Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là thành tựu của lĩnh vực tư pháp và Quốc hội
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, đây là dự án luật mới, lần đầu được Quốc hội khóa XV đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo đúng định hướng xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ. Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên có nội dung chuyên biệt, “từ xưa đến nay chưa có”.
Giảm phạt tù, tăng phạt tiền với người chưa thành niên
Phát biểu tại phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên diễn ra sáng 17/4, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, hồ sơ dự án luật đã được chuẩn bị công phu, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo từ công tác nghiên cứu, tổ chức khảo sát trực tiếp tại 2 tỉnh, thành phố, làm việc với 2 Trường Giáo dưỡng thuộc Bộ Công an, yêu cầu các cơ quan có liên quan của 8 tỉnh, thành phố… Ủy ban Tư pháp cũng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức hội thảo quốc tế để tham vấn kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế về định hướng xây dựng luật này.
“Việc Quốc hội khóa XV đưa vào Chương trình nằm trong đúng định hướng, theo kế hoạch 81 của UBTVQH và kết luận 19 của Bộ Chính trị. Sau khi luật được đưa vào chương trình, TANDTC đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị trình Quốc hội theo đúng chương trình và tiến độ đề ra” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, “nếu Quốc hội khoá XV xây dựng được luật này, sẽ là thành tựu của lĩnh vực tư pháp, là thành tựu của Quốc hội” .
Nêu thêm về sự quan tâm đối với dự án luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, UBTVQH có nhận được thư của Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam. Trong thư nêu rõ những vấn đề cốt lõi của luật tư pháp người chưa thành niên và đề nghị có sự phù hợp với quy định của các nước. Bao gồm: Thủ tục tố tụng thân thiện; Xử lý chuyển hướng; Chính sách xử phạt chuyên biệt với người chưa thành niên theo hướng nhẹ hơn so với người thành niên; Phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội.
UNICEF khuyến nghị, khi ban hành luật này là một tiến bộ, cần điều chỉnh 4 nội dung trên tương tự như nhiều quốc gia.
Về mức hình phạt và tổng hợp hình phạt, theo tờ trình, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần giảm mức hình phạt và tổng hợp hình phạt đối với người chưa thành niên trong trường hợp cụ thể.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, dự thảo luật mở rộng đối tượng được áp dụng hình phạt cảnh cáo, hình phạt tiền. “Giảm phạt tù, tăng phạt tiền theo hướng nhẹ hơn với người chưa thành niên. Cơ quan thẩm tra cũng tán thành với hướng này”.
Đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên; đánh giá cao TANDTC trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật đầy đủ, chi tiết, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp chi tiết, đầy đủ, đề cập toàn diện các nội dung và nêu nhiều vấn đề gợi ý để tiếp tục thảo luận, hoàn thiện.
Để chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp để hoàn chỉnh hồ sơ trình Quốc hội, trong đó, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn đối với một số chính sách mới, báo cáo chi tiết hơn các căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để tạo sự đồng thuận của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị TANDTC hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật và gửi trước Kỳ họp 20 ngày để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu. Ủy ban Tư pháp hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra trên cơ sở dự thảo mới của TANDTC để báo cáo đại biểu Quốc hội.