Đời sống

Điều chỉnh phụ tải điện: Trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn xã hội

Kim Sáng 24/04/2024 - 19:40

Trong bối cảnh nguồn cung cấp điện còn nhiều khó khăn, đặc biệt vào cao điểm nắng nóng, điều chỉnh phụ tải điện không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của ngành Điện mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội.

TPHCM và các tỉnh, thành Nam Bộ đang bước vào cao điểm nắng nóng diện rộng. Năm nay, một số nơi ở Nam Bộ đã đạt nhiệt độ cao kỷ lục.

Sản lượng tiêu thụ điện ở TP.HCM liên tiếp tăng cao và đã vượt đỉnh năm 2023 (94,8 triệu kWh - ngày 6/5/2023).

Thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ quá tải của lưới điện.

Giai đoạn hiện nay, việc điều chỉnh phụ tải điện được xem là giải pháp của toàn ngành điện lực nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần đảm bảo công tác cung ứng điện liên tục, ổn định, an toàn, đồng thời hạn chế các sự cố trên hệ thống điện, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Khi doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải điện sẽ giảm chi phí sử dụng điện do giảm nhu cầu sử dụng điện vào giờ cao điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ giảm chi phí tiền điện, giảm giá thành sản xuất sản phẩm và dịch vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

z5379307447677_b7d470532e86c75f9e24cdc7ecc9a4d3.jpg
Hội thảo: Điều chỉnh phụ tải, thực trạng và giải pháp nhằm giảm nguy cơ quá tải lưới điện.

Theo thống kê sơ bộ của ngành Điện, một số doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện đã tiết giảm được 25-30% tổng công suất tiêu thụ điện từ đó tiết kiệm được gần 15% tiền điện.

Điều chỉnh phụ tải điện (Demand Response - DR) là một trong những chương trình quản lý nhu cầu điện nhằm khuyến khích khách hàng chủ động điều chỉnh giảm nhu cầu sử dụng điện được cung cấp từ hệ thống điện quốc gia theo các tín hiệu về giá điện hoặc các cơ chế khuyến khích khi có yêu cầu của đơn vị thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải hoặc cần nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện.

Việc điều chỉnh phụ tải không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của ngành Điện, mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội, từ những khách hàng sử dụng điện sinh hoạt đến những đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ, giúp đảm bảo cung ứng điện.

Liên quan đến việc cung ứng điện trong giai đoạn hiện nay, ngày 24/4, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp Tổng Công ty điện lực TP.HCM tổ chức Hội thảo Điều chỉnh phụ tải, thực trạng và giải pháp nhằm giảm nguy cơ quá tải lưới điện.

z5379307470794_4ee54c560e5c8e07fb89673a255d81b3.jpg
Nhà báo Trần Hoàng - Tổng Biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, nhiều quy định liên quan tới điều chỉnh phụ tải điện cũng như cơ chế khuyến khích doanh nghiệp phối hợp điều chỉnh phụ tải điện như: Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, có hiệu lực (Luật số 50/2010/QH12); Quy định nội dung, trình tự thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện (Thông tư số 23/TT-BCT); Quy trình hướng dẫn thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện (Quyết định số 54/QĐ-ĐTĐL) đã được trình bày.

Cùng với đó, các chuyên gia đã phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp giải pháp phát triển doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải điện.

Các đơn vị như Cục điều tiết điện lực - Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã trực tiếp giải đáp những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp khi tham gia điều chỉnh phụ tải điện.

Nhà báo Trần Hoàng - Tổng Biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội thảo trong mùa cao điểm nắng nóng hiện nay.

1-1-.jpeg
Công nhân ngành điện căng mình làm việc giữa thời tiết nắng nóng để cung ứng điện cho người dân, doanh nghiệp.

Nhà báo Trần Hoàng cho rằng, việc làm thế nào để cung cấp điện đủ cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn là bài toán khó của ngành công thương, trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam là đơn vị chủ trì.

"Tinh thần của ngành Điện là làm thế nào đảm bảo nguồn điện cho sản xuất kinh doanh, phục vụ tốt cho người dân, để thực hiện điều đó rất cần sự phối hợp, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp...", nhà báo Trần Hoàng nói.

Nhà báo Trần Hoàng hy vọng, thông qua Hội thảo, ngành Điện cũng như các doanh nghiệp sẽ có giải pháp phù hợp, trên cơ sở đó kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam để báo cáo Bộ Công Thương, Chính phủ áp dụng vào thực tế.

Theo thống kê từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng điện thương phẩm toàn EVN đạt 62,66 tỷ kWh, tăng trưởng 11,42% so với cùng kỳ 2023. Trong đó: Công ty điện lực TP.HCM tăng 12,80%.

Kim Sáng