“Mỏi mắt” tìm sân chơi cho trẻ trong dịp hè

Đời sống - Ngày đăng : 06:03, 01/06/2016

Vui chơi giải trí là một nhu cầu không thể thiếu của con người, đặc biệt đối với trẻ em. Nhưng trong nhiều năm trở lại đây, việc tìm sân chơi an toàn cho trẻ trong mỗi dịp hè là bài toán hết sức nan giải đối với các bậc phụ huynh.

Vừa thiếu, vừa yếu

Mỗi khi hè về, phần lớn các bậc phụ huynh đều mong muốn có một không gian để con mình có cơ hội vui chơi, rèn luyện thể lực, tập luyện các môn thể thao yêu thích sau một năm học văn hóa căng thẳng. Bởi vậy, việc tạo sân chơi cho trẻ là rất quan trọng, đặc biệt trong việc phát triển thể chất và trí tuệ của các em.

Qua vui chơi, trẻ em được tương tác với bạn bè, trau dồi nhiều kỹ năng sống, hoàn thiện tính cách và thậm chí có thể được phát hiện các tài năng, năng khiếu cá nhân. Song trên thực tế, từ nhiều năm nay, tình trạng thiếu điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em diễn ra ngày càng trầm trọng.

Điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ đã ít lại phần lớn tập trung ở thành thị, dù vậy, vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Ngay như ở TP. Hồ Chí Minh, thành phố hiện đại vào bậc nhất cả nước, hiện chỉ có chưa đến 20 điểm vui chơi - giải trí và công viên quy mô lớn để phục vụ nhu cầu cho hơn 1,7 triệu trẻ em.

Các khu vui chơi đa dạng các trò chơi như: Đầm Sen, Suối Tiên, KizCity... thì phải mất vé, nên các em không thể tự do thoải mái lui tới. Đa số những điểm vui chơi miễn phí dành cho trẻ em bị xuống cấp, xập xệ, trang thiết bị lèo tèo không đáp ứng được nhu cầu vui chơi sáng tạo của trẻ. Dạo quanh những công viên lớn đều thấy sự nghèo nàn, chủ yếu là nơi để trẻ cùng cha mẹ đi dạo.

Còn ở Thủ đô Hà Nội, trong suốt mấy năm qua, số lượng điểm vui chơi dành cho trẻ em tăng lên không được là bao, các bậc phụ huynh tìm mỏi mắt vẫn chỉ được mấy điểm như: Cung Thiếu nhi Hà Nội, Công viên nước Hồ Tây, Công viên Thủ Lệ, Công viên Thống Nhất, Nhà văn hóa quận, huyện... Cũng vì địa điểm vui chơi hiếm hoi như vậy nên chỗ nào cũng quá tải, nhất là vào ngày nghỉ cuối tuần hay ngày lễ.

“Mỏi mắt” tìm sân chơi cho trẻ trong dịp hè

Trẻ em rất cần một sân chơi lành mạnh

Chị Nguyễn Thị Thư ở Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: “Mỗi khi hè đến, vợ chồng tôi hết sức đau đầu về chuyện tìm chỗ vui chơi an toàn cho con. Cả quận có mỗi Vườn hoa Hà Đông nhưng trò chơi thiếu, đến đó chỉ để đi dạo, vài lần là con chán, không chịu đi. Xa chút thì có Thiên đường Bảo Sơn, nhưng ngặt nỗi ở đó giá vé đắt đỏ, lại cách trở đường sá, không phải ngày nào mình cũng cho con đến được. Vẫn biết để con ở nhà thì sớm muộn chúng cũng dán mắt vào tivi hoặc chơi điện tử, nhưng thật sự đến giờ vợ chồng tôi vẫn chưa biết làm thế nào”.

