Sự phối hợp, giúp đỡ của cố vấn Trung Quốc trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Chiến thắng vĩ đại của Chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện tình hữu nghị sâu đậm "vừa là đồng chí vừa là anh em", là mốc son lịch sử góp phần tăng cường hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam - Trung Quốc.
Những năm 1950-1954, thực hiện thỏa thuận giữa Trung ương Đảng, Quân ủy và Bộ Quốc phòng hai nước, cùng với sự chi viện về vật chất, Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc đã sang công tác bên cạnh Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Các cố vấn Trung Quốc đã tham gia nhiều ý kiến đối với các hoạt động tác chiến của bộ đội chủ lực Việt Nam trên chiến trường chính Bắc Bộ.
Trong tổng số 50 chiến dịch lớn nhỏ ta tiến hành thời gian này, Đoàn cố vấn quân sự tham gia 7 chiến dịch, trực tiếp giúp đỡ một số đơn vị chủ lực Việt Nam tác chiến. “Hầu hết các chiến dịch đều giành thắng lợi, có chiến dịch thắng lợi vượt mức kế hoạch đề ra như chiến dịch Biên giới, nhưng cũng có chiến dịch không đạt yêu cầu chiến lược như ba chiến dịch đầu năm 1951”.
Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với một số lượng vật chất, vũ khí, phương tiện, Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc đã tham mưu các chủ trương, biện pháp điều hành tác chiến, phối hợp, giúp đỡ và cùng các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy của ta xây dựng kế hoạch, góp phần vào thắng lợi.
Đoàn Cố vấn Trung Quốc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ có nhiều cấp, đi cùng Bộ chỉ huy Chiến dịch và các đơn vị của ta. Cấp Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh có: Vi Quốc Thanh - Trưởng đoàn cố vấn quân sự, Mai Gia Sinh – Phó đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Đoàn; Đặng Dật Phàm, Trưởng nhóm Cố vấn chính trị Đoàn cố vấn quân sự - cố vấn công tác chính trị; Nhữ Phu Nhất - cố vấn Cục Tác chiến.
Cùng với đó là cố vấn cho các đại đoàn và các lực lượng binh chủng, ngành, cố vấn cấp trung đoàn, cán bộ giúp việc, cảnh vệ, phiên dịch cho các lãnh đạo Đoàn.
Quá trình phối hợp, giúp đỡ của Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc với lãnh đạo, chỉ huy và các đơn vị ta có thể khái quát ba nội dung sau:
1- Cố vấn quân sự phối hợp với cán bộ tham mưu tác chiến của ta khảo sát, chuẩn bị chiến trường, xây dựng phương án tác chiến chiến dịch
Ngày 10/10/1953, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo với Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã bổ nhiệm ông Vi Quốc Thanh làm Trưởng đoàn Cố vấn quân sự cho Quân đội nhân dân Việt Nam, phụ trách các hoạt động quân sự, xây dựng quân đội và hậu cần; ông La Quý Ba làm Cố vấn trưởng chính trị phụ trách các vấn đề về đảng, quản lý công và các chính sách của chính phủ.
Ngày 25/10, ông Vi Quốc Thanh đến Việt Bắc, ngày 27/10, gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hạ tuần tháng 10/1953, với sự phối hợp và giúp đỡ của tình báo Trung Quốc, ta đã có trong tay bản kế hoạch Nava. Chuẩn bị cho chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 của Việt Nam, Trưởng đoàn Vi Quốc Thanh, Tham mưu trưởng đoàn Mai Gia Sinh và một số cán bộ, cố vấn tham mưu, chính trị, hậu cần tích cực tham gia cùng với các tướng lĩnh Việt Nam trong khảo sát, lên kế hoạch và chuẩn bị chiến trường.
Theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Vi Quốc Thanh bàn bạc và nhất trí đề nghị lên Tổng Quân ủy và Bộ Chính trị phương hướng tác chiến trong Đông Xuân 1953-1954. Sau khi chủ trương đó được Tổng Quân ủy và Bộ Chính trị thông qua, Bộ Tổng tham mưu đã khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến.
