Tăng cường quân sự hóa gây nguy hiểm cho khí hậu
Theo các tổ chức phi chính phủ và các nhà lập pháp, cần phải tính đến tác động của lượng khí thải carbon liên quan đến xung đột và cần có thêm dữ liệu từ các hoạt động quân sự.
Các tổ chức phi chính phủ tuyên bố tại một sự kiện ở Brussels tuần này rằng, việc tăng cường quân sự hóa và chi tiêu cho quốc phòng đang làm giảm đi những nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu.
Mạng lưới chống buôn bán vũ khí châu Âu (ENAAT) và Viện xuyên quốc gia (TNI) đã tổ chức sự kiện này sau khi Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố số liệu về sự tăng vọt trong chi tiêu quân sự, để xem xét tác động của việc đầu tư vào quân sự của châu Âu đối với biến đổi khí hậu.
Ông Nick Buxton, điều phối viên Trung tâm Thông tin tại TNI cho biết, ước tính năm 2022 của các nhà khoa học cho thấy, tổng lượng khí thải carbon quân sự chiếm khoảng 5,5% lượng khí thải toàn cầu.
Ông Buxton nói: “Chi tiêu quân sự đang đổ vào xe tăng, máy bay phản lực F-35, trong đó Bỉ và Đức đang xếp hàng để mua chúng… Mỗi lần chúng tôi thấy sự gia tăng số lượng này thì lượng khí thải carbon cũng tăng lên rất nhiều”.
Ông Buxton nói rằng, EU đang thúc đẩy phát thải khí hậu thông qua quân sự hóa, đồng thời dẫn chứng các hoạt động của hải quân EU ở Biển Đỏ và việc bảo vệ biên giới của khối để ngăn chặn tình trạng di cư.
Laëtitia Sédou, cán bộ dự án tại ENAAT cho biết, chi tiêu quân sự của EU đã tăng kể từ năm 2021, từ 3,32 tỷ euro lên 7,67 tỷ euro vào năm 2023.
Bà nói, kể từ năm 2017, đã có một "sự thay đổi mô hình" chi tiêu vào quân sự - đề cập đến thời điểm ngân sách EU bắt đầu tài trợ cho ngành công nghiệp vũ khí thông qua Quỹ Quốc phòng châu Âu, Đạo luật Hỗ trợ sản xuất đạn dược (ASAP), Tăng cường Công nghiệp quốc phòng châu Âu thông qua Đạo luật Mua sắm chung (EDIRPA) hoặc Chương trình Công nghiệp quốc phòng châu Âu (EDIP).
Đại biểu Nghị viện EU người Ireland Clare Daly nói: “Thay vì tìm cách xây dựng hòa bình và củng cố thiện chí, EU hiện đang "chiếm đoạt" các quỹ dành cho hành động về khí hậu và chuyển chúng vào trang bị vũ khí và quân sự hóa, một lựa chọn chỉ làm gia tăng căng thẳng và khiến chiến tranh dễ xảy ra hơn”.
Trong khi đó, Ionela Maria Ciolan - cán bộ nghiên cứu về an ninh và quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu châu Âu Wilfried Martens - cho rằng, đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng và sản xuất vũ khí “không nên bị cản trở” bởi những cân nhắc về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, bà gợi ý, EU có thể đầu tư nhiều hơn vào việc "phủ xanh" quân đội và giảm tác động đến môi trường của các lực lượng vũ trang thông qua nghiên cứu và phát triển các công nghệ và nhiên liệu quân sự có hàm lượng carbon thấp.