Không chỉ riêng chị Thư, phần lớn các bậc phụ huynh đều tỏ ra lo lắng, băn khoăn khi đề cập đến vấn đề giải quyết chỗ vui chơi cho con em mình trong dịp hè. “Mấy năm nay, cứ đến hè là tôi lại phải tìm một vài trung tâm dạy kèm nào đấy để cho con đi học. Cũng chỉ là để “đốt” thời gian thôi, chứ thực ra cũng muốn con được nghỉ ngơi sau cả năm vất vả học hành. Nhưng nếu không học hè, con biết đi đâu? Điểm vui chơi thì không có, sân chơi tập thể hoặc các khoảng đất trống phần lớn đều bị người ta chiếm dụng bán hàng, bể bơi thì quá tải, mất vệ sinh trầm trọng, chả lẽ đẩy con ra đường?”, chị Ngô Thanh Bình, một giáo viên THPT ở 104 Tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội, trăn trở.

Hệ lụy từ việc thiếu sân chơi lành mạnh

Ở thành phố đã vậy, tình trạng thiếu nơi giải trí, vui chơi của trẻ em vùng nông thôn càng trầm trọng hơn nhiều. Điều này nghe có vẻ là nghịch lý, bởi ai cũng biết nông thôn đất rộng, người thưa, thế nhưng trên thực tế, tuy không gian của các em có rộng, thoáng đãng hơn, nhưng phần lớn “khuôn viên chơi” chỉ là đường làng, ngõ xóm, cánh đồng, bờ đê là chủ yếu, còn nếu muốn tìm một sân chơi thực sự an toàn, bổ ích, lành mạnh cho các em thì quả là một vấn đề nan giải. Trò chơi của phần lớn trẻ em nông thôn chỉ là đá bóng, thả diều. Chơi mãi cũng chán, nhiều em rủ nhau “trốn nắng” trong các tiệm Internet, game online.

Mấy năm gần đây, theo yêu cầu xây dựng nông thôn mới, hầu như địa phương nào cũng đều phải có nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt, nâng cao đời sống văn thể mĩ cho người dân. Không ít nhà văn hóa được xây dựng khang trang, nhưng chủ yếu phục vụ hội họp, sinh hoạt của người dân còn hoạt động cho thiếu nhi rất ít vì không có đồ chơi, dụng cụ, sách báo...

Một số nơi có tủ sách, thư viện thì chủ yếu là sách báo cũ, đầu sách dành cho thiếu nhi nghèo nàn, lại không mở cửa thường xuyên. Nhiều hội trường nhà văn hóa chủ yếu được dùng làm nơi hội họp của chính quyền và các đoàn thể, còn sân thì dành cho người dân phơi rơm, thóc mỗi khi mùa màng đến.

“Mỏi mắt” tìm sân chơi cho trẻ trong dịp hè

Tắm sông, một trò chơi mạo hiểm của trẻ em nông thôn

Anh Lê Văn Hùng, một cán bộ đoàn của xã Văn Võ (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: "Vào mùa hè trẻ em chỉ có thể chơi trong khu dân cư, quanh quẩn với các trò thả diều, nhảy dây, bắn bi, hoặc rủ nhau ra sông tắm. Thiếu sự quản lý của gia đình nhiều em sa đà vào các trò game online, hoặc lang thang chơi các trò chơi vô bổ. Thiếu nơi vui chơi, giải trí là một trong những lý do dẫn đến một bộ phận trẻ em hư hỏng, tụ tập đánh nhau, hoặc say “game” quên ăn, quên học…

Thiếu sân chơi cũng là nguyên nhân chính khiến các em tham gia vào các trò chơi nguy hiểm dẫn đến những tai nạn thương tích không đáng có. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì hàng năm, số tai nạn thương tích luôn tăng mạnh vào dịp hè mà đa phần đều xảy ra ở vùng nông thôn. Tại nhiều vùng nông thôn, trẻ thường tìm đến những trò chơi bạo lực, thiếu lành mạnh trên Internet dẫn đến ẩu đả, đánh lộn gây thương tích, làm mất trật tự an toàn xã hội.