Ngày 19/11/1953, tại ATK Định Hóa (Thái Nguyên), Bộ Tổng tư lệnh triệu tập hội nghị quân chính từ cấp trung đoàn trở lên để phổ biến kế hoạch tác chiến Đông Xuân. Hội nghị đang họp thì được tin ngày 20/11, quân Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ. Ngày 23/11, kết luận hội nghị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh, vô luận tình hình thay đổi thế nào, việc quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản có lợi cho ta. Hội nghị sắp kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, bày tỏ sự nhất trí với phương án tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh và nhấn mạnh: “Vì tình hình địch có thể còn thay đổi, nên các chú phải luôn luôn nắm vững phương châm chỉ đạo tác chiến mà Bộ Chính trị đã đề ra là: Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”.
Sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái cùng một số cán bộ tham mưu tập trung nghiên cứu tình hình Tây Bắc. Đại tướng hội ý với ông Vi Quốc Thanh về một số vấn đề như: Ý đồ của Pháp khi xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm? Khi đại bộ phận chủ lực ta đã tiến sâu vào Tây Bắc, liệu địch có khả năng đánh ra vùng tự do ở Trung du và Việt Bắc hay không?... Cả hai cùng cho rằng: chúng ta phải tỉnh táo đề phòng và việc điều động các đơn vị chủ lực phải được tiến hành từng bước.
Ngày 26/11/1953, một bộ phận của tiền phương Bộ Tổng tư lệnh lên đường đi Tây Bắc. Cơ quan Tham mưu do Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Tổng tham mưu phó phụ trách. Cùng đi có Cục phó Cục Quân báo Cao Pha và các bộ phận tác chiến, thông tin, cơ yếu... Về phía Đoàn cố vấn có Mai Gia Sinh và một số cố vấn tham mưu. Ngày 30/11, đến Nà Sản, đồng chí Hoàng Văn Thái và cố vấn Mai Gia Sinh dừng lại một ngày để nghiên cứu tập đoàn cứ điểm và rút ra kết luận: một nguyên nhân quan trọng khiến ta tiến công cứ điểm không thành công trước đây là do ta chưa ckiềm chế được pháo binh và hạn chế hoạt động của không quân địch.
Sáng ngày 6/12, đoàn đến Sở chỉ huy tiền phương đầu tiên của Bộ Tổng tư lệnh ở hang Thẩm Púa. Ngày 9/12, căn cứ vào tình hình địch và địa hình, đồng chí Hoàng Văn Thái, cố vấn Mai Gia Sinh cùng một số cán bộ ta và cố vấn tham mưu bàn phương án tiến công cứ điểm Điện Biên Phủ.
Có hai phương án được đề ra: Một là: Dùng toàn bộ lực lượng đồng loạt tiến công từ nhiều hướng dưới sự chi viện và hiệp đồng chặt chẽ của pháo binh và cao xạ. Một mũi đột kích mạnh của bộ binh sẽ từ phía tây và tây nam thọc sâu vào Sở chỉ huy, tạo nên sự rối loạn ở trung tâm phòng ngự địch ngay từ đầu, rồi từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào, tiêu diệt địch trong thời gian tương đối ngắn.
Hai là: Bao vây địch dài ngày rồi đánh dần từng bước, lần lượt tiêu diệt từng trung tâm đề kháng bằng nhiều trận công kiên kế tiếp, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch. Cố vấn Mai Gia Sinh gọi cách đánh thứ nhất là “chiến thuật moi tim ”, cách đánh thứ hai là “chiến thuật bóc vỏ”. Sau khi cân nhắc, hai đồng chí nhất trí chọn phương án đánh nhanh thắng nhanh để chuẩn bị báo cáo với Đại tướng Tổng Tư lệnh.
