An sinh xã hội - mục tiêu, động lực phát triển bền vững
An sinh xã hội (ASXH) và công bằng xã hội là mơ ước của nhân loại tiến bộ trên thế giới. Ở Việt Nam, cùng với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ASXH là một trong những nội dung chủ yếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Lấy con người làm trung tâm
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XI về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, qua đó đã thể hiện ngày càng rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; kinh tế, xã hội phát triển toàn diện và hài hoà hơn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của chính sách xã hội trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn. Các chính sách xã hội không ngừng được hoàn thiện theo hướng tiến bộ và công bằng.
Ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Nghị quyết số 42-NQ/TW đã đưa ra 4 quan điểm vừa có tính kế thừa, phát huy, vừa có tính đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Trong đó, nghị quyết tiếp tục khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Nghị quyết số 42-NQ/TW xác định rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thiện chính sách ASXH đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; tạo cơ hội cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin…
Nghị quyết 42 của Trung ương lần này là có một sự điều chỉnh về cách tiếp cận từ bảo đảm ổn định sang ổn định và phát triển. Để xây dựng được nền tảng đó, Đảng đã khẳng định tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển. Đồng thời, không hy sinh tiến bộ công bằng, ASXH và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Hệ thống ASXH là "xương sống" của chính sách xã hội. Trong những năm qua, hệ thống ASXH nước ta đã tương đối toàn diện và đa dạng, ngày càng mở rộng về diện và đối tượng, hiệu quả được nâng cao. Chính sách BHXH được bổ sung, sửa đổi ngày càng phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Luật BHXH năm 2014 bảo đảm tốt hơn quyền tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH cho người lao động.
Luật Việc làm năm 2013 mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đến người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên. Hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về giảm nghèo được Chính phủ ban hành khá đồng bộ, toàn diện, từng bước mở rộng đối tượng để hỗ trợ cho người nghèo thoát nghèo bền vững. Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều để đo lường tình trạng nghèo của hộ gia đình một cách đầy đủ và tổng thể, bên cạnh yếu tố thu nhập, sự thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản: giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường và tiếp cận thông tin truyền thông, việc làm.
Cơ chế, chính sách giảm nghèo từng bước thay đổi về quan điểm, tư duy, tăng cường tự chủ, phân cấp mạnh cho địa phương trên cơ sở công khai, minh bạch trong xây dựng và lập kế hoạch. Xu hướng phát triển trợ giúp xã hội đã từng bước tiệm cận được với thế giới, đặc biệt là Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Trẻ em…
Đến nay, chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi; từng bước đáp ứng các nhu cầu cơ bản của đối tượng, tạo thành lưới ASXH rộng khắp, đan xen. Chính sách bảo đảm ASXH đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người dân vượt qua các khó khăn trong cuộc sống, gồm cả phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro kinh tế, xã hội, môi trường, các rủi ro thường xuyên và rủi ro đột xuất, khó lường trước.
Hoàn hiện các chính sách trong giai đoạn tiếp theo
Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được nêu rõ tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam là: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”. Để hoàn thành mục tiêu này, Việt Nam đã và đang tiếp tục xây dựng, phát triển ASXH theo hướng trở thành hệ thống ASXH đa tầng thực sự, nhằm khắc phục tình trạng diện bao phủ thấp, mức hưởng thấp, chênh lệch giới trong thực hiện chính sách an sinh. Hệ thống ASXH của Việt Nam sẽ dựa trên cách tiếp cận vòng đời, bền vững, bao trùm, đáp ứng cú sốc, nhạy cảm về giới và bảo đảm đất nước tiếp tục phát triển kinh tế nhanh chóng và không ai bị bỏ lại phía sau.
Bên cạnh đó, vấn đề ASXH của Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều khó khăn thách thức bởi các yếu tố, như: rủi ro toàn cầu, các vấn đề về môi trường và áp lực nhân khẩu học do tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế cũng như thị trường lao động, có tác động mạnh mẽ đến mức sống của mọi người dân…
Ông Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH), cho biết: "Làm sao để bao phủ ASXH toàn dân, hay những thách thức về một bộ phận lớn dân cư đang nằm ở mức thu nhập thấp cũng không phải là đối tượng người nghèo, hộ cận nghèo, nhưng có nhiều khát vọng vươn lên trong xã hội. Họ đang cần sự hỗ trợ, đầu tư của xã hội, tạo cơ hội để họ có việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn, hạn chế các rủi ro về kinh tế xã hội. Đầu tư cho nhóm này để họ phát triển, cùng với sự phát triển thịnh vượng của xã hội, thỏa mãn các khát vọng vươn lên của nhóm này. Nhận diện các thách thức để chính sách xã hội trong thời kỳ mới cần có những tiếp cận mới, thay đổi một cách toàn diện cần có những đột phá, cần có những ưu tiên".
Do đó, Việt Nam xác định nhiệm vụ cải cách hệ thống ASXH hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ thống ASXH toàn diện, bền vững sẽ là yếu tố xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước. Trong xu thế chuyển đổi số, chính sách này cần phải thích ứng và tạo cơ chế bao phủ toàn diện, an toàn, hiệu quả hài hòa khi Nhà nước - doanh nghiệp - người dân cùng đồng hành.
Trong thời gian tới, cần tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội, nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội để triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 nhóm mục tiêu.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, về giảm nghèo bền vững, về ứng phó với biến đổi khí hậu, về giáo dục nghề nghiệp…
Đặc biệt, cần hiện đại hóa hệ thống quản lý, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách xã hội. Hệ thống ASXH cần nhạy cảm hơn về giới và phản ứng với diễn biến bất thường xảy ra như thiên tai, dịch bệnh. Thiết kế các chính sách và can thiệp dựa trên cách tiếp cận vòng đời. Đảm bảo ASXH không bỏ ai lại phía sau. Thúc đẩy sự tham gia của nhiều bên liên quan trong quá trình hoạch định chính sách ASXH…