Long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú
Sáng 17/4, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (1/5/1904 - 1/5/2024).
Dự buổi lễ có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng
Cùng dự có các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh; đại diện lãnh đạo tỉnh Khăm - Muồn (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào); lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trong cả nước, đại diện lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, đại diện thân nhân gia đình Tổng bí thư Trần Phú và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.
Tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng ôn lại lịch sử về cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo trẻ tuổi, đầy tài năng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Luận cương Chính trị năm 1930 do đồng chí Trần Phú khởi thảo và các văn kiện của Đảng trong thời kỳ đồng chí làm Tổng Bí thư là những văn kiện vô giá, góp phần hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương xây dựng, củng cố tổ chức Đảng các cấp; chỉ đạo tổ chức tốt công tác giao thông liên lạc từ Trung ương đến xứ ủy, tỉnh ủy, từ Trung ương đến Quốc tế Cộng sản”.
Noi gương đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, hơn 30 năm tái lập tỉnh, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã vươn lên giành nhiều kết quả quan trọng.
Học tập tấm gương Tổng Bí thư Trần Phú và các vị tiền bối cách mạng, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng bày tỏ, cán bộ, đảng viên, nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục cùng với nhân dân cả nước ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tham dự chương trình, các đại biểu được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc có chủ đề “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” tái hiện những dấu mốc quan trọng trong suốt cuộc đời hy sinh, cống hiến của Tổng Bí thư Trần Phú.
Chương trình nghệ thuật được thể hiện qua 3 chương: Khí phách Hồng Lam; Người cộng sản kiên trung; Quê hương vang mãi lời anh, với những hoạt cảnh múa, hoạt cảnh sân khấu có lời thoại để xâu chuỗi các sự kiện.
Đó là câu chuyện về quá trình giác ngộ đi tìm lý tưởng cách mạng của đồng chí Trần Phú, người viết nên Luận cương chính trị đầu tiên và trở thành Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam; những ngày tháng bị địch bắt tra tấn, tù đày, trước lúc hy sinh đã để lại lời hiệu triệu bất hủ cho các đồng chí của mình và muôn đời sau: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
Phần cuối chương trình thể hiện hình ảnh quê hương Hà Tĩnh kiên cường, mạnh mẽ, “vang mãi lời anh” trên đường đổi mới và hội nhập, phát triển.
Đồng chí Trần Phú, sinh ngày 01/5/1904, xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, tại xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; quê xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Hà Tĩnh - Phú Yên nằm trên dải đất miền Trung, giàu truyền thống văn hóa, cách mạng; cùng với truyền thống gia đình đã dưỡng dục nên một người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất.
Mùa hè năm Nhâm Tuất 1922, đồng chí Trần Phú thi đậu thủ khoa kỳ thi Thành chung Trường Quốc học Huế. Để nối nghiệp gia đình, đồng chí Trần Phú đã khước từ chốn quan trường, vào làm giáo viên Trường Tiểu học Cao Xuân Dục ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Với kiến thức uyên thâm, tình thương và đức độ, thầy Trần Phú đã tổ chức rất nhiều lớp học quốc ngữ, góp công đào tạo được nhiều học trò học giỏi, yêu nước. Cũng trong thời gian này, đồng chí Trần Phú đã tham gia sáng lập Hội Phục Việt, lãnh đạo phong trào đòi thực dân Pháp trả lại tự do cho Cụ Phan Bội Châu, tổ chức lễ truy điệu cho Cụ Phan Chu Trinh.
Bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú khi được Hội Phục Việt cử sang Quảng Châu, Trung Quốc bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người trực tiếp huấn luyện, đào tạo, kết nạp vào Cộng sản Đoàn - nhóm nòng cốt của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Kết thúc khóa huấn luyện, đồng chí trở về nước hoạt động nhưng do bị mật thám Pháp truy lùng ráo riết, đồng chí phải quay lại Quảng Châu, làm việc tại Tổng bộ Thanh niên.
Mùa xuân năm 1927, đồng chí Trần Phú được cử sang học tập tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Matxcơva. Nhờ kết quả học tập tốt, đồng chí được Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản cử làm Bí thư nhóm cộng sản Việt Nam tại Trường. Tốt nghiệp Đại học Phương Đông loại xuất sắc, tháng 11/1929, đồng chí được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động, được Đảng giao nhiệm vụ chuẩn bị dự thảo Luận cương Chính trị.
Để nắm chắc thực tiễn, đồng chí Trần Phú đã làm nhiều nghề, xâm nhập vào các nhà máy, hầm mỏ tại Hà Nội, Hải Phòng, Hòn Gai, Nam Định, Thái Bình; cùng với các đồng chí trong cấp ủy đúc kết kinh nghiệm, rút ra những bài học quý báu để khởi thảo Luận cương Chính trị của Đảng.
Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng Trung Quốc đã thông qua Luận cương Chính trị. Luận cương đã phân tích sâu sắc đặc điểm tình hình thế giới và Đông Dương; luận giải tính chất, mục đích, nhiệm vụ, bước đi, động lực cách mạng ở Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền, do giai cấp công nhân lãnh đạo, có nhiệm vụ đánh đổ đế quốc, phong kiến; đồng thời nêu rõ “Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cách mạng ở Đông Dương cần có sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản có đường lối chính trị đúng đắn, có kỷ luật tập trung, liên hệ mật thiết với quần chúng và từng trải tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc”….
Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 đã chính thức bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú đã có nhiều đóng góp to lớn về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong công tác xây dựng Đảng. Cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng xuất bản Báo Cờ Vô sản - cơ quan ngôn luận của Đảng; Tạp chí Cộng sản - cơ quan lý luận của Đảng; chỉ đạo lập Hội Phản đế đồng minh, chỉnh đốn Nông hội đỏ, chống chính sách khủng bố trắng của kẻ thù.
Được sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Ban Thường vụ Trung ương và đồng chí Trần Phú, khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân trong cả nước bùng lên mạnh mẽ. Tổ chức Nông hội đỏ phát triển nhanh chóng, đội ngũ hội viên tăng nhanh. Tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Mỹ Tho, Bến Tre,… đã liên tiếp nổ ra các cuộc biểu tình, bãi công của công nhân, nông dân, tạo ra cao trào cách mạng 1930 - 1931, mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ - Tĩnh.
Tháng 3/1931, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ Hai được tổ chức tại Sài Gòn dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú đã đề ra các chủ trương, nhiệm vụ cách mạng trước yêu cầu mới.
Giữa lúc phong trào của nhân dân ta đang phát triển mạnh mẽ, ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt. Tại bốt Ca-ti-na, kẻ thù hèn hạ cắt gân bàn chân, dùng nhiều cực hình tra tấn, nhưng đồng chí Trần Phú vẫn kiên quyết không khai báo. Trong lao tù, đồng chí đã cùng đồng đội tổ chức đấu tranh lên án chế độ thực dân. Sau 3 tháng bị giam cầm, tra tấn, ngày 6/9/1931, đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn khi mới bước vào tuổi 27 - độ tuổi đầy nhiệt huyết, tài năng.
Tổng Bí thư Trần Phú mất đi là tổn thất lớn đối với Đảng và phong trào cách mạng của nhân dân ta, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lúc bấy giờ.