Cùng với việc triển khai xây dựng kế hoạch tác chiến của cơ quan tham mưu chiến dịch, các cố vấn hậu cần của bạn như: Mã Tây Phu, Sử Nhất Dân, Chu Phúc, Trương Kiếm Trọng ở Tổng cục Cung cấp và các đơn vị đã tham mưu, phối hợp với chỉ huy các đơn vị xây dựng kế hoạch bảo đảm hậu cần cho chiến dịch. Các cố vấn này là những cán bộ dày dặn kinh nghiệm trong tổ chức bảo đảm cho các trận đánh lớn trên chiến trường Trung Quốc. Họ đã phối hợp cán bộ chỉ huy hậu cần của ta xây dựng kế hoạch vận chuyển cho mặt trận, chia cung đường vận chuyển tiếp tế đến Điện Biên Phủ thành ba cung chặng rất hiệu quả.
2. Tham mưu triển khai công tác chuẩn bị; trao đổi, ủng hộ thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, thắng chắc”
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, thành lập Bộ Chỉ huy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy huy trưởng Mặt trận và thông qua kế hoạch tác chiến chiến chiến dịch theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Hạ tuần tháng 12, Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tiếp tình hình mới, Bộ Chính trị hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Ngày 5/1, Đại tướng cùng Sở chỉ huy tiền phương Bộ Tổng tư lệnh lên đường đi Tây Bắc. Ông Vi Quốc Thanh – Trưởng đoàn và một số cố vấn khác đi cùng. Sáng 12/1, Đại tướng đến Tuần Giáo. Đồng chí Hoàng Văn Thái đến báo cáo tình hình địch, ta, địa hình Điện Biên Phủ và phương án đánh nhanh, giải quyết nhanh đã bàn với cố vấn Mai Gia Sinh. Đại tướng cảm thấy phương án này trái với phương án đã trình Bộ Chính trị ngày 6/12/1953.
Chiều 12/1, Đại tướng đến Sở chỉ huy ở hang Thẩm Púa, triệu tập hội nghị Đảng ủy. Trong cuộc họp, tất cả các đảng ủy viên đều nhất trí chọn phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Không đồng tình với phương án đó, Đại tướng thấy cần trao đổi, bàn bạc với Trưởng đoàn cố vấn.
Trước câu hỏi về chủ trương đánh nhanh, giải quyết nhanh, cố vấn Vi Quốc Thanh nói: “Qua bài học Nà Sản, tất cả đều nhất trí là ở Điện Biên Phủ lần này ta nên tranh thủ đánh sớm, đánh nhanh và có nhiều khả năng đánh thắng”. Đại tướng trình bày những suy nghĩ của mình về trình độ tác chiến của bộ đội ta, so sánh binh hỏa lực của hai bên và cho rằng, khó có khả năng tiêu diệt tập đoàn cứ điểm này trong thời gian ngắn. Suy nghĩ một lúc, cố vấn Vi Quốc Thanh khẳng định: “Nếu không tranh thủ đánh sớm khi địch còn đứng chân chưa vững, để nay mai chúng tăng quân và củng cố công sự thì không đánh được, ta sẽ bỏ mất thời cơ”.
Vẫn không tin vào phương án đánh nhanh, giải quyết nhanh, nhưng Đại tướng tự thấy mình vừa mới đến chiến trường, chưa có đủ cơ sở thực tế để bác bỏ phương án đã được các đồng chí đi trước lựa chọn, lại là đa số trong Đảng ủy và đã được tất cả các cố vấn đồng tình. Không còn thời gian xin ý kiến Bác và Bộ Chính trị, vì không thể trao đổi vấn đề tuyệt mật này qua điện đài; viết thư cho cán bộ cầm về cũng không kịp. Đại tướng nhất trí triệu tập hội nghị cán bộ vào ngày 14/1 song cũng dặn đồng chí Cao Pha cho điều tra kỹ các vị trí địch và yêu cầu báo cáo tình hình mỗi ngày hai lần, có gì đột xuất thì phải báo cáo ngay. Ngày 14/1, Bộ Chỉ huy chiến dịch triển khai chuẩn bị theo phương án đánh nhanh, giải quyết nhanh. Nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị được phổ biến trên một sa bàn lớn ở hang Thẩm Púa. Thời gian tác chiến dự kiến là 3 đêm 2 ngày. Chỉ huy các đại đoàn đều biểu thị quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, không một ai có ý kiến khác.
