Siêu dự án trên sông Hồng: Hệ lụy khôn lường!
Đời sống - Ngày đăng : 10:50, 17/05/2016
Đó là chưa kể đến hàng nghìn ha hoa màu có thể bị “xóa sổ”, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu nông dân có nguy cơ thất nghiệp”. Đó là đánh giá của nhiều nhà khoa học, chuyên gia về môi trường xung quanh “dự án tỷ đô” dọc sông Hồng đang gây xôn xao dư luận.
Diện tích canh tác bị thu hẹp
Mấy ngày gần đây, dư luận đang hết sức quan tâm đến các thông tin liên quan đến Dự án giao thông thủy xuyên Á kết hợp với thủy điện trên sông Hồng do Công ty TNHH Xuân Thiện - thành viên Tập đoàn Thái Group (trước là Tập đoàn Xuân Thành) đề xuất với tổng vốn đầu tư hơn 24.500 tỷ đồng. Bên cạnh dấu hỏi về năng lực tài chính của chủ đầu tư, điều mà dư luận quan tâm là liệu “siêu dự án” này có góp phần “băm nát sông Hồng”, gây ảnh hưởng xấu đến vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng trải rộng khắp các tỉnh và thành phố như: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định...
Những điều lo ngại trên của dư luận là hoàn toàn có cơ sở bởi nếu tiến hành chặn dòng chảy làm thủy điện, nâng cấp đường thủy sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ sinh thái của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Khi 6 nhà máy thuỷ điện đồng loạt được khởi công xây dựng, điều đó sẽ tạo nguy cơ có những vùng đất xung quanh hồ đập bị chìm trong biển nước. Diện tích canh tác bị thu hẹp hoặc biến mất điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ có hàng ngàn, thậm chí hàng triệu nông dân bị mất đất sản xuất, đứng trước nguy cơ thất nghiệp.
Mưu sinh trên sông Hồng
Hơn nữa, để phục vụ cho việc vận hành thủy điện, người ta sẽ phải đắp đập, ngăn dòng, tạo hồ chứa nước, khi đó, toàn bộ hệ sinh thái của sông Hồng có khả năng bị phá vỡ, phù sa sẽ lắng đọng lại trong các hồ chứa, không thể bồi đắp cho vùng hạ lưu. Đồng thời việc ngăn dòng cũng khiến hàng ngàn ha hoa màu vùng châu thổ đối mặt với việc thiếu nước tưới trầm trọng, nguy cơ sông Hồng cạn đáy cũng tăng cao, những thiệt hại về môi trường là không thể nào đong đếm được.
Theo Giáo sư Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng dự án không khả thi vì không phù hợp với đặc điểm sông Hồng. Việc có tới 6 công trình thủy điện được xây dựng không chỉ ảnh hưởng đến trồng trọt mà nuôi trồng thủy sản cũng sẽ có những tác động không tốt, khi dòng chảy thay đổi thất thường. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc di chuyển, sinh sản của các loài hải sản sinh sống. Hơn nữa, việc xây đập làm hồ chứa nước dùng để vận hành các tổ máy phát điện sẽ làm ảnh hưởng rất lớn ở phía hạ du, làm thay đổi dòng chảy, tác động trực tiếp đến việc bồi lắng, xói lở của sông.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân khu vực đồng bằng sông Hồng còn sử dựng nguồn nước của sông cho những nghề phụ để tăng thu nhập, cải thiện đời sống, như chế biến, bảo quản nông sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; công nghiệp. Đã từ lâu, họ được hưởng một nguồn nước dồi dào từ các kênh tưới, thậm chí kênh tiêu của thủy lợi, nhưng khi dòng sông đã cạn, mực nước ngầm không còn nữa, thì những nghề đó cũng rất khó để tồn tại. Đó là chưa tính đến lượng dân cư đông đảo sinh sống ở các làng chài ven sông, ven cửa biển quanh năm sống nhờ nguồn lợi thủy sản từ thượng lưu đổ về, nay nguồn lợi đó suy giảm hoặc không còn, đồng nghĩa với việc “chiếc cần câu cơm” của họ cũng mất.
Hơn nữa, dự án lại nằm trên lưu vực sông Hồng, là mạch sống của đồng bằng Bắc bộ. Đó không chỉ là một dòng sông mà là cả một hệ thống sông. Nếu dòng chảy sông Hồng bị biến đổi, sẽ tác động tới cả hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp mà cả đời sống, văn hóa… của hàng chục triệu người dân suốt vùng thượng lưu rồi tới hạ lưu. Đó là chưa kể các yếu tố liên quan tới an ninh - quốc phòng, vấn đề chống hạn, phân lũ, công tác phòng chống lụt bão của cả vùng.