Một thú vui khác mà trẻ em nông thôn thường tìm đến trong mỗi dịp hè đến là đi tắm sông, hồ. Thú vui đó, tiềm ẩn quá nhiều nguy hiểm. Theo thống kê từ Bộ Y tế và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF), trung bình mỗi ngày có khoảng 10 trẻ tử vong do đuối nước, đa số tai nạn xảy vào mùa hè. Chỉ tính riêng trong mấy ngày vừa qua, trên cả nước đã xảy ra hàng chục vụ trẻ em tử nạn vì đuối nước. Đặc biệt, trong ngày 29/5, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã liên tiếp xảy ra 3 vụ, cướp đi sinh mạng của 5 học sinh.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký Công ước về quyền trẻ em. Mà quyền trẻ em không thể thiếu là quyền được vui chơi, giải trí. Việc chuẩn hóa sân chơi cho trẻ em cũng đã được đề cập trong các quy phạm pháp luật.

Cụ thể, trong Quyết định 37/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tạo môi trường sống an toàn, thân thiện với trẻ em; để tất cả trẻ em đều có sự khởi đầu tốt đẹp nhất trong cuộc sống, có cơ hội phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần và nhân cách.

Trong đề án Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2020 cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 45% xã, phường có điểm vui chơi dành cho trẻ em; 40% huyện và 100% tỉnh có nhà văn hóa thiếu nhi; quy hoạch mạng lưới các trung tâm vui chơi, giải trí, các nhà thiếu nhi cấp tỉnh và cấp huyện, điểm vui chơi giải trí cấp xã hoặc liên xã dành cho trẻ em...

Tuy nhiên, để thực hiện thành công những vấn đề trên cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, sự quan tâm của chính quyền địa phương; có những chính sách bắt buộc các khu đô thị, các trung tâm thương mại phải có khu vực vui chơi, giải trí dành cho trẻ em; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao dành cho trẻ em. Bởi, việc xã hội hóa trong tổ chức, xây dựng các điểm vui chơi cho trẻ em, phần nào giảm bớt áp lực về ngân sách, điều hành cho Nhà nước. 

Tại Đà Nẵng, trong nhiều năm trở lại đây, việc xã hội hóa điểm vui chơi đã được chính quyền thành phố này đặt ra và khuyến khích người dân đầu tư nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày một tăng của trẻ em và cả người lớn. Việc tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm, hỗ trợ về chi phí thuê mặt bằng đã giúp người dân yên tâm bỏ tiền túi ra đầu tư những sân chơi hiện đại với trang thiết bị phong phú, hấp dẫn đối với trẻ em.

Những điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em được xã hội hóa, phát triển có hiệu quả của thành phố bên sông Hàn này đã phần nào đáp ứng được nhu cầu vui chơi của trẻ em, để từng bước giúp các em phát triển hài hòa, toàn diện về thể chất và tâm hồn. Đó cũng là một tín hiệu vui, một cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần và từng bước hình thành nhân cách của trẻ em.

Theo ước tính, nước ta hiện có khoảng 23,63 triệu trẻ em (dưới 15 tuổi), chiếm 27,5% dân số, và số lượng trẻ em tăng dần theo từng năm (dự báo sau năm 2020 tỷ lệ dân số trẻ em sẽ tăng lên 30%).Trong khi đó, số lượng điểm vui chơi, giải trí cho trẻ vừa thiếu vừa yếu.

Tính đến nay, cả nước mới có khoảng 170 điểm vui chơi cấp tỉnh, hơn 870 điểm vui chơi cấp huyện, khoảng 4.500 điểm vui chơi cấp xã, phường, hơn 4.150 nhà văn hóa cấp xã, hơn 37.000 nhà văn hóa thôn, bản. Một con số quá khiêm tốn, rất khó để đáp ứng nhu cầu vui chơi cho trẻ em trên toàn quốc.

 

Nam Hoàng