Khơi thông hạ tầng giao thông, chiến lược phát triển toàn diện kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng

Tỉnh Cao Bằng xác định phát triển hạ tầng giao thông là yếu tố quyết định để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội (KT-XH), văn hóa - du lịch tỉnh nhà. Hơn nửa nhiệm kỳ đã đi qua, Cao Bằng đang tiến dần tới đích để đạt những kế hoạch chiến lược đề ra. Trong đó, dấu ấn quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào đầu năm 2024, đây là tuyến cao tốc đặc biệt quan trọng mà Nhân dân tỉnh Cao Bằng mong đợi.

Km0 - Nơi khởi nguồn con đường huyền thoại

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 3 nội dung đột phá và 3 chương trình trọng tâm. Trong đó, đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của khu vực trung du và miền núi phía Bắc; phát triển nông nghiệp thông minh, gắn với chế biến, hướng đến xuất khẩu; phát triển kinh tế cửa khẩu, xây dựng Cao Bằng thành trung tâm trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh phía Bắc đi Trung Quốc và sang các nước châu Âu. Đồng thời, phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị; Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách.

Như chúng ta đã biết, tỉnh Cao Bằng là chiếc nôi của Cách mạng Việt Nam. Nhắc tới Cao Bằng ai trong bất kỳ chúng ta đều nhớ về cội nguồn cách mạng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ qua cột mốc 108 biên giới Việt - Trung về Việt Nam. Đây là một sự kiện lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của đất nước ta, từng bước đưa dân tộc Việt Nam đi tới những mùa Xuân thắng lợi.

thiet-ke-chua-co-ten(1).png
Tỉnh Cao Bằng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sau hơn 30 năm bôn ba trở về tìm đường cứu nước.

Lý giải vì sao lựa chọn Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng, Người nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta, Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại liền kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”.

Có lẽ thấu suốt những điều lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ đường, cũng tại nơi này, chiều 20/9/2008, lễ khởi công Km0 đường Hồ Chí Minh được tổ chức. Toàn bộ tuyến đường qua địa phận tỉnh Cao Bằng dài 52,28km, trong đó hơn 5km được làm mới, còn lại đi trùng với Tỉnh lộ 203 và thêm một hướng nhánh nối với cửa khẩu Sóc Giang.

Trải qua 25 năm xây dựng, đường Hồ Chí Minh trở thành một trong những tuyến đường huyết mạch thông thương hàng hóa hai miền Nam - Bắc, phát triển kinh tế đất nước. Song ít ai biết, đằng sau công trình kỳ vĩ còn là những chọn lựa Km0 vô cùng ý nghĩa, thiêng liêng…

Giai đoạn 2 của dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Pác Bó - Cao Bằng bắt đầu từ Km0 (trước nhà tưởng niệm Khu di tích lịch sử Pác Bó) và điểm cuối tại Km45, giao với tuyến tránh QL3. Tổng chiều dài tuyến chính là hơn 45km. Theo thiết kế, hướng tuyến con đường được xây dựng ở giai đoạn 2 sẽ từ Pác Bó đi qua các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ qua Sơn Tây và nối vào đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 tại điểm cuối của đại lộ Thăng Long, Hà Nội.

Một lần nữa, cột mốc số 0 của tuyến đường được đặt ở vị trí thiêng liêng - nơi Bác Hồ đã đặt những bước chân đầu tiên trên con đường cách mạng Việt Nam, nơi khởi nguồn của phong trào cách mạng Việt Nam, nơi Bác Hồ đã đưa đất nước thoát khỏi cảnh áp bức nô lệ, giành được độc lập và thống nhất đất nước.

1-duong-ho-chi-minh.jpg
Đường Hồ Chí Minh kéo dài từ Pác Bó, Cao Bằng đến đất mũi Cà Mau với tổng chiều dài trên 3.100km.

Suốt trên toàn tuyến thuộc 6 tỉnh và thành phố, tuyến đường đã có những đường nét cơ bản của một con đường hiện đại, tạo thành trục đường xuyên Việt thứ hai ở Việt Nam

Trải qua thăng trầm của lịch sử, mưa bom, bão đạn tàn khốc, nhưng Km0 trên đường Hồ Chí Minh vẫn còn đó như một biểu tượng của sức mạnh Việt Nam, là mốc son đánh dấu những năm đổi mới ngành GTVT Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đến khơi thông cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Từ Km0 huyền thoại, nơi cội nguồn cách mạng, con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi thông hệ thống giao thông liên kết phát triển các tỉnh trong cả nước.

