Thủ tướng tin tưởng Ninh Thuận sẽ phát triển đúng tầm nhìn
Sáng 28/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận. Cùng dự có Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ tưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi Trường Đặng Quốc Khánh, cùng lãnh đạo các ban bộ ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận.
Ninh Thuận là tỉnh ven biển Duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trên giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược nối liền 03 vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; có nhiều tiềm năng phát triển du lịch; nông, lâm nghiệp, thủy sản, năng lượng tái tạo; công nghiệp, nhất là ngành chế biến nông sản; có bề dày lịch sử và nền văn hóa lâu đời; Người dân Ninh Thuận có truyền thống anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, thân thiện; luôn có quyết tâm, khát vọng vươn lên.
Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010-2023 đạt bình quân 8,6%/năm, cao hơn bình quân của cả nước; riêng năm 2023 tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,4%, xếp thứ 9/63 tỉnh/thành phố và 2/14 tỉnh thành vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.
Tổng thu nhập trên địa bàn tỉnh năm 2023 đạt trên 52,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9 lần so năm 2010; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Thuận đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp cho thành tựu chung của cả nước.
Cùng với việc phân tích về tiềm năng thế mạnh của Ninh Thuận, Thủ tướng đã chỉ rõ những khó khăn, hạn chế, thách thức của tỉnh, đồng thời chỉ rõ vai trò quan trọng của quy hoạch.
Đối với Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Thủ tướng đánh giá, quy hoạch này được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học; xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế của tỉnh.
Thủ tướng nhấn mạnh, Quy hoạch mở ra không gian phát triển mới trong 10 năm và định hướng 20 năm tới; với mục tiêu đến năm 2030, Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; đến năm 2050, Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng.
Về các định hướng, ưu tiên phát triển, Thủ tướng yêu cầu tổ chức lại không gian phát triển của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ với các tỉnh vùng Nam Trung Bộ theo 4 vùng lãnh thổ, 3 vùng động lực, 3 hành lang phát triển, 5 nhóm ngành đột phá quan trọng, lấy kinh tế biển và kinh tế đô thị làm động lực phát triển.
Trong đó 5 nhóm ngành đột phá quan trọng là Ngành năng lượng, năng lượng tái tạo; Các ngành du lịch chất lượng cao; Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Ngành xây dựng và thị trường bất động sản.
Để thực hiện các định hướng lớn nêu trên, Thủ tướng yêu cầu, Ninh Thuận chú trọng: Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); tạo đột phá vào các động lực tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững).
Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người; tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi, kết nối thị trường.
Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất - cung ứng, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; Đẩy mạnh ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Thủ tướng yêu cầu, tỉnh khẩn trương triển khai hiệu quả Quy hoạch, đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Điều phối, quản lý hiệu quả, bảo đảm liên kết, thống nhất và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh mẽ KTXH và bảo vệ môi trường.
Đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu. Xây dựng Phan Rang - Tháp Chàm thành đô thị hiện đại, thông minh; đẩy nhanh các dự án năng lượng tái tạo, cảng biển tổng hợp, tổ hợp điện khí LNG, thủy điện tích năng; hình thành và phát triển khu công nghiệp Cà Ná.
Phát huy hiệu quả 3 vùng động lực; ưu tiên nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển. Phát triển kinh tế biển, kinh tế đô thị, kinh tế du lịch, kinh tế di sản theo hướng xanh, số, tuần hoàn. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế với các địa phương trong vùng Nam Trung bộ, khu vực Tây nguyên.
Quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, đổi mới giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh như du lịch, năng lượng tái tạo…
Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; xác định những nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các công trình thủy lợi, hệ thống đập ngăn mặn, kè chống sạt lở…
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục nâng cao hơn nữa các chỉ số PAPI, PCI...; chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu cần thông tin sâu rộng về quy hoạch đến nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh phải phổ biến sâu rộng Quy hoạch nhiều hình thức khác nhau để Nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần "Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân thụ hưởng".
Với các địa phương trong Vùng, Thủ tướng đề nghị tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đoàn kết, đồng lòng, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau giải quyết các vấn đề liên tỉnh, thành phố. Nghiên cứu xây dựng các quỹ, cơ chế để hỗ trợ các dự án có tính liên tỉnh, thành phố thuộc vùng...
Thủ tướng đề nghị, các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục giám sát, phối hợp thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Ninh Thuận; Thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp; Phối hợp, hỗ trợ Ninh Thuận, các địa phương vùng phát huy sức mạnh tổng hợp trong phát triển.
Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn và hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã chọn Ninh Thuận để đầu tư. Thủ tướng tin tưởng các dự án sẽ triển khai thành công, mang lại hiệu quả thiết thực.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư: Phát huy sứ mệnh của doanh nghiệp trên tinh thần 3 cùng: "cùng lắng nghe, thấu hiểu"; "chia sẻ tầm nhìn và hành động"; "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển".
Xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác, đúng pháp luật; đúng định hướng, ưu tiên theo quy hoạch tỉnh… Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ, tiên phong trong quản trị thông minh, hiện đại; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Tích cực đóng góp ý kiến cho cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ; Tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt văn hóa, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, bảo đảm đời sống cho người lao động, an sinh xã hội.
Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng toàn thể các bộ, ngành và lãnh đạo các cấp của tỉnh Ninh Thuận đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được; tạo khí thế, động lực mới cho phát triển.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tựu đạt được những năm qua, với sự ủng hộ, nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, tỉnh Ninh Thuận sẽ phát triển đúng tầm nhìn, tư duy, sự đổi mới như Quy hoạch đã công bố, trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững, đóng góp ngày càng thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Tại hội nghị, tỉnh Ninh Thuận đã trao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận, ký biên bản ghi nhớ đăng ký đầu tư với các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai 15 dự án với tổng số vốn dự kiến là hơn 135.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, dịp này, tỉnh Ninh Thuận cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay ủng hộ chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ gia đình nghèo với số tiền hơn 7 tỷ đồng, cận nghèo, góp phần cùng cả nước phấn đấu đến năm 2025 hướng tới xoá nhà dột nát cho 100% hộ nghèo.