Bình Thuận: Trên 33 nghìn hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt
Tỉnh Bình Thuận vừa cho biết, trên địa bàn tỉnh có 47 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh và TP. Phan Thiết bị thiếu nước sinh hoạt và có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới, ảnh hưởng đến đời sống của 33.116 hộ dân, với 99.543 nhân khẩu.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận, do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm 2024 đến nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh duy trì trạng thái nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao dẫn đến mực nước ngầm hạ thấp, lượng dòng chảy trên các sông, suối tự nhiên cạn kiệt, gây hạn hán, thiếu nước sinh hoạt và có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới, thiếu nước tưới cho cây trồng nông nghiệp.
Trong đó, đối với nước sinh hoạt, đến ngày 24/4/2024, trên địa bàn tỉnh có 47 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh và TP. Phan Thiết bị thiếu nước sinh hoạt và có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới, ảnh hưởng đến đời sống của 33.116 hộ dân/99.543 nhân khẩu; Trong đó số hộ dân và số nhân khẩu đã thiếu nước sinh hoạt trong thời gian qua là 12.517 hộ/42.277 nhân khẩu; Số hộ dân và số nhân khẩu có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới là 20.599 hộ/57.266 nhân khẩu.
Còn đối với sản xuất nông nghiệp, diện tích đã bị thiệt hại: Có 961 ha cây trồng vụ Đông Xuân năm 2023- 2024 thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất; Trong đó: Lúa 570 ha (Tánh Linh 470 ha, Đức Linh 100 ha); rau màu và thanh long 391 ha (Hàm Thuận Nam 365 ha, Đức Linh 26 ha). Diện tích đang bị thiếu nước: Có 4.672 ha cây ràu màu và thanh long tại huyện Hàm Thuận Nam. Ngoài ra có 1.175 ha cây thanh long tại huyện Hàm Tân và thị xã La Gi có nguy cơ bị thiếu nước tưới từ từ cuối tháng 4 năm 2024 nếu thời tiết không mưa…
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận thông tin cụ thể về nguồn nước đến ngày 25/4/2024, tổng lượng nước trữ tại các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh 99,47 triệu m3/363,55 triệu m3, đạt 27,36% dung tích hữu ích thiết kế, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 là 58,31 triệu m3; Tổng lượng nước tại hồ thủy điện Đại Ninh 108,45 triệu m3/251,73 triệu m3 dung tích hữu thiết kế, đạt 43,08%, cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 61,20 triệu m3 và hồ thủy điện Hàm Thuận 248,55 triệu m/522,50 triệu m3 dung tích hữu ích thiết kế, đạt 47,57%, cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 155,01 triệu m3…
Để khắc phục tình trạng thiếu nước trầm trọng như hiện nay, tỉnh Bình Thuận sẽ khai thác tối đa nguồn nước tự nhiên trên sông, suối, trữ vào ao, bể chứa nước thô tại công trình; Tăng cường khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm từ các giếng khoan, giếng đào cấp nước thô nhằm duy trì hoạt động sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, đầu tư lấy nước từ công trình thủy lợi gần nhất về bể chứa công trình cấp nước;
Vận hành tối đa công suất thiết kế của các Nhà máy nước, thực hiện phương án cấp nước luân phiên và thông báo cho chính quyền các địa phương, Nhân dân trên địa bàn biết để thực hiện phương án sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và tận dụng các nguồn nước tại chỗ phục vụ cho các mục đích khác;
Thường xuyên theo dõi, đôn đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng nước sạch trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất và dân sinh mùa khô năm 2023-2024…
Ngoài ra, địa phương này còn tích cực thực hiện nhiệm vụ tại Công văn số 707/UBND-KT ngày 04/3/2024 của UBND tỉnh về thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2024. Trong đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở các địa phương trong tỉnh, chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan báo cáo, tham mưu UBND tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ nguồn kinh phí thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn và khắc phục hậu quả do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra (nếu có) theo quy định của pháp luật.