Ký ức về cầu Hiền Lương của vị đại tá bảo vệ cờ Tổ quốc thiêng liêng bên bờ Bến Hải
Lá cờ Tổ quốc, hình ảnh thiêng liêng trên cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị là biểu tượng cho khát vọng thống nhất non sông. Có một người lính, một vị đại tá từng cùng đồng đội quyết giữ biểu tượng trong “mưa bom bão đạn” vẫn giữ trong mình ký ức về một thời khói lửa nhưng đầy hào hùng, nhiệt huyết với tinh thần yêu quê hương đất nước. Ông là đại tá Thanh Hà, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị...
1.440 ngày đêm quyết tử để cờ bay phất phới
Trên thế giới hiếm có nơi nào mà cuộc chiến tranh diễn ra gay go, quyết liệt như cuộc chiến bên đôi bờ Hiền Lương. Một cuộc chiến bằng cả sự sống còn của những thân phận con người dưới sự hủy diệt của bom đạn. Cầu Hiền Lương nối đôi bờ sông Bến Hải đi vào lịch sử, trở thành chứng tích lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Theo sự chỉ dẫn của chị Lê Thị Tố Hoài, người quản lý khu di tích đài tưởng niệm của đơn vị lực lượng Công an vũ trang giới tuyến tại cầu Hiền Lương đóng trên địa bàn xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi về khu phố 2, phường Đông Lương, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị để tìm gặp ông Thanh Hà (SN 1930), nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị. Ông là cựu chiến binh thuộc đơn vị lực lượng Công an vũ trang giới tuyến năm xưa.
Bên ấm trà nồng đượm hương vị, câu chuyện về thời binh lửa của ông hiện ra như những thước phim quay chậm. Ông Hà kể, ông sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Mẹ ông, bà Lê Thị Quang Hổ, tức Mệ Hổ, từng tham gia đoàn du kích địa phương, với nhiệm vụ chính là chở cán bộ, vũ khí, đạn dược và nhân dân qua sông.
Quê ông, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đóng góp nhiều sức người, sức của trong các cuộc kháng chiến để bảo vệ Tổ quốc. Thế nên ngay từ nhỏ, ông Hà đã nuôi chí căm thù giặc. Lớn lên, như bao thanh niên khác, ông tình nguyện nhập ngũ lên đường đi theo tiếng gọi non sông.
Tháng 5/1949, ông được cấp trên cử đi học, đào tạo cơ bản về nghiệp vụ Công an vũ trang. Sau khi hoàn thành xong khóa học, ông được điều về làm Phân đội trưởng của đơn vị lực lượng Công an vũ trang giới tuyến. Nhiệm vụ chính của ông là trinh sát ngoại biên, nội biên, điệp báo, kiểm soát, thăm dò và theo dõi các hoạt động của địch, trực tiếp chỉ huy 100 cán bộ chiến sĩ từ 3 đại đội 354, 340, 348 thuộc huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh chuyển quân ra bờ Bắc để thành lập Đại đội Công an giới tuyến, với tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Rạng sáng ngày 20/8/1954, ông Hà nhận chỉ thị của cấp trên, đơn vị lực lượng Công an vũ trang giới tuyến được giao nhiệm vụ ở lại bờ Nam giới tuyến tổ chức mạng lưới cơ sở, nắm tình hình biến động của địch...
“Tôi đã chỉ đạo đồng chí Trinh dần gây dựng mạng lưới nội tuyến gồm 5 thành viên, trong đó đồng chí Trinh mang bí số K2 phụ trách mạng lưới, một người khác là Trưởng ban cơ yếu của Trung đoàn ngụy án ngữ dọc bờ nam sông Bến Hải. Người nữa từng được cận kề Quận trưởng quận Gio Linh.
Khi tiếp cận nắm tình hình địch, một thành viên đã anh dũng hy sinh. Tôi cùng đồng đội thường xuyên báo cho bờ Bắc biết qua hộp thư theo ngày ấn định từ trước. Đích thân tôi đã vượt sông Bến Hải khoảng 600 lần. Khi không phải vượt sông thì gói tờ giấy viết tin trong nilon, rồi giấu hộp thư tại một vị trí đã định trên bờ sông, hoặc buộc thư sâu dưới nước vào một que sáo đơm cá. Đây là giai đoạn khó khăn và gian khổ nhất nhưng cũng rất hào hùng của đơn vị”, ông Hà giọng rưng rưng hồi tưởng.
