Ký ức thời binh lửa
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về thời binh lửa vẫn còn in đậm trong tâm trí của nhiều cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Đối với họ, những ngày tháng “khoét núi, ngủ hầm” để làm nên một chiến thắng “lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu” mãi mãi là những ngày tháng hào hùng, không thể nào quên.
Bảo vệ từng tấc đất, từng mét hào
Cũng như bao người dân Việt Nam sinh ra và lớn lên trong thời chiến tranh, li loạn, tuổi thơ của cụ Tạ Đức Cựa (hiện ở xã Thanh An, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) gắn liền với những tháng ngày cơ cực, lầm than.
Quê cụ Cựa ở miền lúa Thái Thụy, Thái Bình. Tuy là cái vựa lúa lớn nhất của đồng bằng Bắc bộ, nhưng vì thiên tai địch họa, vì chế độ cai trị hà khắc của đế quốc Nhật và thực dân Pháp, nên quê cụ Cựa lại là “tâm điểm” của nạn đói năm 1945.
Ngay từ nhỏ, khi phải chứng kiến người thân ruột thịt của mình sống trong tận cùng thiếu thốn, lầm than, đói khổ, cụ Cựa đã nuôi chí căm thù giặc. Khi lớn lên, được các tầng lớp cha anh giác ngộ cách mạng, các anh em cụ đều tham gia hoạt động cách mạng.
Cụ Cựa kể: “Hồi đó, khái niệm về cách mạng, về bộ đội còn mơ hồ lắm nhưng khi gặp các anh bộ đội thấy các anh ai cũng khỏe mạnh, hiền lành, đánh được bọn Tây là thanh niên trong làng ai cũng ngưỡng mộ. Tôi và các bạn tạm biệt người thân rồi xung phong xin đi bộ đội”.
Lúc đó, cụ Cựa vừa tròn 22 tuổi. Sau vài tháng huấn luyện cấp tốc, cụ Cựa được biên chế vào Tiểu đoàn 255, Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316, chiến đấu dọc theo Quốc lộ 6, từ Hòa Bình qua Sơn La lên Lai Châu.
Theo cụ Cựa, cuộc đời cụ có 2 vinh dự lớn, đó là lần duy nhất được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trực tiếp cầm súng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Vào khoảng cuối tháng 10 năm 1953, khi Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, Đại đoàn 316 của cụ Cựa được lệnh hành quân và đóng chốt tại khu Đông (thuộc xã Tà Lèng, TP Điện Biên Phủ bây giờ) với nhiệm vụ mở đường kéo pháo từ Nà Nhạn vào dốc Tà Lèng.
Khoảng thời gian đó, Điện Biên mưa không dứt, đất đá ngổn ngang, đường trèo lên hụp xuống. Khắp mọi ngả rừng, những lạch nước sói siết lạnh như kim châm lạnh lùng chảy như khoan vào đất núi. Quyết tâm làm con đường kéo pháo bằng mọi giá, cụ Cựa và đồng đội làm suốt ngày đêm không nghỉ. Gian khổ không kể xiết, ăn uống thiếu thốn, quần áo anh em chiến sỹ trong nhiều ngày trời không được giặt nên đều đổi từ màu xanh sang màu vàng của đất.
Thế nhưng ngặt nỗi nhiều khi đường vừa làm xong, chỉ cần một trận mưa lớn là cả ngàn mét khối đất núi tan rữa trong nước như một thứ nước súp bùn đặc sệt, dội xuống như thác. Kèm theo mưa không kịp vuốt mặt, những tảng đá ầm ầm lao xuống như đàn thú chạy trối chết trong cơn động rừng. Đường kéo pháo biến mất.
Những người lính Đại đoàn 316 lại phải làm lại con đường từ đầu, từ trong lũ đá, lũ bùn. Mãi rồi cũng hoàn thành, Trung đoàn 174 của cụ Cựa lại được giao nhiệm vụ mới: Đào hào từ khu Đông ra khu vực A1.
