Tập trung tháo gỡ khó khăn về đất đai
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh vừa đề nghị các cấp, các ngành, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư và doanh nghiệp…
Để cụ thể hóa quyết tâm “đồng hành” cùng chủ đầu tư và doanh nghiệp, Tỉnh ủy Bình Thuận đã triển khai thực hiện Nghị quyết Số 18-NQ/TW về việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.
Hơn nữa, Tỉnh ủy Bình Thuận cũng xác định mục tiêu cụ thể của chương trình hành động, theo từng giai đoạn; Đó là đến cuối năm 2025, Bình Thuận sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác hiệu quả dự án Xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai cho 124 xã, phường và thị trấn.
Qua đó, địa phương này sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu số về đất đai; Lãnh đạo xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hàng năm và cả giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tiếp theo, Bình Thuận sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất; Loại bỏ khâu trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp. Điều này sẽ giúp cho việc quy hoạch, xây dựng chính sách, sử dụng đất đai đồng bộ có hiệụ quả cao, hạn chế sự chồng chéo trong quản lý đất đai, ngăn chặn các hiện tượng chuyển mục đích sử dụng đất đai tuỳ tiện, hiện tượng tiêu cực, tranh chấp lấn chiếm, huỷ hoại đất đai…
Cuối cùng là giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; Đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất; Đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp đã di dời nhưng chưa xử lý dứt điểm việc giao nhận đất cũ theo đúng quy định của pháp luật; Đất lấn biển, đất tôn giáo, đất nghĩa trang, đất kết hợp sử dụng nhiều mục đích; Đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số...
Trước đó, Bình Thuận cũng ban hành Quyết định số 1279 thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn Bình Thuận (Tổ công tác 1279). Tổ công tác này do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng; Tổ phó gồm các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và còn có sự tham gia của lãnh đạo các Sở, Ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có các dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Tổ công tác 1279 sẽ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, có nhiệm vụ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh do các Sở, Ban, Ngành, địa phương đang thụ lý hồ sơ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, đảm bảo đúng trình tự và thời gian; Đồng thời, thực hiện rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai do các vấn đề vướng mắc phát sinh để có phương án xử lý, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn công trình.
Đến năm 2030, nếu việc thực hiện các chủ trương và kế hoạch đạt kết quả như mong đợi thì tỉnh Bình Thuận sẽ cơ bản khắc phục được tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hóa, ô nhiễm, những tồn tại vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do thời kỳ trước để lại.
Còn trước mắt, Bình Thuận sẽ “mạnh tay” với nhiều chủ đầu tư không thực hiện triển khai dự án, nhằm chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại và tăng cường công tác quản lý đất đai…
Điển hình phải kể đến là 4 trường hợp vi phạm pháp Luật Đất đai trên địa bàn, chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng vừa bị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận “bêu tên” công khai. Đó là Dự án du lịch Sao Mai (xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam của Công ty TNHH Du lịch Thạnh Lợi); Dự án trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái Mũi Yến (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, của Công ty TNHH Mũi Yến); Dự án Khu nghỉ dưỡng Cà Ná (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong của Công ty CP Green Solar Technology ViệtNam); Dự án khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Châu Lê (xã Vĩnh Tân huyện Tuy Phong, của Công ty TNHH Thương mại và du lịch Châu Lê).