Dù vậy, đến ngày 19/1, pháo ta vẫn chưa vào tới vị trí. Ngày nổ súng trước dự định là 20/1, nay phải lùi lại là 25/1, giờ G là 17 giờ. Từ ngày 20 đến 23/1, Cục Quân báo, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn rồi Cục phó Cục Bảo vệ Phạm Kiệt, phái viên Bộ Tổng tư lệnh theo dõi việc kéo pháo vào trận địa báo cáo về tình hình địch tăng cường bố phòng, những khó khăn của ta, pháo chưa kéo hết vào vị trí, số đã vào thì bố trí chưa đảm bảo an toàn và đề nghị Đại tướng cân nhắc. Ngày 24/1, một chiến sĩ của Đại đoàn 312 bị địch bắt. Qua tin trinh sát kỹ thuật, ta lại biết địch đã nắm được thời gian ta nổ súng là 17 giờ ngày 25/1 và thông báo cho nhau. Đại tướng quyết định hoãn giờ nổ súng lại 24 tiếng.
Sáng 26/1, Đại tướng cho mời cố vấn Vi Quốc Thanh sang trao đổi. Sau khoảng nửa giờ, trước các lập luận đầy thuyết phục của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố vấn Vi Quốc Thanh đã nhất trí hoãn cuộc tiến công, chuyển phương châm tác chiến chiến dịch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, thắng chắc”.
Đại tướng trao đổi thêm về việc triệu tập họp Đảng ủy Mặt trận và các hoạt động sau khi hoãn cuộc tiến công. Hơn nửa giờ sau đó, cuộc họp Đảng ủy mặt trận bắt đầu, Đại tướng trình bày những suy nghĩ về cách đánh tập đoàn cứ điểm, về những khó khăn chưa thể vượt qua và khẳng định: “Ta vẫn giữ vững quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nhưng phải thay đổi cách đánh”. Các Đảng ủy viên phát biểu nêu lên những băn khoăn, khó khăn, ảnh hưởng khi thay đổi phương châm tác chiến… Dù vậy, trước câu hỏi của Đại tướng: Đánh theo phương châm cũ có đảm bảo chắc thắng 100% không, thì không ai dám chắc.
Cuối cùng, Đại tướng kết luận: “Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là: “Đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm chiến dịch từ ‘đánh nhanh, giải quyết nhanh’ sang ‘đánh chắc, tiến chắc’. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn mặt trận lui về vị trí tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm chấp hành triệt để mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới”. Lúc đó là 11 giờ trưa ngày 26/1/1954.
Với Đoàn cố vấn, “sau khi được phân tích về chỗ mạnh, chỗ yếu của địch và ta, các cố vấn nhất trí với chủ trương thay đổi phương châm chiến dịch. Mọi người đều biểu thị quyết tâm đồng cam cộng khổ, đem hết trí tuệ và năng lực giúp bộ đội Việt Nam giành toàn thắng.
