Đời sống

Tập trung cải cách thể chế, chính sách để khơi thông các điểm nghẽn

Trọng Bằng 17/04/2024 - 22:46

Phải tập trung cao nhất, cao độ hơn bao giờ hết cho cải cách thể chế, chính sách. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để chúng ta khơi thông các điểm nghẽn, tạo ra động lực mới cho sự phát triển, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ nhấn mạnh.

Ngày 17/4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức công bố Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023.

pham-thi-thanh-tra(2).jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị

Bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã có những trao đổi với báo chí về một số nội dung liên quan công tác cải cách hành chính.

Đã có những bước tiến bộ, chuyển biến tích cực hơn

Đánh giá Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số SIPAS năm 2023, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng: Nhìn tổng thể, có thể nói Chỉ số cải cách hành chính cũng như Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2023 đã có những bước tiến bộ hơn, chuyển biến tích cực hơn.

Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước so với năm 2022 đã tăng lên khoảng 2% và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 cũng đã đạt bình quân trên 80%.

Đặc biệt là đối với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, Chỉ số PAR INDEX tăng rất cao, đạt 86,98% và cũng tăng xấp xỉ 3%.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, qua hai chỉ số này cho chúng ta thấy rõ ràng kết quả để thực hiện mục tiêu về cải cách hành chính và sự hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đã có những chuyển biến tích cực, thực sự đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước năm 2023 và góp phần hết sức cơ bản để chúng ta tiếp tục xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ người dân tốt hơn.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu một số điểm nhấn trong cải cách hành chính của năm 2023 như: Về cải cách thể chế, năm qua cũng là năm Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã tập trung tập trung quyết liệt và tích cực cho cải cách thể chế.

Đối với cải cách tổ chức bộ máy đã có những chuyển biến rõ hơn, đã tập trung sắp xếp tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp và đang tập trung cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tất cả các bộ, ngành, địa phương có nhiều tiến bộ hơn, nên kết quả về công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng có những chỉ số được nâng lên.

Cùng với đó, việc thúc đẩy cho chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số và chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số và công dân số cũng được coi là một điểm nhấn trong cải cách hành chính năm 2023.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, chỉ số PAR INDEX và SIPAS đã ghi nhận một cách khách quan, đa chiều, tương đối toàn diện, chi tiết dưới nhiều góc độ khác nhau. Kết quả đó là một áp lực, nhưng cũng vừa là động lực, giúp cho chúng ta có thêm giải pháp và quyết tâm tiếp tục thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính.

Cải cách hành chính có những mặt còn hạn chế, tồn tại

Nhìn nhận những mặt tích chuyển biến tích cực, đồng thời, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng thừa nhận, dù các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo, đột phá trong cải cách để duy trì, hoặc cải thiện được các chỉ số ở thứ hạng cao trong bảng xếp hạng, tuy nhiên, công tác cải cách hành chính có những mặt còn hạn chế, tồn tại.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ một số bộ, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác lãnh đạo trong cải cách hành chính, dẫn đến khoảng cách giữa các nhóm bộ/tỉnh đứng đầu với các bộ/tỉnh đứng cuối bảng có khoảng cách khá xa, tới khoảng 10%. Điều này cho thấy sự cố gắng, nỗ lực ấy chưa thật sự đồng đều ở tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Cải cách thủ tục hành chính chưa đạt được như mong muốn, hiện vẫn là rào cản và đang là những điểm nghẽn lớn nhất trong quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, cải cách công vụ, mặc dù đã có những nỗ lực nhưng thực chất vẫn chưa đáp ứng được mong muốn, chưa đảm bảo được yêu cầu. Bởi vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức sợ sai, sợ trách nhiệm và né tránh, đùn đẩy, ảnh hưởng đến vai trò công vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Một vấn đề hạn chế nữa được Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chỉ rõ, đó là trong cải cách hành chính, cải cách về tổ chức bộ máy, mặc dù đã rất nỗ lực nhưng tổ chức bộ máy của chúng ta vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tập trung trọng tâm vào một số nhiệm vụ cơ bản

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, nhằm cải cách hành chính, cải thiện mức độ hài lòng của người dân trong thời gian tới, với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chúng tôi sẽ tích cực tham mưu cho Chính phủ tập trung trọng tâm vào một số nhiệm vụ cơ bản sau.

