Phạt nguội xe máy: Nên thực hiện thế nào?
Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), đến hết năm 2023, tổng số lượng xe máy ở Việt Nam đạt hơn 73 triệu chiếc. Đặc biệt ở Hà Nội, thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, đến tháng 11/2023, Thủ đô có hơn 8 triệu phương tiện tham gia giao thông, trong đó chủ yếu là xe máy với 6,7 triệu chiếc.
Có thể thấy hiện nay tình trạng vi phạm giao thông của xe máy là rất lớn. Vấn đề áp dụng hình thức phạt nguội đối với xe máy vi phạm giao thông là điều hợp lý. Điều này sẽ giúp cải thiện và nâng cao ý thức của tài xế xe máy, đồng thời đảm bảo trật tự và an toàn giao thông, từ đó giảm thiểu nguy cơ tai nạn.
Tuy vậy, bên cạnh đa số những ý kiến đồng tình vẫn còn nhiều băn khoăn về cách thức và lộ trình triển khai.
Như việc cần xem xét lại hiệu suất của hệ thống giám sát, cũng như trạng thái của cơ sở hạ tầng kỹ thuật và thiết bị camera giám sát hiện tại. Việc áp dụng hình phạt nguội dựa trên hình ảnh từ camera giám sát, vì vậy, điều này là vô cùng quan trọng và cần được đảm bảo. Đồng thời, cần có quy trình sàng lọc và xác định các trường hợp vi phạm sẽ bị áp dụng hình phạt nguội, không phải mọi trường hợp đều áp dụng.
Hơn nữa, nhiều người cũng bày tỏ mối lo lắng về việc xe không chính chủ vẫn còn phổ biến, do đó, cần tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ, bao gồm cả các chi phí thuế và phí, để người dân có thể chuyển đổi chủ sở hữu một cách dễ dàng.
Theo nhiều chuyên gia giao thông, việc áp dụng hình phạt nguội cần phải có một kế hoạch triển khai rõ ràng. Đầu tiên, là cần thiết phải tiến hành đăng ký biển số xe máy chính chủ trên toàn quốc. Tiếp theo, cần thiết lập quy định để các xe máy phải lắp đặt biển số trước và sau, tương tự như thực hiện ở Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Cuối cùng, là việc triển khai một hệ thống camera sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ trong việc phát hiện các phương tiện vi phạm.
Mới đây, tại hội nghị sơ kết bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý I/2024, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc xử phạt nguội với ô tô đang làm rất tốt, nhưng vi phạm của xe máy còn rất nhiều, cần có hình thức xử phạt nguội đối với phương tiện này.
Bộ trưởng Bộ GTVT nhận định, việc cải thiện hành vi của người đi xe máy chắc chắn sẽ giúp kéo giảm tai nạn giao thông trong thời gian tới.
Ủng hộ việc phạt nguội xe máy vi phạm giao thông, anh N.T.V (trú quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Mỗi ngày khi tôi di chuyển đến nơi làm việc bằng xe máy, tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp tài xế lái xe máy phóng nhanh, lạng lách, vượt ẩu và thậm chí đi trên vỉa hè.
Đặc biệt, tại các ngã ba, ngã tư, không hiếm những tình huống nguy hiểm khi các tài xế, kể cả những người lái xe công nghệ đang chở khách, vẫn liều lĩnh vượt đèn đỏ hoặc cố tình lách lên. Cũng không thiếu những trường hợp tài xế không chú ý khi rẽ trái hoặc rẽ phải, không sử dụng xi nhan hoặc tạt đầu xe khác, kể cả đối với ô tô.
Nhiều xe chở hàng cồng kềnh cũng di chuyển một cách vô trách nhiệm, lượn ngang, lượn dọc, hay cả những người lái xe trẻ tuổi vừa điều khiển tay lái vừa dùng điện thoại, đeo tai nghe.
Những tình huống này không chỉ làm tôi lo lắng mà còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác. Do đó, việc tăng cường hệ thống camera và trang bị kỹ thuật để áp dụng hình phạt nguội đối với xe máy trong thời gian tới là hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo tính khách quan và công bằng".
Hiện nay tại Hà Nội, CSGT cũng tiến hành xử phạt nguội với người điều khiển xe máy. Việc xử lý phạt nguội không chỉ được ghi nhận thông qua hệ thống giám sát mà còn từ thông tin, hình ảnh của người dân gửi cho CSGT thông qua Zalo.
Nghiên cứu việc áp dụng hình phạt nguội phổ biến đối với xe máy là hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh tình trạng vi phạm giao thông của xe máy đang diễn ra phức tạp. Phương pháp này mang lại nhiều lợi ích bởi với lực lượng thi hành ít, vẫn có thể đảm bảo công bằng, minh bạch và toàn diện, từ đó giúp tránh được tình trạng vi phạm không bị phát hiện.