Iran, Pakistan kêu gọi Liên hợp quốc hành động đối với Israel
Ngày 24/4, trong một tuyên bố chung, Iran và Pakistan kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có hành động đối với Israel, với lý do nước này đã nhắm mục tiêu “bất hợp pháp” vào các nước láng giềng và các cơ sở ngoại giao nước ngoài.
Tuyên bố chung do Bộ Ngoại giao Pakistan đưa ra sau chuyến thăm 3 ngày tới nước này của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi vào thời điểm căng thẳng gia tăng ở Trung Đông.
Các vụ nổ đã được nghe thấy vào thứ Sáu tuần trước (19/4), trên thành phố Isfahan của Iran mà các nguồn tin cho biết, là một cuộc không kích của Israel. Tuy nhiên, Tehran đã hạ thấp sự việc và cho biết họ không có kế hoạch trả đũa.
"Nhận thức rằng hành động của các lực lượng Israel là một sự leo thang lớn ở một khu vực vốn đã bất ổn, cả hai bên kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngăn chặn Israel có những hành động phiêu lưu trong khu vực và các hành động tấn công bất hợp pháp các nước láng giềng... ", Iran và Pakistan cho biết trong tuyên bố chung.
Các nước láng giềng Hồi giáo Iran và Pakistan đang tìm cách hàn gắn mối quan hệ sau các cuộc tấn công quân sự ăn miếng trả miếng chưa từng có trong năm nay.
Tổng thống Iran Raisi, người vừa kết thúc chuyến thăm Pakistan và bay tới Sri Lanka vào ngày 24/4 cam kết sẽ thúc đẩy thương mại giữa Iran và Pakistan lên 10 tỷ USD mỗi năm.
Trong chuyến thăm Pakistan, ông Raisi được hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran dẫn lời nói rằng, bất kỳ cuộc tấn công nào nữa của Israel vào lãnh thổ Iran có thể thay đổi hoàn toàn động lực và dẫn đến việc "chế độ theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái" không còn gì cả.
Vào ngày 13/4, Tehran đã phóng một loạt tên lửa và máy bay không người lái vào Israel nhằm trả đũa vụ tấn công của Israel vào khu đại sứ quán Iran ở Damascus vào ngày 1/4, nhưng hầu hết tất cả đều bị bắn hạ.
Pakistan trước đây đã kêu gọi "tất cả các bên giảm căng thẳng".
Trong chuyến thăm của ông Raisi, Iran và Pakistan cam kết sẽ tăng cường hợp tác thương mại và năng lượng, bao gồm cả thỏa thuận đường ống dẫn khí đốt lớn đang phải đối mặt với sự chậm trễ do các vấn đề địa chính trị và các lệnh trừng phạt quốc tế.