Một là phải tập trung cao nhất, cao độ hơn bao giờ hết cho cải cách thể chế, chính sách. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để chúng ta khơi thông các điểm nghẽn, tạo ra động lực mới cho sự phát triển.

Hai là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa về thủ tục hành chính. Đây vẫn là những khó khăn, vướng mắc nhất cho người dân và doanh nghiệp trong việc đổi mới sáng tạo.

Ba là cải cách công vụ, đây là vấn đề còn có những hạn chế. Vì vậy, trong những năm tới cần có những giải pháp mạnh mẽ để chúng ta có một bộ thể chế đầy đủ, nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức trong làm việc, đảm bảo được văn hóa công vụ và hơn nữa là thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ, có năng lực vào trong khu vực công. Theo đấy nữa đó là khắc phục được tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm và không dám chịu trách nhiệm.

Bốn là, hơn bao giờ hết phải thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng Chính phủ số, Chính phủ điện tử, cũng như chính quyền, số chính quyền điện tử.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, nhiệm vụ này vô cùng quan trọng, chỉ có thúc đẩy các nội dung này mới có thể giải quyết bài toán rất lớn để thực hiện mục tiêu cải cách công vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trong yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới.

“Mục tiêu cuối cùng của cải cách hành chính, đo lường chỉ số hài lòng của người dân là để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp, tạo ra được một môi trường lành mạnh, văn hóa, cải thiện các rào cản, điểm nghẽn để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết thêm.

Năm 2023, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong phạm vi cả nước (SIPAS 2023)

Nhìn nhận về chất lượng phục vụ của công chức, 88,88% số người dân được khảo sát cho rằng không có công chức gây phiền hà, sách nhiễu và 90,00% cho rằng không có người dân nào phải đưa tiền ngoài quy định cho công chức để công việc được giải quyết.

Nhìn nhận về chất lượng phục vụ của công chức, 88,88% số người dân được khảo sát cho rằng không có công chức gây phiền hà, sách nhiễu và 90,00% cho rằng không có người dân nào phải đưa tiền ngoài quy định cho công chức để công việc được giải quyết.

Người dân được khảo sát trong cả nước hài lòng đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách nói chung ở mức 82,49%, tăng so với năm 2022 (79,72%). Trong đó, mức độ hài lòng đối với trách nhiệm giải trình của chính quyền về chính sách là 81,93%; đối với cơ hội tham gia của người dân vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách là 81,83%; đối với chất lượng tổ chức thực hiện chính sách của chính quyền là 82,49%; đối với kết quả, tác động của chính sách là 82,74%.

Mức độ hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách của chính quyền ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 75,14% - 90,47%.

Mức độ hài lòng của người dân đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công nói chung là 82,90%, tăng so với năm 2022 (80,43%). Trong đó, đối với tiếp cận dịch vụ là 83,00%; thủ tục hành chính là 83,02%; công chức là 83,12%; kết quả dịch vụ là 83,03%; việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân là 82,27%.

Mức độ hài lòng của người dân đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 74,87% - 93,16%.

Bộ Nội vụ cũng cho biết, người dân hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nói chung trong cả nước năm 2023 ở mức 82,66%, tăng so với năm 2022 (80,08%), ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 75,03% - 90,61%.

* Về Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023):

Năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính các bộ, cơ quan ngang bộ có hai nhóm điểm: Đạt hơn 80%, bao gồm 14 đơn vị: Bộ Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Nội vụ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đạt kết quả dưới 80% có ba đơn vị là: Bộ Y tế; Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương.

Giá trị trung bình chỉ số của 17 bộ, cơ quan ngang bộ là 84.38%, tăng 0,33% so với năm 2022. 10/17 bộ có chỉ số trên mức giá trị trung bình. Bộ Tư pháp dẫn đầu bảng chỉ số, đạt 89.95%; Bộ Công Thương đứng cuối bảng xếp hạng với kết quả chỉ số đạt 78.03%, thấp hơn 11.92% so với đơn vị dẫn đầu là Bộ Tư pháp. Có 10/17 đơn vị có chỉ số tăng cao hơn so với năm 2022, tăng cao nhất là Bộ Ngoại giao (+5.83%). Trong bảy bộ có kết quả chỉ số giảm hơn so với năm 2022, giảm nhiều nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (-5.31%).

Trọng Bằng