Được trực tiếp tham gia tấn công, tiêu diệt cứ điểm đồi A1 với cụ Cựa và anh em đồng đội đơn vị là niềm vinh dự, tự hào lớn lao. Khi đó, cứ điểm đồi A1 là điểm quan trọng nhất trong hệ thống phòng thủ bảo vệ trung tâm Mường Thanh của quân Pháp.
Do đó, ai ai cũng phấn chấn và quyết tâm cao hoàn thành nhiệm vụ. Khi 3 tiểu đoàn của Trung đoàn 174 đồng loạt tấn công vào đồi A1, do thời gian kéo dài nên quân ta bị thương vong rất nhiều. Hỏa lực địch bắn ra chia cắt đội hình, gây tổn thất lớn cho ta.
Đại đội của cụ Cựa ngoài những chiến sỹ hy sinh, số bị thương nặng cũng khá lớn. Bản thân cụ bị 1 mảnh đạn găm vào xương sống và được chuyển ra Mường Phăng điều trị 1 tuần.
Cứ một người bị thương lại mất 2 người khiêng đưa ra phía sau nhưng quân số, lực lượng luôn được bổ sung kịp thời, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất, từng mét hào chiếm được. Bởi ai cũng biết, giải phóng đồi A1 nhanh ngày nào, giờ nào, phút nào, quân mình đỡ đổ máu, thương vong hơn.
Những người không bị thương nặng ở tay và chân, chỉ băng bó, sơ cứu lại hăng hái, gắng sức xin ra chiến đấu. Khó khăn nhưng ai ai cũng rực lên niềm tin chiến thắng. Và niềm tin ấy đã biến thành sự thật, khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm Đờ Cát vào chiều 7/5 lịch sử.
Vững vàng trên mâm pháo
Cũng quê lúa Thái Bình, cũng nghe theo lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ, năm 1949, cụ Phạm Đức Cư ( hiện ở bản Ten B, đội 4, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) lên đường tòng quân khi mới vừa tròn 19 tuổi.
Những ngày đầu tiên trong quân ngũ, cụ Cư thuộc biên chế của một đại đội bộ binh. Bằng những thành tích xuất sắc đã đạt được, năm 1952, cụ được chọn đi học lớp pháo cao xạ ở Trung Quốc.
Với tầm quan trọng của khóa học, trước khi đi, đoàn học viên quyết tâm, hứa với Đảng, Nhà nước và tự hứa với lòng mình sẽ đoàn kết, khắc phục khó khăn, phấn đấu học tập tốt để về nước, phục vụ nước nhà, phục vụ Nhân dân.
Suốt cả khóa học, cụ Cư đã làm đúng những gì đã hứa với Đảng, Nhà nước. Sau hơn 1 năm miệt mài học tập, rèn luyện, cụ Cư về nước và được biên chế vào Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367 pháo cao xạ - Trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập ngày 01/4/1953 tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Cuối năm 1953, đơn vị cụ Cư cùng với Tiểu đoàn pháo cao xạ 383 nhận lệnh lên Điện Biên tham gia chiến dịch Trần Đình (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ).
Tháng 01 năm 1954, các đơn vị công binh ngày đêm liên lạc mở đường cho các đơn vị pháo binh, bộ binh tiến vào lòng chảo Mường Thanh tiếp cận các cứ điểm của quân địch. Cụ Cư và các đồng đội được lệnh kéo pháo vào trận địa.
Theo lệnh của cấp trên, Tiểu đoàn 383 chiếm lĩnh ở sườn núi phía Đông Nam, còn Tiểu đoàn 394 của cụ Cư chiếm lĩnh bên sườn núi phía Tây Nam lòng chảo Mường Thanh. Hai Tiểu đoàn bố trí thế trận hình cánh cung ôm lấy lòng chảo, hình thành lưới lửa phòng không khống chế vùng trời Điện Biên, chiến đấu với không quân của địch, bảo vệ cho bộ binh chiến đấu, xây dựng cơ động 41 trận địa pháo.