Phát huy truyền thống đoàn kết nơi cội nguồn cách mạng, trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng luôn nỗ lực không ngừng giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, nhất bà con dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi. Là địa phương có đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc dài trên 333km. Có 92 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia, đặc biệt là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Rừng Trần Hưng Đạo và địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 ở huyện Thạch An.

canhdepcaobang.png
Cao Bằng là nơi có nhiều cảnh đẹp, núi non hùng vĩ.

Cao Bằng còn có Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen và Công viên Địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận. Cao Bằng được định hình với trùng điệp núi non hùng vĩ, với hơn 95% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số. Mặc dù vậy, tại thời điểm này có thể nói rằng kinh tế xã hội, đời sống người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Cao Bằng vẫn chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng sẵn có của mình. Câu hỏi đặt ra nhiều năm qua cho lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, làm gì để Cao Bằng hết nghèo? Đây cũng là một trong nội dung được bàn nhiều nhất, đặc biệt tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định được phương hướng giải quyết điều này. Bằng sự quyết tâm đồng bộ hệ thống chính trị hơn nửa nhiệm kỳ đã đi qua, ba nội dung đột phá, ba chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ tỉnh Cao Bằng đã và đang về đích.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 – 2025, xác định nội dung tập trung nguồn lực cho dự án giao thông trọng điểm - Dự án đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được xem là then chốt giải pháp cho kinh tế, xã hội, văn hóa- du lịch,... phát triển tỉnh Cao Bằng. Đây cũng được xem là giải pháp có tính chiến lược phát triển.

kc-17041811610301101213689.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghi lễ khởi công cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, ngày 1/1/2024.

Bằng sự quyết tâm toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh Cao Bằng, sáng 1/1 – ngày đầu tiên của năm mới 2024, tại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Đây là dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất được đầu tư tại Cao Bằng và là ước vọng nhiều đời nay của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (giai đoạn 1) có chiều dài hơn 93km, cần giải phóng mặt bằng khoảng 41,35km với diện tích 260,76ha; có 1.131 hộ bị ảnh hưởng phải thu hồi đất. Trong đó huyện Thạch An khoảng 21,55km với diện tích 135,12ha và 662 hộ bị ảnh hưởng; huyện Quảng Hoà khoảng 19,8km với diện tích 125,64ha và 469 hộ bị ảnh hưởng.

Với mục tiêu bàn giao mặt bằng sạch, đúng tiến độ để Liên danh Nhà đầu tư triển khai thi công dự án theo kế hoạch, cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được chia làm 4 giai đoạn: kiểm đếm, thu thập số liệu; lập dự toán; niêm yết công khai lấy ý kiến người dân, hoàn chỉnh phương án, dự toán, ban hành quyết định thu hồi đất và bàn giao mặt bằng.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh khẳng định: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là dự án có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của cả nước nói chung, của tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn nói riêng. "Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác GPMB dự án” do tỉnh phát động thể hiện ý chí, niềm tin, khát vọng, quyết tâm rất cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh trong triển khai thực hiện Dự án. Đồng thời, khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần thi đua, ý chí quyết chiến, chiến thắng của Chiến thắng Đông Khê, Chiến dịch Biên giới năm 1950.

Theo đồng chí Hoàng Xuân Ánh, từ nhiều năm nay, đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn mong muốn có được tuyến đường cao tốc kết nối giữa cửa khẩu Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng với thị trấn Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Đó cũng là trăn trở của đồng chí khi được Đảng, Nhà nước tín nhiệm điều động lên với quê hương cội nguồn cách mạng. “Phát triển hạ tầng giao thông, Cao Bằng mới thoát nghèo, vươn mình phát triển. Con đường cao tốc là khát vọng của đồng bào dân tộc, của nhiều khoá lãnh đạo Cao Bằng”, đồng chí Hoàng Xuân Ánh nói.

Dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới, kết nối giao thương hàng hóa từ cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan), sang Trung Á và các nước châu Âu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực phát triển KT-XH của tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và khu vực Đông Bắc Bộ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc.

gpmb.jpeg
"Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác GPMB” do tỉnh Cao Bằng phát động thể hiện ý chí, niềm tin, khát vọng, quyết tâm rất cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh trong triển khai thực hiện xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Theo kế hoạch, Chiến dịch được thực hiện trong thời gian 100 ngày kể từ ngày phát động với mục tiêu: Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác GPMB đảm bảo đúng hoặc vượt tiến độ, thu hồi thành công khoảng 41,35km với diện tích 260,76 ha và 1.131 hộ bị ảnh hưởng. Kết thúc chiến dịch, bàn giao cơ bản mặt bằng, đến ngày 15/6/2024, bàn giao 100% mặt bằng sạch cho liên danh nhà đầu tư để tổ chức triển khai thi công đúng theo kế hoạch, tiến độ của dự án. Phấn đấu thông tuyến trước ngày 01/01/2026 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

untitled(1).png
Kiểm tra, giám sát dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Bằng sự quyết liệt chung tay các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền huyện Thạch An và Quảng Hòa huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh tổng hợp, triển khai đồng bộ, nhất quán, kịp thời, nhất là trong công tác tuyên truyền vận động Nhân dân. Tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, quan tâm đảm bảo lợi ích chính đáng của Nhân dân, đi đôi với nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao của Nhân dân đối với công tác GPMB với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Với tinh thần quyết tâm, quyết liệt của Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác GPMB Dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) giai đoạn 1, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Thạch An chung sức, đồng lòng nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, tổ chức bàn giao mặt bằng từng đoạn tuyến cho nhà đầu tư tiến hành thi công những km cao tốc đầu tiên.

Xóm Nà Tục, xã Đức Xuân có 49 hộ thuộc diện GPMB đều đồng thuận, trở thành xóm điểm của huyện tiên phong trong công tác GPMB, tự nguyện bàn giao mặt bằng sớm cho dự án.

Qua thống kê, rà soát, giai đoạn 1 dự án đi qua 16 xóm thuộc 5 xã, thị trấn của huyện với chiều dài tuyến khoảng 21,63km. Có 713 hộ nằm trong diện GPMB, 87 hộ thuộc diện tái định cư.

Với phương châm có mặt bằng đến đâu tổ chức thi công ngay đến đó, hiện nay, đơn vị nhà thầu huy động máy móc, thiết bị và nhân công tiến hành san gạt mặt bằng và chuẩn bị xây dựng những km đường cao tốc đầu tiên tại lý trình Km57 - Km58+639 thuộc địa bàn xóm Nà Tục, xã Đức Xuân, đảm bảo các bước theo quy trình kỹ thuật.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, cho biết: Ngay sau khi nhận bàn giao mặt bằng, chúng tôi phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ bà con thu dọn hoa màu, cây cối, nhà cửa. Huy động tối đa máy móc, thiết bị và nhân lực tiến hành san gạt mặt bằng; dựng nhà tạm phục vụ việc nghỉ ngơi, ăn uống của công nhân, nhân viên kỹ thuật ngay tại công trường nhằm đảm bảo tiến độ thi công tổng thể của dự án, tạo không khí phấn khởi trong những ngày đầu xuân trên toàn tuyến.

Đến nay, UBND huyện Thạch An cơ bản đã kiểm đếm xong đất đai, tài sản, hoa màu trên địa bàn 5/5 xã, thị trấn với diện tích 98,20/134,16 ha, đạt 73% diện tích đất thu hồi; thực hiện bàn giao cho doanh nghiệp dự án khoảng 8,79/21,63km, tương ứng 37ha. Dự kiến ngày 13/3 sẽ bàn giao tiếp đoạn xóm Pác Khoang, xã Đức Xuân, gồm 38 hộ, diện tích khoảng 3,95 ha. Đối với công tác bố trí tái định cư, huyện đang triển khai Dự án xây dựng khu tái định cư, phát triển quỹ đất thị trấn Đông Khê. UBND huyện đang thực hiện các thủ tục GPMB phần diện tích vướng mắc cho đơn vị thi công để thực hiện dự án.

Mở cánh cửa giao thương vùng Đông Bắc

Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh chính thức được khởi công là niềm vui lớn với những người dân thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng, bởi chỉ vài ngày trước, cửa khẩu Trà Lĩnh đã được nâng lên cửa khẩu quốc tế.