3. Cố vấn tham mưu, phối hợp với các lãnh đạo, chỉ huy Chiến dịch và chỉ huy các đơn vị ta trong quá trình tiến hành chiến dịch
Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch theo phương châm mới, ở cơ quan chỉ huy chiến dịch cũng như ở các đại đoàn, các cố vấn Trung Quốc đã giúp đỡ ta một cách tích cực, nhiệt tình. Trưởng đoàn Vi Quốc Thanh đã trực tiếp giới thiệu cách xây dựng trận địa tấn công và bao vây cho cán bộ Việt Nam, trên cơ sở kinh nghiệm của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc… Phó đoàn trưởng Mai Gia sinh đã hướng dẫn công binh Việt Nam xây dựng trận địa mẫu để cán bộ các đơn vị tham quan học tập. Bạn gọi đây là biện pháp “Cận bách tác nghiệp” – tiếp cận địch bằng các hào chia cắt, tổ chức một bộ phận ra sức đào giao thông hào để chia cắt, bao vây, áp sát cứ điểm địch, sau đó bất ngờ công kích, như vậy vừa giảm được thương vong lại vừa thêm phần chắc thắng.
Cố vấn ở các đơn vị đã hướng dẫn cụ thể cho cán bộ Việt Nam ở thực địa, nên việc làm đường và xây dựng trận địa cho bộ binh, pháo binh, cao xạ được tiến hành thuận lợi. Bạn đã giới thiệu cho ta kinh nghiệm chiến đấu của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trong chiến dịch vây hãm quân Tưởng ở Hoài Hải, của Chí nguyện quân Trung Quốc ở Triều Tiên... Bộ đội ta đã vận dụng những kinh nghiệm đó một cách sáng tạo.
Giai đoạn hai chiến dịch, các cuộc tiến công khu Trung tâm của ta gặp nhiều khó khăn. Hai bên giao tranh vô cùng quyết liệt. “Đứng trước tình hình mới xuất hiện, những người bạn chiến đấu Việt Trung cùng nhau nghiên cứu tiếp tục áp dụng cách đánh đào chiến hào ngang dọc, đánh dũi đánh lấn, chia cắt bao vây, tiêu diệt từng lô cốt quân địch, khi đó gọi cách đánh này là chiến thuật “Bóc măng tre”.
Tính chung toàn chiến dịch, bộ đội ta đã xây dựng hai loại đường hào. Một đường hào trục dùng cho cơ động bộ đội, cơ động pháo, vận chuyển thương binh, hình thành một đường vòng rộng bao quanh trận địa địch ở phân khu trung tâm. Một đường hào khác tiếp cận của bộ binh, xuất phát từ vị trí trú quân của các đơn vị trong rừng rồi hướng ra cánh đồng, cắt ngang đường hào trục, tiến vào những vị trí địch. Về chiều dài, lúc đầu ước tính trên bản đồ khoảng 100km, nhưng trong quá trình chiến dịch, bộ đội ta đã đào được hơn 200km đường hào. Hệ thống đường hào là kết tinh lao động cật lực, khoảng 14 đến 18 tiếng mỗi ngày, đổi bằng mồ hôi mà cả xương máu của bộ đội, đã phát huy hiệu quả trong chiến đấu, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch.
“Để có thể vây hãm dài ngày và lần lượt tiến công từng bộ phận quân địch, theo kinh nghiệm của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc do các cố vấn Trung Quốc trực tiếp giới thiệu, ta đã xây dựng thành công hệ thống trận địa tiến công và bao vây chiến dịch”.
Trong đợt cuối của chiến dịch, được sự chi viện của Liên Xô và Trung Quốc, ngày 22/4, ta thành lập tiểu đoàn hỏa tiễn H.6 (Tiểu đoàn 224) để kịp thời phát huy hỏa lực. Hỏa tiễn 6 nòng do Trung Quốc cải tiến theo công thức Ka-chiu-sa của Liên Xô. Tiểu đoàn có 2 đại đội, mỗi đại đội có 6 khẩu, tổng 12 khẩu, 72 nòng. Ban chỉ huy Tiểu đoàn 224 đã phối hợp chặt chẽ với Đoàn cố vấn Trung Quốc 7 người và 2 phiên dịch triển khai luyện tập.
