Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng trả lời việc mổ đẻ, gây thương tích trẻ sơ sinh
Đời sống - Ngày đăng : 16:39, 05/06/2016
Ngày 5/6, Bác sỹ Bùi Xuân Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cho biết: Ban Giám đốc Bệnh viện đã chính thức trả lời bằng văn bản với gia đình anh Hồ Tiến Phúc (30 tuổi), trú tại thôn Phát Chi, xã Trạm Hành, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) về việc bác sĩ Nguyễn Hải Lê, Phó Trưởng khoa Sản trong lúc mổ sinh cho chị Trần Thị Thanh Lan (29 tuổi, vợ anh Phúc), đã gây thương tích cho trẻ sơ sinh, gây bất bình cho gia đình sản phụ.
Theo nội dung trả lời của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, sản phụ Trần Thị Thanh Lan bị vỡ ối non, hết ối nên đầu thai nhi gần sát với đầu tử cung, khi bác sĩ dùng kéo để tách cơ tử cung, mũi kéo tiếp xúc với da đầu thai nhi gây nên vết thương dài 2cm trên tai, độ sâu 0,5mm, có rướm máu, không mất máu.
Trong thư trả lời, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cho biết, khi xảy ra sự cố, bác sĩ đã khâu luồn một mũi bằng chỉ tiêu, khi khâu không gây tê, bé không khóc.Vết thương không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé do vết thương rất nông, không mất máu. Kết quả CT-Scanner cho thấy: hình ảnh phù não chất trắng, rộng bể lớn, không thấy bất thường xương hộp sọ, không thấy bất thường phần mềm hộp sọ. Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng nhận định tình trạng bệnh nặng của bé là do bệnh lý não bẩm sinh, nguyên nhân có thể do thai chậm phát triển trong tử cung.
Cũng theo bác sĩ Bùi Xuân Thanh, sau khi xảy ra sự cố mổ trúng đầu con anh Hồ Tiến Phúc, bác sĩ Nguyễn Hải Lê đã trực tiếp thông báo cho sản phụ Trần Thị Thanh Lan và giải thích về vết thương trên. Sản phụ Lan mang thai 37 tuần tuổi. Trong quá trình sinh con, sản phụ vỡ ối non, các bác sĩ khoa Sản đã mổ đẻ đưa cháu bé ra ngoài.
Một góc Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng.
Trẻ sơ sinh nặng hơn 1,9 kg trong tình trạng sức khỏe yếu, tím tái, suy hô hấp, được chuyển lên khoa Nhi. Qua chụp CT sọ não, bác sỹ phát hiện cháu bị phù não chất trắng diện rộng và được điều trị, nuôi dưỡng hoàn toàn bằng đường tĩnh mạch, hỗ trợ hô hấp bằng máy, trên đầu có bướu huyết thanh nhỏ.
Theo bác sĩ Thanh, 20 ngày sau ca mổ, sức khỏe trẻ sơ sinh hiện đã có tiến triển tốt nhưng vẫn đang được các bác sĩ theo dõi sát diễn biến sức khỏe và hết lòng điều trị. Đối với bác sĩ Nguyễn Hải Lê, việc gây nên vết thương là lỗi kỹ thuật có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ Nguyễn Hải Lê phải rút kinh nghiệm và bị trừ thi đua.
Trong khi đó, anh Hồ Tiến Phúc cùng gia đình rất bức xúc và cho rằng, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng chưa có động thái tích cực, chưa trực tiếp nhận trách nhiệm, bồi thường và xin lỗi gia đình. Việc bác sĩ Nguyễn Hải Lê đã trực tiếp giải thích cho sản phụ Trần Thị Thanh Lan là không trung thực, cố tình bao che cho sai sót của bác sĩ ca phẫu thuật. Sự thật là bác sĩ Nguyễn Hải Lê không thông báo vụ việc cho gia đình, đã lấy mũ đội lên đầu trẻ sơ sinh rồi đưa vào nuôi dưỡng trong lồng ấp, cố tình che giấu sự thật.
Ba ngày sau khi phẫu thuật đưa cháu bé ra ngoài, anh Phúc đã vô tình phát hiện vết thương trên đầu trẻ sơ sinh, sau đó anh dùng điện thoại chụp lại vị trí vết thương trên đầu trẻ sơ sinh.
Trước đó, ngày 14/5, chị Trần Thị Thanh Lan được gia đình chuyển tới khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng để sinh con. Bác sĩ Nguyễn Hải Lê đã tiến hành phẫu thuật theo yêu cầu (mổ dịch vụ) cho sản phụ Lan. Trong quá trình đưa trẻ ra ngoài, bác sĩ đã mổ trúng vào da đầu, gây thương tích cho con anh Hồ Tiến Phúc.
Đến nay, sau 20 ngày sau ca mổ, cháu bé vẫn đang được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch trong lồng ấp, thở bằng máy tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng trong tình trạng sức khỏe rất yếu.