Phóng sự - Ghi chép

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Bản hùng ca bất diệt qua ký ức người lính

Gia Ân-Thanh Thủy 28/04/2024 - 09:51

Cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cựu chiến binh Đậu Huy Tương, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 (nay là Quân đoàn 12) lại bồi hồi xúc động khi nhớ về những cuộc hành quân xuyên đêm, xuyên rừng và những trận đánh sinh tử giữa ta và địch để giành từng tấc đất. Ký ức về chiến dịch Hồ Chí Minh, trận đánh cuối cùng thời lính chiến cứ ùa về làm ông càng thêm xúc động.

Trận chiến san bằng cứ điểm thép

Chúng tôi may mắn tìm và gặp được cựu chiến binh Đậu Huy Tương vào những ngày cuối tháng 4 khi đất nước đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 49 năm ngày thống nhất đất nước. Ngôi nhà của người cựu chiến binh năm nào nằm sâu trong ngõ nhỏ ở khối Thịnh Mỹ, phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An xung quanh nhà được trồng nhiều loại hoa và cây cảnh rất yên bình.

1(1).jpg
Di tích lịch sử nhà tù Phú Lợi- sau này là cứ điểm quân sự quan trọng của Mỹ-Ngụy. Ảnh: Tư liệu

Tháng 5/1972, chàng thanh niên Đậu Huy Tương khoác balo lên đường nhập ngũ và trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Trải qua bom đạn ác liệt của chiến trường, sau khi được lệnh rút quân, đơn vị của ông được lệnh hành quân ngược ra Bắc, đóng ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa để củng cố và xây dựng lực lượng.

Để thực hiện chiến dịch lịch sử mang tên Hồ Chí Minh, mùa xuân năm 1975, chiến thuật của quân đội ta là tập trung nhiều mũi cánh quân bao vây, áp sát vừa cắt đứt sự chi viện của địch cho Sài Gòn, vừa cô lập, chốt chặn không để quân ngụy quyền Sài Gòn tháo chạy ra biển. Ngày 15/4/1975, Sư đoàn 312 của ông Tương đã có mặt ở Đồng Xoài, tỉnh Bình Dương. Trận đánh mà ông nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình chính là trận đánh tiêu diệt căn cứ Phú Lợi.

Căn cứ này do thực dân Pháp xây dựng, được Mỹ củng cố lại thành đại bản doanh của Sư đoàn Bộ binh số 1 Mỹ, là nơi xuất phát của những cuộc hành quân bình định, bắn giết đồng bào ta ở miền Đông Nam Bộ. Tháng 4/1970, Mỹ bàn giao căn cứ này cho Sư đoàn 5 ngụy tiếp quản. Tại đây, chúng chia thành 7 khu, xung quanh đặt chướng ngại vật nhiều tầng, nhiều lớp với các bãi mìn, hào chống tăng, chống bộ binh và hàng chục lớp rào thép gai.

Ngày 26/4/1975, Bộ tư lệnh Sư đoàn 312 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 165 và Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141 bao vây, tiến công cụm căn cứ Phú Lợi, sau đó phối hợp với LLVT và nhân dân địa phương giải phóng tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Lúc đó, Phú Lợi là căn cứ quan trọng vào loại bậc nhất của địch trên tuyến phòng thủ Bắc Sài Gòn, án ngữ trục đường giao thông huyết mạch: Đường 13 từ Bình Long-Phước Long đi Bình Dương đến Sài Gòn và Đường 8 từ Tân Uyên đến Bình Dương đi Củ Chi và khống chế các trục Đường 13, 14 đi Sài Gòn.

Khoảng 4 giờ sáng 30/4/1975, pháo binh của ta bắn mãnh liệt vào căn cứ Phú Lợi. Sau đó, các loại hỏa lực đi cùng cũng dồn dập đánh vào khu vực tiền duyên, chi viện cho bộ binh mở cửa mở. 5 giờ 5 phút, Tư lệnh Sư đoàn 312 Nguyễn Chuông lệnh cho Trung đoàn 165 nổ súng. Lực lượng của ta tiến công áp đảo nên trên cả hai hướng, quân địch trong căn cứ không tổ chức phản kích được.

Các mũi thọc sâu của quân ta đều có du kích, giao liên địa phương dẫn đường... Trong lúc trận chiến đấu diễn ra quyết liệt thì chiến sĩ Lê Xuân Sanh cùng tổ cắm cờ của Đại đội 9, Tiểu đoàn 4 nhanh chóng vận động về phía cột cờ ở trung tâm căn cứ. Lá cờ giải phóng được kéo lên, đúng 10 giờ 30 phút, Trung đoàn 165 đã hoàn toàn làm chủ căn cứ Phú Lợi.

2(1).jpg
Cựu chiến binh Đậu Huy Tương (bên phải) và ông Nguyễn Thanh Tĩnh- PCT Hội CCB thị xã

Ông Tương nhớ lại: Trận đó quân ta tiêu diệt được 1.800 tên địch gồm Sư đoàn 5, thiết giáp, 7 tiểu đoàn và 6 đại đội Bảo an 306. Tên chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ- Tư lệnh Sư đoàn 5 của ngụy đã tự sát.

Với tâm thế của người lính dồn tất cả cho trận đánh lớn quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bộ đội ta ào ào tiến lên như vũ bão. Điều khiến ông xót xa nhất là ngay trước giờ phút giải phóng Sài Gòn, quân ngụy trong cơn giãy chết vẫn điên cuồng chống trả khiến không ít đồng đội của ông hi sinh khi chưa kịp nhìn thấy lá cờ Tổ quốc được cắm trên nóc dinh Độc Lập.

Sáng mãi phẩm chất người lính giữa đời thường

Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, năm 1977 CCB Đậu Huy Tương phục viên trở về quê nhà, tiếp tục tham gia các hoạt động tại địa phương như kế toán thôn, ban quản lí HTX nông nghiệp, Thường vụ Hội nông dân xã.

Suốt 27 năm tham gia tại địa phương, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được bà con nhân dân quý mến. Hiện nay ông là Chủ tịch Hội Thành cổ Quảng Trị của thị xã. Bên cạnh đó, để góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, ông còn tham gia CLB nói chuyện truyền thống tại các trường học trên địa bàn.

3(2).jpg
CCB Đậu Huy Tương (đứng giữa) nói chuyện truyền thống tại trường học

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Tĩnh- Phó Chủ tịch Hội CCB thị xã Hoàng Mai cho biết: “Sau khi trở về với đời thường, CCB Đậu Huy Tương cũng như bao CCB khác vẫn nêu cao phẩm chất của người quân nhân cách mạng, người chiến sĩ cộng sản về tham gia nhiều lĩnh vực trên các mặt trận của địa phương. Các bác vẫn là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức CCB để cho các thế hệ con cháu học tập noi theo”.

Chia tay cựu chiến binh Đậu Huy Tương, chứng nhân lịch sử của ngày đất nước thống nhất, thế hệ trẻ chúng tôi càng thêm trân trọng và biết ơn những hi sinh, đóng góp của những thế hệ cha ông. Họ vẫn thầm lặng, nhiệt huyết đóng góp sức mình xây dựng cho quê hương, đất nước, tto đẹp thêm hình ảnh người lính Cụ Hồ.

Gia Ân-Thanh Thủy