Trong 7 ngày luyện tập, các cố vấn nhiệt tình truyền đạt kỹ thuật bắn và kinh nghiệm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn. 12 giờ ngày 2/5, đồng chí Tham mưu trưởng Đại đoàn và đoàn cố vấn đến kiểm tra các trận địa pháo và công tác chuẩn bị. Chiều 6/5 ta tiến hành tổng công kích toàn mặt trận. Tiểu đoàn khai hỏa lúc 19 giờ 30, bắn vào Sở chỉ huy địch, một số trận địa pháo và lực lượng địch phản kích ở hai đầu cầu Mường Thanh. Từ đêm 6/5 đến khoảng 9 giờ sáng 7/5, Tiểu đoàn bắn cấp tập 3 lượt chính xác vào các mục tiêu, khiến cho quân Pháp thêm phần hoảng loạn.
Tại Sở chỉ huy chiến dịch và các đơn vị trực tiếp chiến đấu, các chỉ huy của ta và bạn luôn trao đổi, rút kinh nghiệm, thống nhất các biện pháp khắc phục khó khăn, xử lý các tình huống đưa chiến dịch phát triển. 14 giờ 30 phút ngày 6/5, nắm vững thời cơ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hội ý với cố vấn Vi Quốc Thanh và quyết định: tranh thủ lúc địch đang rối loạn, ra lệnh ngay cho các đơn vị đồng loạt mở cuộc tổng công kích vào Mường Thanh.
Chiều 7/5, giờ phút chiến dịch toàn thắng, cố vấn Vi Quốc Thanh gọi điện: “Chúc mừng Võ Tổng và các đồng chí Việt Nam!”. Đại tướng trả lời: “Chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của đồng chí Vi, các đồng chí cố vấn và nhân dân Trung Quốc!”. Ngày hôm sau, 8/5, tại Mường Phăng, cơ quan hậu cần tổ chức liên hoan mừng chiến thắng. Hai cố vấn Vi Quốc Thanh, Mai Gia Sinh và một số cố vấn cùng dự. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng cố vấn Vi Quốc Thanh hân hoan nâng cốc chúc mừng thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, chúc mừng tình hữu nghị chiến đấu giữa nhân dân và quân đội hai nước Việt - Trung.
Như vậy, trong chiến thắng Điện Biên Phủ có dấu ấn và những đóng góp quan trọng của nước bạn. Bên cạnh sự chi viện về vật chất, vũ khí, các cố vấn Trung Quốc đã tích cực tham gia cùng với các tướng lĩnh Việt Nam trong khảo sát, xây dựng kế hoạch tác chiến và chuẩn bị chiến trường; trao đổi, ủng hộ và tích cực triển khai các công tác chuẩn bị theo phương châm “đánh chắc, thắng chắc”.
Đáng kể nhất trong giúp đỡ của Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc cho chiến dịch Điện Biên Phủ, “Đó là kinh nghiệm sử dụng và phát huy có hiệu quả hỏa lực pháo binh (24 khẩu lựu pháo 105mm của Trung Quốc và trung đoàn cao xạ pháo 37mm của Liên Xô, đều lần đầu xuất trận) và kinh nghiệm đào hào vây lấn, xây dựng trận địa, theo kinh nghiệm của Chí nguyện quân Trung Quốc ở Triều Tiên”.
Về sự giúp đỡ của Trung Quốc nói chung, cố vấn Trung Quốc nói riêng trong kháng chiến chống Pháp, cũng như trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng nhận định: “đoàn cố vấn Trung Quốc đã cùng với lãnh đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp thiết lập mối quan hệ tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau, đoàn kết một lòng” và “Chiến thắng vĩ đại của Chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện tình hữu nghị sâu đậm ‘vừa là đồng chí vừa là anh em’, là mốc son lịch sử góp phần tăng cường hữu nghị giữa nhân dân hai nước”.
Kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) là dịp cùng ôn lại lịch sử quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời, được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công xây dựng và vun đắp. Với quyết tâm và nỗ lực chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.