Suốt 13 năm, từ 1954 đến 1967, các nhóm điệp báo của đơn vị lực lượng Công an vũ trang làm công tác trinh sát ngoại biên, nội biên, điệp báo đã thu thập hàng nghìn tin tức có giá trị, báo cáo kịp thời để cấp trên có những đối sách chiến lược, nắm bắt được khóa mật mã của những bản tin địch thường truyền từ giới tuyến sông Bến Hải vào Sài Gòn.
Phát huy phẩm chất người lính cụ Hồ
Trong một lần về thăm gia đình, tình cờ ông Hà gặp được nữ du kích người cùng quê, tên là Lương Thị Mai, người làm công tác giao liên thông tin và hỗ trợ cho Bộ đội. Cảm kích khí phách người lính của lực lượng Công an vũ trang giới tuyến, cô đã đem lòng thương yêu ông. Một lễ cưới nhỏ được diễn ra, giữa khói lửa chiến tranh. Ngày hợp hôn, hai người cùng nhau lập lời thề: Quyết chiến đấu vì một miền Nam hoàn toàn giải phóng, vì độc lập của quê hương, đất nước.
Cưới vợ chưa đầy một tháng, ông Hà lại nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ. Thời kỳ này, vĩ tuyến 17 chính là nơi đánh dấu sự chia cắt đất nước thành hai miền Nam-Bắc. Khi cuộc đối đầu hai bên chuyển từ tranh chấp hòa bình sang vũ lực, mục tiêu đầu tiên của chính quyền bờ Nam là hủy diệt ngọn cờ ở bờ Bắc.
Mỹ tiến hành đánh phá Vĩnh Linh với quy mô và cường độ ngày càng dữ dội, cột cờ Hiền Lương trở thành một trong những mục tiêu đánh phá ác liệt nhất. Tại nơi này đã diễn ra một cuộc chiến bảo vệ ngọn cờ Tổ quốc trên đầu cầu giới tuyến kéo dài suốt 1.440 ngày đêm với 11 lần bị kẻ thù đánh gãy cột bằng bom đạn. Nhưng cột cờ này gãy xuống cột cờ khác lại mọc lên, hiên ngang trong lửa đạn như thách thức với quân thù.
Chiến tranh kết thúc, ông Hà công tác tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị. Dù trên người mang đầy thương tích, đặc biệt là căn bệnh sốt rét cứ hoành hành, nhưng ông vẫn cố gắng vươn lên. Ông không ngừng rèn luyện, cống hiến, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và trở thành vị Chỉ huy trưởng. Đến năm 1981, ông nghỉ hưu và sống tại Quảng Trị đến nay. Ông tiếp tục xung phong trên các mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng chính quyền cấp cơ sở.
Giờ đây, mỗi lần ra ngắm nhìn sông Bến Hải, trong lòng người lính của đơn vị lực lượng Công an vũ trang giới tuyến năm xưa không khỏi canh cánh, tiếc thương những người đồng đội đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Ông Hà chia sẻ: “Tuổi già thường hay hoài niệm, thường nhớ về những chuyện xưa. Cuộc đời trai trẻ của tôi gắn bó với sông Bến Hải với súng đạn và những trận chiến. Mỗi khi nhớ về nó, tôi thường ngắm những kỷ vật năm xưa và ra khu đài tưởng niệm bên bờ sông Bến Hải thắp nén nhang cho đồng đội ngã xuống vì hòa bình của đất nước...”, ông Hà nghẹn ngào tâm sự.
Mặc dù chiến tranh lùi xa, đất nước thống nhất, ngần ấy thời gian trôi qua nhưng ký ức về nó vẫn sống cùng các cựu chiến binh đến bây giờ… Nhắc lại một thời lửa đạn của Quảng Trị không phải để khơi lại nỗi đau của chiến tranh, mà để nhắc cho chúng ta luôn trân quý nền hòa bình chúng ta đang thụ hưởng, để tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ "vì nước quên thân".