“Pháo thì nặng, đường chủ yếu mới mở, vừa hẹp, vừa dốc. Đó là chưa kể đến những hôm trời mưa, đường trơn trượt, lầy lội. Có những đoạn một bên vách núi, một bên là vực thẳm. Trên đầu thì địch không ngừng bắn phá, gian khó vô cùng. Bấy giờ, chúng tôi ai cũng lấm lem bùn đất, chân tay xước xát máu me, hai mắt trũng sâu, thâm quầng vì đói ăn, vì thiếu ngủ. Thế nhưng tất cả đều mang trong mình quyết tâm đánh địch. Quyết tâm dù gian khổ đến đâu cũng phải kéo pháo vào trận địa cho bằng được”, cụ Cư kể.
Sau khi kéo pháo vào đến trận địa, tất cả đều mong chờ ngày khai hỏa, thế nhưng sau đó cụ Cư và đồng đội lại nhận lệnh kéo pháo ra. Cụ Cư kể: “Lúc đó chúng tôi ai cũng ngỡ ngàng, băn khoăn với nhiều câu hỏi. Sau khi được Tiểu đoàn trưởng Phạm Đăng Ty cho biết rằng tinh thần chiến dịch không thay đổi, nhưng chiến thuật thay đổi, vì địch có động thái mới. Bộ Chỉ huy chiến dịch đã chuyển từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc. Lúc bấy giờ anh em trong Tiểu đoàn mới yên tâm”.
Từ chập tối ngày 26/1/1954, cụ Cư cùng đồng đội lại bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ kéo pháo về địa điểm tập kết. Thế nhưng việc kéo pháo vào đã gian khổ, kéo pháo ra còn khó khăn, gian khổ gấp trăm lần. Dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Trịnh Duy Hậu, lần lượt các khẩu pháo của Tiểu đoàn 394 đều được kéo ra. Chỉ đến khẩu pháo cuối cùng do đồng chí Tô Vĩnh Diện làm Khẩu đội trưởng không may gặp bất trắc.
“Khi khẩu pháo của Khẩu đội anh Tô Vĩnh Diện đang xuống dốc thì một chùm pháo của địch bắn ra khiến nhiều đồng chí bị thương. Đến đoạn dốc Chuối, một trong hai dây tời để kéo pháo bị trúng đạn và đứt. Khẩu pháo bắt đầu quay ngang, quay dọc và lăn xuống dốc. Lúc này anh Diện xoay xở, tìm mọi cách để đẩy được khẩu pháo vào taluy dương để pháo không bị lăn xuống vực. Pháo được cứu nhưng anh Diện cũng hy sinh. Ngay cả trước khi nhắm mắt, anh ấy vẫn còn hỏi đồng đội: “Pháo có sao không?””, cụ Cư xúc động kể.
Sự hy sinh của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Vĩnh Diện càng làm trỗi dậy quyết tâm đánh thắng quân thù của các chiến sĩ pháo cao xạ trong Tiểu đoàn 394. Tất cả đều tự hứa sẽ “đánh đẹp, thắng đẹp” để không phụ lòng người Khẩu đội trưởng đã lấy thân mình cứu pháo. Chính vì quyết tâm ấy mà trong suốt 56 ngày đêm, dẫu địch điên cuồng bắn phá, cụ Cư và đồng đội vẫn kiên cường trên mâm pháo.
“Khi chiến dịch kết thúc chiều ngày 7/5/1954, chúng tôi vừa ôm nhau, vừa khóc cười lẫn lộn. Lúc bấy giờ, khắp lòng chảo Mường Thanh đều vang tiếng hò reo”, cụ Cư nhớ lại.
Bảy thập kỷ đã trôi qua, kể từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cả cụ Cư và cụ Cựa vẫn giữ nguyên phẩm chất người lính Cụ Hồ. Sau ngày đất nước giải phóng, nhìn thấy nhiều đồng đội trở lại miền xuôi, nơi có gia đình, người thân, bè bạn, hai cụ cũng đã từng có ý định “khăn gói” rời xa mảnh đất hoang sơ, đổ nát vì vết tích chiến tranh. Nhưng vì không nỡ rời xa nơi đã ghi dấu một thời oanh liệt của mình cùng đồng đội, thế nên thay vì trở lại quê cũ Thái Bình, cả hai cụ đều quyết tâm ở lại Điện Biên, để góp phần công sức hồi sinh mảnh đất này từ hoang tàn lửa đạn.