Phóng sự - Ghi chép

Trang nhật ký về một thời lửa đạn của người lính quân y

Gia Ân-Hải Yến 24/04/2024 - 07:09

12 năm trong quân ngũ, đã tham gia không biết bao trận đánh ác liệt, tàn khốc, nhiều lúc cận kề, đối diện với cái chết, nhưng chiến sĩ Đặng Duy Huỳnh ở xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) vẫn quyết tâm giữ bằng được những tập nhật ký, với ông, đó là tài sản có giá trị nhất trong ngày trở về.

Tuổi trẻ với những hoài bão và lý tưởng cao đẹp

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng của tuổi trẻ vẫn luôn hiển hiện trước mắt người cựu chiến binh Đặng Duy Huỳnh ở xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) qua những trang nhật ký thấm đẫm tình người, chứa chan tình cảm. Những tờ giấy pơ - luya được gấp phẳng phiu, nét chữ ngay ngắn, thẳng hàng được ông cất giữ cẩn thận như “báu vật”.

Dưới ngòi bút của ông, lịch sử được tái hiện lại như một bức tranh sinh động, đầy màu sắc với những suy tư và tâm tình của người lính quân y đến từ miền Tây xứ Nghệ.

33333(1).jpg
Ông Đặng Duy Huỳnh cùng 99 người bạn cùng khóa học được điều động vào chiến trường Đông Nam Bộ.

Ngược dòng ký ức, vào năm 1970, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang vô cùng ác liệt, chiến trường miền Nam cần chi viện sức người, đặc biệt là lực lượng y, bác sĩ để chăm sóc, cứu chữa thương binh, ông Đặng Duy Huỳnh lúc đó vừa tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Hà Nội cùng 99 người bạn cùng khóa được điều động vào chiến trường Đông Nam Bộ.

Trước khi lên đường, chàng trai Đặng Duy Huỳnh được về thăm nhà và lập gia đình với cô giáo trường làng. Ngay sau đó, lại vội vàng ra Thủ đô huấn luyện để chờ ngày vào chiến trường. Đầu năm 1971, ông Đặng Duy Huỳnh đã trở thành chiến sĩ quân y.

111.jpg
Các tập nhật ký được tác giả đặt tên chung là "Đi chiến dịch"

Với tâm hồn lãng mạn đang căng tràn nhựa sống, hành trang mang theo bên mình của những người lính trẻ ra đi từ giảng đường đại học lúc bấy giờ, ngoài quân phục, vũ khí, thuốc men và các loại nhu yếu phẩm còn có tập giấy pơ - luya và mấy chiếc bút bi. Họ hay có thói quen ghi chép những câu chuyện xảy ra hàng ngày và bộc bạch những suy tư, gửi gắm những nỗi niềm của mình về thời cuộc.

Để rồi, khi cuộc chiến đi qua, có không ít những tập nhật ký có giá trị văn học, bổ sung vào nguồn tư liệu lịch sử, giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về người lính thời chiến.

Điển hình trong số đó, phải kể đến “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” và “Mãi mãi tuổi 20” của Nguyễn Văn Thạc, cả hai tác giả mặc dù đã hy sinh trong cuộc chiến, nhưng tên tuổi vẫn còn sống mãi với những dòng nhật ký của mình.

anh-4.jpg
Ông Đặng Duy Huỳnh (trái) cùng đồng đội thời quân ngũ

Nhật ký của ông Đặng Duy Huỳnh gồm có 6 tập, là những dòng ghi chép chiến sự, công việc, sinh hoạt và tâm tư trong quãng thời gian 5 năm (từ 1971-1975) của một người lính quân y.

Những dòng chữ đầy cảm xúc

Cuốn nhật ký của ông Đặng Duy Huỳnh tuy đã nhuốm màu thời gian, nhưng từng trang giấy vẫn hiện rõ nét chữ dứt khoát với cách hành văn đầy cảm xúc. Những niềm vui, nỗi buồn thường nhật ở chiến trường đều được ông ghi chép lại cẩn thận, chứa chan tình cảm.

Khi nghe tin đồng đội không may hy sinh, ông đã viết trong đau đớn, tiếc thương: “Tin báo về Thích đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bên Trảng Bàng (lọt vào trận địa tăng của địch).

5.jpg
Ông Đặng Duy Huỳnh (thứ 2, bên phải) cùng đồng đội đi tìm hài cốt liệt sĩ.

Mới hôm qua, mình vào cổng Tham mưu gặp Thích đi ra với khẩu AK, không kịp chuyện trò, chỉ chào nhau một câu thôi. Thôi rồi! Thích sẽ nằm lại trên mảnh đất này khi chiến thắng đang dồn dập. Vĩnh biệt Thích nhé!”.

Bên cạnh đó, có những trang viết lại ghi cảnh chiến trường đầy ác liệt, hiểm nguy như: “4h30 phút, B52 đánh trúng bãi để xe, nhưng xe chỉ bị cây đè.

Đang nghỉ trưa, bất thình lình nhảy ra khỏi võng, men tới cửa hầm thì loạt bom đầu đã nổ hết. 5h chiều cả đoàn qua sông Sài Gòn… Đúng là thần chết đang ở trước mặt, mấy chiếc trực thăng quần mấy vòng, cả đoàn chỉ có 1 khẩu AK, xác định nếu nó phát hiện được, một là bị bắt sống, và hai là bị bắn chết…”.

May mắn hơn chị Đặng Thùy Trâm, anh Nguyễn Văn Thạc và những đồng đội khác đã anh dũng hy sinh, chiến sĩ quân y Đặng Duy Huỳnh được có mặt trong ngày Đại thắng mùa Xuân 1975, được chứng kiến phút giây chiến thắng và niềm hạnh phúc vỡ òa của toàn dân tộc sau bao nhiêu năm chờ đợi.

Trong giờ phút thiêng liêng ấy đã được ông ghi lại: “30/4, vào lúc 17 giờ 30. Rạo rực, vui sướng biết bao. 17 giờ, Đài báo tin Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng. Mình vẫn nghĩ rồi phải mất mấy tuần mới chiếm được Sài Gòn là nhanh.

8.jpg
Đoàn thanh niên Bộ tư lệnh cảnh vệ và tập đoàn dầu khí tặng quà nhân ngày 27/7.

Không khí hôm nay khác hẳn, mọi người cả nhân viên và thương binh đều phấn khởi, không khí chiến thắng rộn hẳn lên. Ngày ký Hiệp định Paris mừng nhưng vẫn còn kẻ thù, song kẻ thù giờ đã đầu hàng vô điều kiện. Tiếc là không có cái máy nào để ghi lại tâm trạng mọi người lúc này và không khí hôm nay. Vui sướng và rạo rực làm sao…”.

Hiện nay, những tập nhật ký chiến trường đang được ông Đặng Duy Huỳnh gìn giữ và bảo vệ cẩn thận cùng những kỷ vật gắn liền với thời chiến như đèn pin, ba lô, bi đông đựng nước… Với ông, đây là gia tài quý giá giúp ông luôn nhớ, tự hào và khắc ghi về những năm tháng oanh liệt, hào hùng của tuổi trẻ.

Gia Ân-Hải Yến