Cà Mau ứng phó hạn hán, sụt lún, sạt lở đất
667 vị trí sụt lún, sạt lở với chiều dài hơn 17,6km, các dòng sông khô cạn nước, nhiều tuyến đường, công trình giao thông sụt lún, thiệt hại hàng chục tỷ đồng là tình trạng huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đang đối mặt trong mùa hạn hán khốc liệt năm nay.
Nhiều tuyến đường giao thông sụt lún, gãy đổ
Huyện Trần Văn Thời là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra dẫn đến hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đã ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân.
Trong thời gian qua, huyện đã quan tâm dành rất nhiều kinh phí để đầu tư phát triển đường giao thông nông thôn, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại và giao thương của người dân trong khu vực gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, các tuyến đường giao thông nông thôn phần lớn được xây dựng trên các tuyến đê, gần sông, kênh rạch; vì vậy tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch và một số nguyên nhân khác đã tác động trực tiếp đến công trình đường bộ, làm giảm tuổi thọ, không đảm bảo an toàn giao thông.
Theo báo cáo mới nhất của UBND huyện Trần Văn Thời, từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn 09 xã, thị trấn vùng ngọt có 135 tuyến đường với 667 vị trí đã xảy ra sạt lở, sụt lún với tổng chiều dài 17.648m.
Trong đó đường bê tông dài 13.563m (đường bê tông 1,5m dài 6.739m, đường bê tông 2,0m dài 144m, đường bê tông 2,5m dài 86m, đường bê tông 3,0m dài 6.594m), đường đất đen dài 4.085m. Ước tính thiệt hại khoảng 26 tỷ đồng.
Riêng tại xã Khánh Hưng, trên địa bàn xã xảy ra hơn 80 vị trí sụt lún sạt lở đất làm hư hại nhiều tuyến đường liên xã và cầu giao thông nông thôn trị giá hàng tỉ đồng bị sụt lún nghiêm trọng, xe ô tô không thể đi được.
Dọc theo các tuyến kênh nội đồng xuất hiện nhiều vị trí sụt lún tại những tuyến đường, nhiều vị trí con đường nằm dưới sông, các nhịp cầu bị sụp xuống làm cho xe ô tô không thể di chuyển được.
Ông Nguyễn Minh Hải (xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời) cho biết: “Hạn hán năm nay vô cùng khắc nghiệt, tại địa phương nhiều đoạn đường giao thông nông thôn mới vừa mới làm xong giờ vì nắng quá nên sụt lún, gãy từng đoạn làm cho người dân tham gia giao thông nhiều trường hợp té ngã rất nguy hiểm”.
Một lãnh đạo UBND xã Khánh Hưng cho biết: “Hiện tại chúng tôi đang rà soát đăng ký doanh mục ưu tiên đợi khi có mưa xuống sẽ đưa cơ giới vào làm lại cầu và đường. Đáng tiếc là có một số tuyến lộ và cầu mới xây dựng đưa vào sử dụng chưa được 6 tháng thì đã sụp”.
Nhiều giải pháp ứng phó tạm thời
Trước thực trạng trên, UBND huyện Trần Văn Thời cùng các địa phương trong huyện đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để làm giảm thấp nhất thiệt hại bảo vệ đời sống Nhân dân.
Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền trong dân sử dụng tiết kiệm nước trong sản xuất, sử dụng nước phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của cây trồng; tập trung chỉ đạo cày ải ngay sau thu hoạch để phục vụ sản xuất lúa Hè thu năm 2024; kiểm tra các cống đập giữ vững vùng ngọt hóa huyện, thực hiện tốt kế hoạch ngăn mặn, chống tràn bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Đối với các tuyến đường bị sạt lở tiếp giáp đường giao thông chỉ đạo UBND các xã, thị trấn bước đầu khắc phục tạm thời làm rào chắn, giăng dây cảnh báo cho người tham gia giao thông, vận động người dân sử dụng cây gỗ địa phương gia cố tạm thời. Các tuyến đường hư hỏng mặt đường bê tông đã thực hiện công tác làm đường tạm cho phương tiện xe hai bánh tham gia lưu thông.
Đồng thời tổ chức rà soát, thống kê những hộ có khả năng thiếu nước sinh hoạt để có kế hoạch chủ động khắc phục; các đơn vị quản lý Trạm cấp nước nối mạng nông thôn và Nhân dân thường xuyên kiểm tra các công trình cấp nước, kịp thời khắc phục sửa chữa các trạm xuống cấp, những đoạn ống bị hư hỏng và giếng nước sinh hoạt hộ gia đình mình để có giải pháp chống hạn riêng cho từng khu vực đảm bảo không để thiếu nước sinh hoạt.
Ông Kiều Minh Tiếng, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, để khắc phục sạt lở, sụt lún, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động Nhân dân sử dụng cây gỗ địa phương thực hiện gia cố, khắc phục, khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại ban đầu, khắc phục những đoạn sụt lún, sạt lở đất nhỏ.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện, về lâu dài, để khắc phục tình trạng sụt lún, sạt lở đất các tuyến kênh, rạch trên địa bàn các xã, thị trấn vùng ngọt là tăng cường theo dõi diễn biến tình trạng sụt lún, sạt lở đất; khi mùa mưa đến các tuyến kênh, rạch đã đầy nước thì tiến hành gia cố, nạo vét bồi trúc đất đen các đoạn sụt lún, sạt lở và làm lại mặt đường bê tông để đảm bảo cho sản xuất và nhu cầu đi lại của Nhân dân trong vùng.
“Các địa phương tổ khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại sơ bộ ban đầu về mức độ thiệt hại do sạt lở, sụt lún và các thiệt hại đang khảo sát, đánh giá để tham mưu đề xuất UBND huyện xem xét; có ghi nhận hình ảnh thiệt hại ban đầu, xác định thứ tự ưu tiên để khi có điều kiện thì khắc phục sớm; sau khi xác định được danh mục công trình và tổng kinh phí cần khắc phục.
UBND huyện đã giao Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu UBND huyện xin ý kiến sở, ngành tỉnh sử dụng từ nguồn kinh phí dự phòng, kinh phí từ quỹ phòng, chống thiên tai để khắc phục, đồng thời sẽ tranh thủ sự hỗ trợ từ cấp trên”, ông Tiếng thông tin.
Một số hình ảnh sạt lở, sụt lún tại địa bàn huyện: