Yêu cầu xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan tới cơ sở băm dăm gỗ trái phép

Đời sống - Ngày đăng : 16:52, 18/05/2016

Sau loạt bài phản ánh của báo Công lý, vừa qua UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu xử lý nghiêm tập thể, cá nhân để cơ sở băm dăm trái phép hoạt động.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện có cơ sở sản xuất, chế biến dăm gỗ trái phép nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ những sai phạm trong quản lý đất đai, đầu tư và xây dựng, căn cứ các quy định của pháp luật, có hình thức xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan theo thẩm quyền hoặc đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo UBND tỉnh và gửi các ngành liên quan để tổng hợp trước ngày 31/5/2016.

Yêu cầu xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan tới cơ sở băm dăm gỗ trái phép

Xưởng gỗ dăm trái phép tại xã Thạch Sơn (Thạch Thành) huyện "quên" không báo cáo

Theo kết quả kiểm tra, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 42 cơ sở sản xuất dăm gỗ, trong đó có 11cơ sở được chấp thuận sản xuất dăm gỗ, với tổng công suất 330.000 tấn/năm. Trong khi đó công suất băm dăm gỗ của các cơ sở trên thực tế đã lên tới 729.000 tấn/năm, vượt 2,2 lần công suất cho phép.

Đa số các cơ sở băm dăm gỗ đều không có phương án đầu tư dài hạn từ khâu trồng, thu mua nguyên liệu đến khâu chế biến để bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tình trạng thiếu nguyên liệu đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, tranh mua, tranh bán gây mất an ninh trật tự xã hội.

Hiệu quả kinh tế từ chế biến dăm gỗ rất thấp, nhiều cơ sở chỉ tập trung đầu tư dây truyền băm dăm gỗ xuất khẩu không tập trung chế biến sâu các loại sản phẩm có giá trị cao gây lãng phí nguồn nguyên liệu từ rừng của tỉnh.

Các cơ sở băm dăm gỗ trái phép nhưng không được xử lý kịp thời, cụ thể trên địa bàn huyện Lang Chánh, Thường Xuân, Triệu Sơn, Như Xuân, Như Thanh, Tĩnh Gia, Thạch Thành, Cẩm Thủy.

Đối với 5 cơ sở gỗ dăm đã được tỉnh chấp thuận vượt công suất phải điều chỉnh ngay quy mô theo giấy phép được cấp, chủ động tháo dỡ nhà xưởng, thiết bị máy móc xây dựng không đúng nội dung dự án được chấp thuận, hoàn thành trước ngày 15/7/2016.

Đối với 7 công ty chưa hoàn thành dự án theo nội dung đã được chấp thuận, khẩn trương hoàn thành trước ngày 31/12/2016. Đối với 5 cơ sở được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa được chấp thuận sản xuất dăm gỗ khẩn trương bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký dăm gỗ tận với công suất theo quy định.

Đối với 26 cơ sở băm dăm gỗ trái phép, không được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dừng mọi hoạt động liên quan tới thu mua nguyên liệu và sản xuất dăm gỗ, chủ động tháo dỡ nhà xưởng và cácloại máy móc, thiết bị, hoàn thành trước 15/7/2016.

Yêu cầu xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan tới cơ sở băm dăm gỗ trái phép

Cơ sở băm dăm trái phép tại xã Cẩm Tâm, Cẩm Thủy

Giao các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về đất đai, xây dựng và môi trường của các dự án đầu tư trên địa bàn; đồng thời chỉ đạo, giám sát chặt chẽ việc tháo dỡ nhà xưởng, máy móc, thiết bị của các nhà máy băm dăm gỗ trái phép, xử lý vi phạm theo thẩm quyền và đề xuất những trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/7/2016. Định kỳ hàng quý, hàng năm báo cáo tình hình hoạt động của các cơ sở chế biến dăm gỗ theo quy định.

Tuy nhiên trên thực tế, các huyện đã kiểm tra, rà soát nhưng chưa báo cáo hết các cơ sở băm dăm gỗ. Đơn cử như Thạch Thành, theo báo cáo có 5 cơ sở băm dăm gỗ thì có 4 cơ sở là trái phép. Thế nhưng theo điều tra của PV, tại thôn Minh Sơn, xã Thạch Sơn công ty TNHH Anh Kiên đã đưa vào hoạt động giàn băm dăm gỗ rất quy mô.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Phước, Phó Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thạch Thành thừa nhận có để ngoài báo cáo đơn vị này. “Họ mới đưa vào băm vài tháng nay, chủ yếu là tận dụng sau khi chẻ nan, ván bóc”, ông Phước phân trần.

Thanh Phương