Đời sống

Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ đã hết thiếu máu

Phú Khởi 19/04/2024 - 11:11

Ngày 19/4, Bác sỹ Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP. Cần Thơ cho biết, đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện đã có đủ số lượng đơn vị máu phục vụ công tác điều trị tại bệnh viện và đáp ứng yêu cầu cung cấp cho 74 bệnh viện trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Như Báo Công lý đã thông tin, do chậm trễ trong công tác đấu thầu, từ tháng 3/2023, Bệnh viện Huyết học – Truyền máu TP. Cần Thơ đã rơi vào tình trạng thiếu máu cung cấp cho các bệnh viện tại khu vực ĐBSCL. Nguyên nhân thiếu máu kéo dài là do Bệnh viện gặp khó khăn trong công tác đấu thầu mua vật tư y tế, hóa chất sàng lọc để tiếp nhận máu tại chỗ.

bv-huyet-hoc-can-tho.jpg
Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ đã hết thiếu máu

Để đáp ứng yêu cầu cung cấp từ 2.800 – 3.000 đơn vị máu/tuần, (tương đương 12.000 – 15.000 đơn vị/tháng), Bệnh viện Huyết học – Truyền máu TP. Cần Thơ đã phải nhờ nguồn chi viện từ 3 đơn vị tuyến trên là Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP. HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy trong suốt thời gian dài, rất khó khăn và không đủ đáp ứng yêu cầu cung cấp cho 74 bệnh viện tại khu vực ĐBSCL.

Tại buổi họp báo quý I/2024, diễn ra vào ngày 19/4, Sở Y tế Cần Thơ cho biết về đấu thầu thuốc: Năm 2023, UBND TP. Cần Thơ đã chấp thuận chủ trương giao Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ thực hiện đấu thầu thuốc tập trung với danh mục thuốc mở rộng cho tất cả các bệnh viện của toàn thành phố năm 2023 - 2025 theo Quyết định 386/QĐ-UBND ngày 21/02/2023.

Tính đến nay, đã có kết quả đấu thầu thuốc 10/10 gói (tổng giá trị trúng thầu: khoảng 2.606 tỷ đồng) phục vụ điều trị trong 24 tháng (năm 2023-2025). Như vậy, về mặt hàng thuốc, cơ bản đáp ứng được nhu cầu cho công tác khám điều trị tại các bệnh viện địa phương.

Về hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế: Năm 2023, các Bệnh viện tự tổ chức đấu thầu mua sắm. Công tác triển khai thực hiện các thủ tục mua sắm và trình cấp thẩm quyền phê duyệt bị chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Các bệnh viện đang triển khai đấu thầu mua sắm theo quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của UBND TP. Cần Thơ.

Hiện nay, đã có 15 Bệnh viện đã hoàn thành tổ chức lựa chọn nhà thầu hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế như: Bệnh viện đa khoa quận Ô Môn: 4/4 gói; Bệnh viện đa khoa quận Thốt Nốt: 2/2 gói; Bệnh viện Huyết học Truyền máu: 13/14 gói (hủy 01 gói do không có nhà thầu tham dự); Bệnh viện Tai Mũi Họng: 2/2 gói; Bệnh viện Quân dân y: 3/3 gói;

Bệnh viện Y học cổ truyền 3/3 gói; Bệnh viện Lao và Bệnh phổi 3/3 gói; Trung tâm Y tế huyện Thới Lai 3/3 gói; Bệnh viện Tâm thần 3/3 gói; Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Thạnh 3/3 gói; Bệnh viện Da liễu 3/3 gói, TTYT Phong Điền 2/2 gói, TTYT Bình Thuỷ 2/2 gói, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 2/2 gói; Bệnh viện Ung bướu 4/4 gói.

Trong đó, có 5 đơn vị đã có kết quả một phần và đang tiếp tục khẩn trương tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định như: Bệnh viện Phụ sản: 6/7 gói; Bệnh viện Tim mạch 10/11 gói; Bệnh viện Mắt - RHM 1/2 gói; Bệnh viện Nhi đồng 6/10 gói; Bệnh viện Đa khoa thành phố 2/4 gói.

Đánh giá chung về nguyên nhân còn chậm trễ trong công tác đấu thầu mua hóa chất, vật tư, y tế được Sở Y tế Cần Thơ nêu ra là do: Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp e ngại cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công, do giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu và thanh toán phức tạp, số lượng dự trù ít và giá trị thấp.

Việc đấu thầu tập trung cấp quốc gia có kết quả không đầy đủ theo danh mục, khiến bệnh viện phải sử dụng hết lượng dự trữ và tự mua, dẫn tới không chủ động được số lượng và thời gian mua.

Một số thuốc đặc trị (sốt xuất huyết, tay chân miệng) có trúng thầu tại đơn vị, nhưng không được cung ứng đầy đủ do bị đứt nguồn hàng, nguyên nhân do công ty chưa nhập khẩu kịp hoặc không đủ nguyên liệu để sản xuất.

Một số đơn vị nợ tiền thuốc, vật tư y tế kéo dài nên các công ty trúng thầu không cung ứng hàng hóa.

Việc giải quyết thủ tục mua sắm (xin chủ trương, ban hành quyết định mua sắm, phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu) của các cơ quan có thẩm quyền mất rất nhiều thời gian và công sức để giải trình.

Các văn bản quy phạm pháp luật đối với công tác mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế còn nhiều bất cập. Trong đầu năm 2023, các cơ quan thẩm quyền có ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhiều văn bản liên quan đến công tác mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị nên phần nào cũng ảnh hưởng đến tiến độ việc thực hiện.

Mặt khác, do đây là năm đầu tiên áp dụng đấu thầu qua mạng theo quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/5/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhân sự thực hiện chưa có kinh nghiệm, hệ thống đăng tải chậm do đăng tải số lượng nhiều mặt hàng nên dẫn đến kết quả thực hiện chậm so với yêu cầu.

Để khắc phục tình trạng trên, Sở Y tế Cần Thơ đề ra giải pháp: Sở sẽ tiếp tục đôn đốc các bệnh viện khẩn trương thực hiện mua sắm nhằm cung ứng kịp thời đáp ứng nhu cầu điều trị tại đơn vị; phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND thành phố để trình HĐND TP. Cần Thơ sớm ban hành sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐND ngày 11/7/2018 về quy định phân cấp thẩm quyền quyết định đối với tài sản công thuộc địa phương quản lý. Nhằm giao quyền tự chủ tự quyết trong vấn đề mua sắm để các đơn vị chủ động thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh phục vụ điều trị.

Phú Khởi