Tự hào người lính Cụ Hồ
Chẳng biết tự bao giờ, hình ảnh những người bộ đội dù trong thời chiến hay thời bình đã trở thành điểm tựa vững chắc cho mỗi người dân.
Lúc chiến tranh, bộ đội dũng cảm, hy sinh, gian khổ “khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt”. Khi hòa bình, họ vẫn chắc tay súng bảo vệ biên cương, “giành” lấy phần khó về mình. Dù bất cứ trong hoàn cảnh khó khăn và nguy hiểm nào, những người lính vẫn từng ngày, từng giờ ra sức bảo vệ biên cương và dựng xây đất nước.
Kết tinh của thời đại
“Bộ đội Cụ Hồ” là cách gọi rất Việt Nam, thật gần gũi. Tên gọi trìu mến mà nhân dân dành cho quân đội mà còn là một danh hiệu, một vinh dự lớn đối với những chiến sĩ của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà những chiến sỹ mang quân hàm xanh lại được gọi bằng cái tên đầy trìu mến như vậy. Gọi bộ đội là “Bộ đội Cụ Hồ” còn là vì bản thân các chiến sĩ quân đội đã luôn luôn xứng đáng với niềm tin của Người.
Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trở thành một mẫu hình về con người mới có lý tưởng cao đẹp, có đạo đức trong sáng, thực hiện trọn vẹn, xuất sắc chỉ thị, những lời dặn và niềm tin sâu sắc của Bác.
“Bộ đội Cụ Hồ” trong kháng chiến là những người “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Từ khi mới ra đời, những người lính đã được xác định nhiệm vụ là đội quân chiến đấu, đội quân sản xuất và công tác. Trong thời chiến, lúc hòa bình, việc chiến đấu, công tác và sản xuất đều được coi trọng. Gan dạ và dũng cảm, mưu trí và sáng tạo, tự lực, tự cường, kiên nhẫn và nhiệt tình, lăn xả vào nhưng nơi khó khăn, gian khổ, vì bình yên, ấm no cho nhân dân. Đó luôn là những truyền thống tốt đẹp của người chiến sĩ QĐND Việt Nam. Những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” luôn gắn bó với nhau như anh em ruột thịt, “đồng cam, cộng khổ”, “chia ngọt, sẻ bùi”, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, trưởng thành.
Khi Tổ quốc bị xâm lăng, những người lính Cụ Hồ luôn có mặt ở tuyến đầu trên trận tuyến chống quân thù. Trong điều kiện hòa bình, họ lại tình nguyện đến những địa bàn khó khăn, đảm nhiệm những nhiệm vụ gian khổ nhất. Vì sự toàn vẹn lãnh thổ, vì cuộc sống bình yên của nhân dân, máu của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn đổ xuống.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự cưu mang, đùm bọc của nhân dân, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã chung sức đồng lòng dựng xây nên những giá trị tốt đẹp trong đời sống tinh thần. Tiêu biểu là tình cảm đồng chí, đồng đội thiêng liêng, gắn bó. Tình cảm yêu thương đồng chí, đồng đội là thành tố cơ bản trong các phẩm chất tạo thành giá trị văn hóa của danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”.
“Bộ đội Cụ Hồ” còn là kết tinh tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình. Giá trị văn hóa kết tinh trong danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” là sự hội tụ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong quá trình dựng nước, giữ nước hàng nghìn năm qua. Biểu tượng “Bộ đội cụ Hồ” - danh hiệu cao quý được nhân dân ghi nhận và tôn vinh công lao, phẩm chất và nhân cách của người chiến sỹ QĐND Việt Nam anh hùng. Đây là niềm tự hào, là động lực tinh thần to lớn đối với Quân đội ta, động viên cán bộ, chiến sĩ không quản ngại gian khổ, hy sinh, vươn lên phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Tượng đài trong lòng dân
“Bộ đội Cụ Hồ” ở thời đại nào cũng luôn trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân; có tinh thần đồng đội, tinh thần kỷ luật tự giác và ham học hỏi, cầu tiến bộ... Đó cũng là nét văn hóa quân sự đặc trưng trong nền văn hóa Việt Nam, nét văn hóa vì con người dựa trên truyền thống và cốt cách Việt Nam.
Sự xuất hiện của “Bộ đội Cụ Hồ” trong suốt chiều dài lịch sử gắn với kháng chiến, kiến quốc, với bề dày đó so với lịch sử dân tộc là không dài, nhưng chỉ bằng thời gian đó, hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” đã đi vào lịch sử, đi vào đời sống đất nước, đời sống cộng đồng một cách tự nhiên. Họ trở thành hình tượng tiêu biểu và đáng tự hào của dân tộc Việt Nam anh hùng, được nhân dân ca tụng là "con người đẹp nhất", được coi là khát vọng vươn tới của tuổi trẻ.
“Bộ đội Cụ Hồ” dù ở hoàn cảnh nào cũng được thể hiện sâu sắc ở tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, luôn xung kích đi đầu, đứng vững ở nơi “đầu sóng ngọn gió”, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi khó khăn, gian khổ và chiến tranh ác liệt nhất. Những người “Bộ đội Cụ Hồ” sẵn sàng chiến đấu, hi sinh tuổi xuân và tính mạng của mình để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ biển đảo quê hương, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, Nhà nước và bảo vệ nhân dân; tuyệt đối trung thành với Đảng, trọn hiếu với nhân dân; luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, giao phó.
