Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên: Phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em
Việc xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”.
Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 32, sáng 17/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Dự phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình.
Hoàn thiện pháp luật đủ nghiêm khắc, nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, việc xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”; thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành: hệ thống hình phạt chưa phù hợp; một số hình phạt không có sự phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành; mức hình phạt tù tối đa vẫn còn nghiêm khắc; các biện pháp giám sát, giáo dục đã được quy định nhưng hầu như không được áp dụng, thiếu tính khả thi; thủ tục tố tụng hình sự chưa thực sự thân thiện; chưa thiết lập được cơ chế điều phối quốc gia, cũng như vị trí, vai trò, trách nhiệm của nhân viên công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên; quy định về thi hành án, tái hòa nhập cộng đồng còn chưa phù hợp, hiệu quả chưa cao; chưa nội luật hóa đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm người chưa thành niên; tuân thủ các chuẩn mực của quốc tế và đáp ứng yêu cầu của Liên Hợp quốc về xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Dự thảo Luật gồm 166 điều được bố cục thành 5 phần, 11 chương, điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.
Phó Chánh án đặc biệt nhấn mạnh, mục đích xây dựng dự án Luật tư pháp người chưa thành niên nhằm: Hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; Tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm bằng áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội.
Xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; Bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; Huy động nguồn nhân lực có chuyên môn về công tác xã hội; tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên; Thiết lập cơ sở giam giữ phù hợp với mục đích phục hồi, giáo dục và sự phát triển của người chưa thành niên; Tăng cường cơ hội tái hòa nhập công đồng; xây dựng cơ chế giám sát, giáo dục, phục hồi hiệu quả, chuyên nghiệp, đơn giản, phù hợp với người chưa thành niên…
Xây dựng thủ tục tố tụng thân thiện
Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cho biết, dự thảo Luật quy định 16 nguyên tắc nhân văn, tiến bộ và đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên trong tư pháp hình sự, như: Bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên; Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện; Quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời; Ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; Xử lý chuyên biệt; Bảo đảm giữ bí mật cá nhân;....
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trên cơ sở kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự và quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để bảo đảm trật tự xã hội, an toàn cho cộng đồng. Đồng thời, quy định việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng. Khuyến khích người chưa thành niên chấp hành tốt để được chấm dứt trước thời hạn việc thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng Đổi mới trình tự, thủ tục xử lý chuyển hướng theo hướng kịp thời, hiệu quả….
Về xây dựng thủ tục tố tụng thân thiện (Điều 114 đến Điều 148), Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cho biết, dự thảo Luật quy định, xây dựng thủ tục tố tụng riêng phù hợp đối với người chưa thành niên bị buộc tội và đối với người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng.
Đổi mới chế định ngăn chặn, cưỡng chế đối với người chưa thành niên bị buộc tội. Theo đó, kế thừa 4 biện pháp ngăn chặn hiện hành và bổ sung mới biện pháp giám sát điện tử và giám sát tại nhà. Người chưa thành niên chỉ bị áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp thật cần thiết và khi các biện pháp giám sát khác không hiệu quả.
Bảo đảm quyền được tiếp cận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, luật sư, Trợ giúp viên pháp lý nhanh chóng, kịp thời, từ khi xác minh tin báo, tố giác tội phạm. Biên bản lấy lời khai, hỏi cung người chưa thành niên phạm tội chỉ được xác định là chứng cứ khi có sự tham gia của Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý.
Bổ sung các quy định về tố tụng thân thiện trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố như: Quy trình khởi tố, điều tra, truy tố đối với người chưa thành niên bị buộc tội phải được tiến hành trong môi trường thân thiện; Tách vụ án hình sự để giải quyết riêng vụ án người chưa thành niên; Thời hạn điều tra, truy tố, xét xử được rút ngắn hơn so với vụ án hình sự thông thường; Các thông tin có liên quan đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên phải được giữ kín, không cung cấp công khai; thủ tục tố tụng được tiến hành bởi Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, nhân viên công tác xã hội là người có kinh nghiệm, được đào tạo, tập huấn, hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên.
Hoàn thiện các quy định về thủ tục xét xử thân thiện, theo đó: vụ án hình sự có người chưa thành niên bị buộc tội do Thẩm phán chuyên trách và Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử; Được xét xử trong phòng xử án thân thiện; Không còng tay hoặc sử dụng các phương tiện cưỡng chế khác; Cho phép nhân viên công tác xã hội trình bày Báo cáo điều tra xã hội đối với người chưa thành niên; Việc xét hỏi, tranh luận phải được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, khả năng nhận thức của người chưa thành niên; Phiên tòa có thể được tổ chức xét xử kín nhưng khi tuyên án công khai và chỉ tuyên phần quyết định.
Quy định thủ tục tố tụng thân thiện đối với người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng như: Hạn chế tiếp xúc giữa bị hại, người làm chứng với bị cáo; Không áp dụng biện pháp dẫn giải; Việc khám thân thể, chụp ảnh vết thương người bị hại phải bảo đảm quyền riêng tư và được thực hiện bởi bác sĩ cùng giới tính; Được trợ giúp pháp lý miễn phí; Được hỗ trợ về bồi thường và chi phí để khám, điều trị theo quy định của pháp luật.
Bổ sung điều luật về hình phạt cảnh cáo
Về hình phạt (Chương VII - Phần thứ ba), Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cho biết, dự thảo Luật quy định. giữ nguyên hệ thống hình phạt hiện hành. Không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người chưa thành niên.
Đáng chú ý, dự thảo luật bổ sung điều luật về hình phạt cảnh cáo. Mở rộng trường hợp người chưa thành niên bị phạt tù được cho hưởng án treo.
Mở rộng đối tượng người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu có tài sản riêng cũng có thể áp dụng hình phạt tiền và mức phạt tiền không quá một phần ba mức tiền phạt mà điều luật quy định.
Để đề cao tính nhân văn nhưng vẫn bảo đảm nghiêm minh của chính sách hình phạt đối với người chưa thành niên, dự thảo Luật quy định giảm mức hình phạt tù đối với người chưa thành niên theo từng trường hợp cụ thể.
Đảm bảo quyền được học tập đầy đủ của người chưa thành niên
Về thi hành án phạt tù và tái hòa nhập cộng đồng, Dự thảo Luật quy định, không được giam giữ chung người chưa thành niên với người đã thành niên; người chưa thành niên được giam giữ tại trại giam riêng. Cán bộ quản giáo phải có trình độ, được đào tạo, am hiểu về tâm sinh lý người chưa thành niên.
Đảm bảo quyền được học tập đầy đủ của người chưa thành niên. Trường hợp không thể bố trí học trực tiếp thì phải phối hợp cùng trường học gần nhất với cơ sở giam giữ để tổ chức, liên kết lớp học trực tuyến.
Mở rộng phạm vi được tha tù trước thời hạn. Bổ sung quy định việc xét tha tù trước thời hạn có điều kiện cho người chưa thành niên phải thực hiện vào bất kỳ thời gian nào trong năm. Rút ngắn một phần hai thời hạn được xóa án tích.
Đổi mới việc cấp các chứng chỉ học nghề, tốt nghiệp văn hóa bởi cơ sở giáo dục, trường nghề để tránh kỳ thị, phân biệt đối với người chưa thành niên khi tái hòa nhập cộng đồng.
Quy định doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không được phân biệt đối xử, kỳ thị khi tuyển dụng. Bổ sung nhiều biện pháp hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.
Thẩm tra dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên và đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ của TANDTC. Dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em; cơ bản phù hợp với nhiều quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan và tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.