Văn hóa- Thể thao

Các tỉnh Việt Bắc liên kết phát triển du lịch bền vững

Nguyễn Liên 28/04/2024 - 07:36

Tuần lễ Du lịch tỉnh Bắc Kạn diễn ra từ ngày 26 đến ngày 3/5 với nhiều hoạt động đặc sắc, trong đó Hội thảo 'Liên kết phát triển du lịch Bắc Kạn và các tỉnh Chiến khu Việt Bắc' thu hút đông đảo quần chúng nhân dân, doanh nghiệp và các tỉnh tham dự.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh liên kết phát triển du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc là vấn đề rất quan trọng. Ông đề nghị các đại biểu, chuyên gia tập trung trao đổi, thảo luận cho ý kiến thẳng thắn để qua hội thảo có cơ sở quan trọng cho phát triển du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc trong thời gian tới.

cong-ly-4-.jpg
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang cùng nhiều chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nghiệp, liên hiệp hội du lịch.

Vùng Việt Bắc nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, là cái nôi cách mạng, lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống quý báu với nhiều di sản văn hóa độc đáo, cảnh quan hùng vĩ, con người mộc mạc, thân thiện, mến khách.

Sau 14 năm các tỉnh Việt Bắc triển khai chương trình hợp tác, đến nay vùng Việt Bắc đã được đông đảo du khách xem là địa điểm du lịch hấp dẫn với những điểm đến thú vị như: Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú (tỉnh Hà Giang); Công viên Địa chất Non nước (tỉnh Cao Bằng); danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn); hồ Na Hang, Chiến khu Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang); hồ Núi Cốc, ATK Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) và chợ Kỳ Lừa, chùa Tam Thanh, núi Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn)…

Đánh giá cao những thế mạnh để phát triển du ịch của 6 tỉnh Việt Bắc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề nghị hội thảo cần xác định cách tiếp cận mới trong xây dựng liên kết vùng.

Nhìn nhận một cách toàn diện về những khó khăn, thách thức, xác định rõ điểm nghẽn cần khơi thông. Đặc biệt, mỗi tỉnh cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, tiêu biểu, mang đậm dấu ấn văn hóa của từng địa phương; chú trọng xây dựng sản phẩm, quản lý sản phẩm và đánh giá hiệu quả mà sản phẩm mang lại dưới góc độ kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, để liên kết thực sự bền vững và phát huy hiệu quả, các địa phương cần chú trọng vai trò của doanh nghiệp, đồng thời làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch.

cong-ly-1-.jpg
Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội

Trình bày đề dẫn hội thảo, Tiến sĩ Trần Văn Túy, Chủ tịch Hội đồng khoa học (Viện Kinh tế-văn hóa), Ban chủ nhiệm đề tài khoa học liên kết phát triển du lịch Bắc Kạn và Chiến khu Việt Bắc, nhấn mạnh, đề tài khoa học cấp Nhà nước này thể hiện mong muốn trong xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, của Chiến khu Việt Bắc, giúp xây dựng Con đường du lịch hoài niệm Chiến khu Việt Bắc.

Cho đến nay, đề tài đã tổ chức 3 hội thảo cấp quốc gia. Những hội thảo này đã mở ra bức tranh cơ bản về liên kết trong phát triển du lịch Chiến khu Việt Bắc.

Với 19 tham luận nghiên cứu, trình bày công phu, hội thảo đã tập trung thảo luận, làm rõ 7 nhóm nội dung cơ bản. Đó là: tầm quan trọng, vai trò, vị trí của vùng Chiến khu Việt Bắc trong tổng thể du lịch; tiềm năng, thế mạnh, thực trạng phát triển du lịch; định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù; kiến nghị về đầu tư phát triển du lịch; đề xuất về đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chiến lược quảng bá, xây dựng các mô hình liên kết; kiến nghị chính sách cho phát triển du lịch; giải pháp, quan điểm, định hướng phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn.

cong-ly-2-.jpg
Ông Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chào mừng Hội thảo.
cong-ly-3-.jpg
Ông Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và các đồng chí chủ trì Hội thảo.

Nhiều vấn đề mới mẻ đã được nghiên cứu, trình bày, như: du lịch hoài niệm Chiến khu Việt Bắc; xây dựng mô hình du lịch hoài niệm gắn với giáo dục truyền thống; triển khai mô hình liên kết phát triển du lịch các tỉnh Chiến khu Việt Bắc; du lịch văn hóa dựa vào cộng đồng; kinh nghiệm khai thác du lịch tại các di tích lịch sử cách mạng…

Các nhà khoa học, chuyên gia cũng góp nhiều ý kiến gợi mở cho phát triển du lịch Bắc Kạn, như: định vị thương hiệu cho du lịch Bắc Kạn thông qua sản phẩm thuyền độc mộc; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát huy giá trị lịch sử cách mạng…

Các tham luận, ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ góp phần hoàn thiện đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia “Liên kết phát triển du lịch Chiến khu Việt Bắc”. Từ đó, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương và toàn vùng cho phát triển du lịch.

Hội thảo “Xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch liên kết 6 tỉnh Việt Bắc” là hoạt động nằm trong chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XIII. 6 tỉnh Việt Bắc tham gia sản phẩm du lịch liên kết, bao gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang.

vb.jpeg
que.jpeg
Các tỉnh Việt Bắc được thiên nhiên ưu đãi có nhiều thắng cảnh đẹp đồng thời là di tích lịch sử của Chiến khu cách mạng Việt Bắc

Với khát vọng đưa du lịch các tỉnh trong vùng Việt Bắc phát triển nhanh trong những năm tới, tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận sôi nổi về tiềm năng, lợi thế và xác định mục tiêu xây dựng, định vị thương hiệu du lịch cho vùng Việt Bắc.

Đồng thời ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2027 và công bố 3 sản phẩm du lịch liên kết vùng Việt Bắc, bao gồm: “Hành trình kết nối di sản UNESCO Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn”; “Huyền thoại sông Gâm và con đường di sản cách mạng Việt Bắc”; “Từ chiến khu cách mạng Tân Trào đến mặt trận biên giới Vị Xuyên”.

Sau phiên hội thảo chính thức, Ban tổ chức sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo chuyên gia để tổng hợp, phân tích, đóng góp thêm nhằm hoàn thiện các luận cứ khoa học, đưa ra các kiến nghị, đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách và pháp luật nhằm phát triển bền vững liên kết du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc trong thời gian tới.

Nguyễn Liên