Khó có thể kể hết công lao, sự hy sinh thầm lặng, những gian khó mà những người lính đã trải qua. Giờ đây, họ vẫn đang ngày đêm nhận những phần việc nặng, những gian khó để mang lại sự bình yên cho cuộc sống. Quả là những người mang trong mình tinh thần “thép”.
Còn nhớ đại dịch Covid-19 những năm trước, lực lượng bộ đội đã xung phong đi đầu, xông pha trên các mặt trận phòng chống dịch. Không chỉ tham gia các hoạt động tuyên truyền đến từng người dân để nhân dân nhận biết cách phòng, chống dịch bệnh, họ còn lăn xả kiểm tra, kiểm soát tại khu vực cửa khẩu, đo thân nhiệt để kịp thời phân luồng, cách ly những công dân nhập cảnh trái phép về Việt Nam… Bất kỳ phần việc nào cần, bộ đội đều có mặt. Đặc biệt, đã có hàng nghìn đồng chí có vợ sinh con, bố mẹ đau ốm "thập tử nhất sinh" nhưng bản thân vẫn phải bám chốt, chặn dịch. Không ít cán bộ, chiến sĩ đã hơn nửa năm chưa một lần ghé thăm gia đình. Dọc giải đất biên cương, hàng nghìn tổ chốt chặn phòng dịch đã được lập nên ngay từ những ngày đầu có dịch. Một năm tròn, nhiều người lính chưa về thăm nhà. Một năm tròn, nhiều người lính ngủ rừng, bám bản. Tại rất nhiều chốt phòng dịch ở biên cương, bên cạnh những lán trại là vườn rau xanh um, là những gà vịt được các anh tăng gia. Nó không chỉ giúp người lính vơi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân mà còn là niềm vui sau những giờ tuần tra căng thẳng, hơn hết là để bữa cơm chốt trực thêm đủ đầy… Đó là những hy sinh chẳng thể nào cân đong, đo đếm được...
Tinh thần “thép” đã được tôi lên từ trong thiên tai bão lũ, khi dịch giã hoành hành, những người lính đã kề vai, sát cánh, bất chấp hiểm nguy để bảo vệ an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản người dân. Đã có những hy sinh, mất mát, vì bình yên tổ quốc, vì sức khỏe nhân dân. Đã có những đơn vị bộ đội hành quân cứu dân vùng sạt lở, rồi chứng kiến thân thể họ bị vùi lấp giữa núi rừng. Sự anh dũng hy sinh của người lính đã làm lay động, làm thổn thức đến trái tim của triệu triệu người dân đất Việt.
Một “khó khăn” khác mà người lính Cụ Hồ phải đối diện là nỗi nhớ thương tận cùng đằng đẵng đối với hậu phương... Nơi biên cương heo hút đèo mây, giữa không gian thăm thẳm của chốn rừng thiêng nước độc... nỗi nhớ càng thêm da diết, cồn cào. Có chiến sĩ trẻ tâm tình: Anh em không sợ khổ, chỉ ngại đối diện với nỗi hiu quạnh đến độ sởn gai ốc. Có lúc yếu lòng bỗng thấy cô đơn, buồn tủi trực trào, cảm giác lạnh toát chạy dọc xương sống…
Với “Bộ đội Cụ Hồ”, có một góc khuất khác mà họ phải đối diện chính là muôn vàn khó khăn do điều kiện sống, công tác, điều kiện thời tiết và sự thiếu thốn vật chất đủ bề. Nơi nghỉ của họ sau những chuyến tuần tra, chốt chặn hầu hết chỉ là những túp lều tạm. Có những cơn mưa dông bất chợt, hay những trận mưa rừng, gió thổi, đã giật phăng mái lều của họ khiến cho đồ đạc của anh em sũng nước, anh em lại được “tắm mưa”. Nơi biên cương không có điện, không có sóng viễn thông, khi rảnh rỗi, họ lại kể cho nhau về chuyện hậu phương hoặc mở điện thoại xem ảnh vợ con, gia đình cho vơi đi nỗi nhớ...
Đến với các tuyến biên giới, giữa ngút ngàn mây núi, ở mỗi điểm chốt chỉ có vài ba anh em bộ đội bám vào nhau mà sống và thực hiện nhiệm vụ. Các chiến sỹ quân hàm xanh phải ngủ lán trại, nằm phản gỗ kê trực tiếp trên nền đất lạnh, ăn cơm với rau rừng và những loại thực phẩm lâu lâu mới được tiếp tế. Thế nhưng các anh vẫn kiên trì bám trụ, vẫn duy trì đều đặn nền nếp chính quy, canh tực, mức cao nhất. Cuộc sống của những chiến sỹ áo xanh nơi biên cương, vùng sâu vùng xa quá thiếu thốn, gian khổ, ước mơ của cán bộ, chiến sĩ nơi đây rất đỗi bình dị. Thứ mà các anh mong đợi nhất chính là những cục pin sạc dự phòng hay những phong thư... Thế mới hiểu, sự hy sinh của họ lớn nhường nào!
Tháng Tư lại về, cả nước ngập tràn trong không khí hào hùng kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mỗi người dân Việt Nam vẫn luôn xúc động tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã đóng góp, hi sinh một phần xương máu cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, trong đó có các anh “Bộ đội Cụ Hồ”. Quả đúng là “đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời”.