được phân bổ 1.155 triệu đồng. Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổng nguồn vốn được phân bổ 287 triệu đồng.
Công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân vùng đặc biệt khó khăn nói chung và cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng trên địa bàn huyện luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, do đó công tác xóa đói giảm nghèo đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao.
Hàng năm việc triển khai rà soát, điều tra phân loại hộ nghèo được thực hiện nghiêm túc, đúng theo quy định; triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo như: Đào tạo nghề, hỗ trợ xây dựng chuồng trại, hỗ trợ tư liệu sản xuất… để giúp hộ nghèo sớm vươn lên thoát nghèo.
Số hộ nghèo năm 2019 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 là 3.997 hộ, chiếm tỷ lệ 12,22% .Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm so với năm 2019 là 0,54%.
Hàng năm, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện tổ chức Chương trình vận động, ủng hộ Quỹ vì người nghèo vào mỗi dịp Tết Nguyên đán (trung bình mỗi đợt vận động cả quà và tiền mặt trị giá 3 tỷ đồng/năm). Từ số tiền này, huyện đã tổ chức các đoàn thăm hỏi trao quà cho 100% hộ nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn đón Tết Nguyên đán vui tươi, ấm áp, số tiền còn lại hỗ trợ phát triển sản xuất, sửa chữa, xây dựng nhà ở, trao sổ tiết kiệm.... cho hộ nghèo tạo động lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và hiện tại Quỳ Hợp đã triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung nguồn lực của Chương trình để tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao năng lực làm công tác giảm nghèo cho đội ngũ cán bộ từ cấp huyện đến cấp xóm, đặc biệt là dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ giống vật nuôi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có tư liệu sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Quá trình triển khai UBND huyện đã ưu tiên đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo là người dân tộc thiểu số, ở vùng sâu vùng xa để khuyến khích, động viên các hộ gia đình phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện nói chung.
Hiện nay, tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong cấp ủy ở các xã chiếm 70%; cán bộ người DTTS được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý là cấp ủy ở các xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đạt 75%, nhiệm kỳ 2025 - 2030 đạt 82%.
Từ thực tiễn công tác dân tộc và miền núi thời gian qua ở Quỳ Hợp, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp, huy động nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện tốt các chương trình: phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi, nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Chú trọng sơ kết, tổng kết, nhân rộng những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, xoá đói giảm nghèo có hiệu quả trong đồng bào DTTS. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ chủ chốt; bố trí cán bộ làm công tác dân tộc đáp ứng với tình hình mới.
Nhờ vậy, đời sống đồng bào các DTTS đã không ngừng phát triển, kinh tế gia đình vươn lên, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đang thay đổi nhanh chóng từng ngày.
Có được chính sách quan tâm, đãi ngộ tốt, đồng bào các DTTS luôn phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và có tinh thần đoàn kết với cộng đồng, cùng chung tay, ra sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh và thịnh vượng.