Nguy cơ ngập mặn trên diện rộng
Theo một số nhà khoa học thì trong mấy năm gần đây, lượng phù sa trên sông Hồng phía hạ lưu mỗi ngày mỗi giảm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trên lưu vực sông Hồng, các hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu… đã giữ lại bùn cát làm cho lượng phù sa trên sông Hồng khan hiếm, nhiều chỗ nhìn xuống được tận đáy. Nếu “siêu” dự án này khi xây dựng và vận hành mà tiếp tục giữ lại bùn, cát ở Việt Trì thì rất nguy hiểm. Cát bị giữ lại hết sẽ gây ra hiện tượng “đói” phù sa của lưu vực sông Hồng làm cho đất đai ngày càng xấu đi và đáy sông sâu hơn, ảnh hưởng tới lấy nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.
Phù sa suy giảm, nguồn nước phục vụ nông nghiệp bị ảnh hưởng, đó sẽ là mối nguy hại lớn cho vựa lúa Đồng bằng sông Hồng, tác động đến an ninh lương thực quốc gia. Bởi, với diện tích đất nông nghiệp vào khoảng 760.000ha, trong đó 70% là đất phù sa màu mỡ, trong đó đất nông nghiệp chiếm đến 51,2% diện tích toàn vùng, đồng bằng sông Hồng cùng với đồng bằng sông Cửu Long là một trong hai vựa lúa lớn nhất của cả nước. Mấy năm gần đây, cả hai vựa lúa này đều phải đối mặt với việc bị thu hẹp đất nông nghiệp, nhất là diện tích trồng lúa, do quá trình đô thị hóa và bị xâm nhập mặn.
Nhu cầu dùng nước sông Hồng cho nông nghiệp là rất lớn
Trong mấy năm gần đây, vấn đề biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu đã và đang gây ra những đợt thiên tai ở nước ta ngày càng gia tăng về số lượng, cường độ và mức độ ảnh hưởng. Theo ước tính của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì do ảnh hưởng của hiện tượng nước biển dâng, có thể 2 triệu ha đất nông nghiệp trong tổng số hơn 4 triệu ha đất nông nghiệp hiện nay bị ngập mặn, kéo theo hàng chục triệu dân có thể mất đất trồng trọt và như vậy, sản lượng lương thực sẽ sụt giảm, ảnh hưởng tới mục tiêu an ninh lương thực đã đặt ra.
Trả lời báo chí, ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình cũng bày tỏ lo ngại rằng, nếu siêu dự án “chặt khúc” sông Hồng được chấp thuận triển khai, thì mức độ ảnh hưởng sẽ rất nặng nề. Cụ thể là, việc chặn sông làm 6 đập thủy điện sẽ làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến môi trường, nhất là nguy cơ gia tăng xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến vựa lúa của các địa phương ven biển ở trong vùng.
Bên cạnh đó, sông Hồng dù có tiềm năng thủy điện lớn nhất trong các hệ thống sông, trong đó tập trung vào 2 chi lưu lớn là sông Đà và sông Lô - Gâm. Nhưng hiện nay, trên sông Đà đã có thủy điện Hoà Bình công suất lắp máy 1920 MW, thủy điện Sơn La 2400 MW, thủy điện Lai Châu 1200 MW, Bản Chát 220 MW, Huội Quảng 520 MW, Nậm Chiến 210 MW; trên sông Lô - Gâm đã có thủy điện Tuyên Quang 342 MW... Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh thị trường không quá thiếu điện như hiện nay thì không cần thiết phải đánh đổi 228 MW điện với việc hủy hoại sông Hồng - nguồn sinh kế của hàng triệu người dân.
Liên quan đến dự án này, ngày 9/5/2016, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký văn bản thông báo ý kiến chính thức của Thủ tướng Chính phủ: Chưa xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tuyến giao thông thủy Xuyên Á trên sông Hồng.
Cũng theo văn bản trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững. Việc xây dựng Quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân trong lưu vực đồng bằng sông Hồng.
Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng (đoạn Việt Trì - Lào Cai) kết hợp thủy điện, triển khai theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành) do Công ty TNHH Xuân Thiện - thành viên Tập đoàn Thái Group (trước là Tập đoàn Xuân Thành) đề xuất với tổng vốn đầu tư hơn 24.500 tỷ đồng. Theo báo cáo của Công ty TNHH Xuân Thiện, “siêu dự án” trên sẽ tạo ra tuyến vận tải đường thủy thông suốt quanh năm từ Lào Cai-Hải Phòng cho tàu có trọng tải từ 400 tấn đến 600 tấn, kết hợp sản xuất điện với tổng công suất khoảng 228 MW tương đương 912 triệu kWh/năm.
Ngoài ra, dự án cũng sẽ xây dựng 7 cảng dọc tuyến thuộc hệ thống cảng theo quy hoạch của ngành đường thủy nội địa bao gồm: Cảng Phố Mới, cảng Apatit, cảng Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp, cảng Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng phía Bắc (Hà Nội). |