Cùng với tuyến cao tốc, Trà Lĩnh sẽ trở thành trọng điểm kinh tế của tỉnh Cao Bằng. Kinh tế cửa khẩu phát triển cũng chính là cơ hội giúp những người dân tỉnh biên giới có thêm cơ hội việc làm, tăng thêm thu nhập.

Dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được kỳ vọng sẽ mở cánh cửa giao thương với Trung Quốc, sớm đưa Cao Bằng trở thành cửa ngõ kết nối các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc với các tỉnh lân cận của Việt Nam.

Ban đầu, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, được Bộ Giao thông Vận tải lập quy hoạch có chiều dài 144km, với tổng vốn đầu tư trên 47.000 tỷ đồng. Đây là dự án rất khó về yếu tố kỹ thuật bởi địa hình hiểm trở, đặc biệt là suất đầu tư rất lớn, lưu lượng thấp dẫn đến bài toán hoàn vốn khó khăn. Đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu nhưng vẫn chưa thể thực hiện được.

Sau đó, Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất phương án điều chỉnh hướng tuyến với 4 hầm xuyên núi cùng các cầu vượt thung lũng, rút ngắn 23km chiều dài tuyến xuống còn 121km, tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn còn gần 23.000 tỉ đồng, giảm hơn một nửa so với phương án ban đầu.

xay-dung-thai-nguyen-la-trung-tam-vung-trung-du-mien-nui-bac-bo.png
Dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ mở cánh cửa giao thương tiếp giáp với Trung Quốc và các tỉnh Đông Bắc

Dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ mở cánh cửa giao thương tiếp giáp với Trung Quốc, sớm đưa Cao Bằng trở thành cửa ngõ kết nối các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc với các tỉnh Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội đi Hải Phòng; các tỉnh phía Nam Việt Nam kết nối với các tỉnh Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội, kết nối với tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang và các tỉnh phía Tây Bắc Việt Nam.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có ý nghĩa rất đặc biệt khi triển khai ngay trên mảnh đất biên viễn, phên dậu phía Bắc của Tổ quốc.

Ông Hoàng nhấn mạnh, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là dự án đầu tiên được khởi công cho việc thí điểm vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ lên đến 70% theo nghị quyết của Quốc hội, sẽ là tiền đề minh chứng cho sự tháo gỡ thành công của cơ chế chính sách hiện nay để tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm khó khăn trong thời gian tới.

Dự kiến giai đoạn 2 của dự án sẽ đầu tư sau năm 2026. Quy mô giai đoạn 2 đầu tư khoảng 27,71km còn lại (từ điểm cuối giai đoạn 1 tại Km93+350 đến điểm cuối tại ranh giới Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh).

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách quan trọng về phát triển KT-XH, trong đó tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược để thực hiện các mục tiêu phát triển đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.

Để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Thủ tướng cho biết, đã giành nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông với nhiều dự án đường cao tốc đã và đang được triển khai để kết nối thông suốt cả nước, kết nối các vùng miền trong đó có Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng).

Có thể nói đây là dự án có tính chất, ý nghĩa rất quan trọng của tỉnh, dự án triển khai sẽ tạo sự phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới Quốc gia.

them-tieu-de-phu-1-.png
Dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sau khi hoàn thành sẽ phát triển tổng lực kinh tế

Thủ tướng chỉ rõ, để có đủ điều kiện khởi công dự án, một khối lượng lớn công việc với rất nhiều các khó khăn, vướng mắc đã được xử lý, như trong công tác quy hoạch, lập cũng như điều chỉnh dự án, thẩm định, phê duyệt, thu xếp vốn....

Thủ tướng khẳng định sẽ hỗ trợ để hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn hoàn thành dự án có ý nghĩa rất quan trọng này; tạo mọi điều kiện để Cao Bằng phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn, đóng góp tích cực vào phát triển của khu vực và cả nước.

Đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho rằng, hình thành được tuyến đường này sẽ là động lực lớn để Cao Bằng phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng - an ninh, mở rộng hợp tác quốc tế đối ngoại, kết nối với các trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội lớn của cả nước và các tỉnh trong khu vực, thiết lập tuyến vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc (Tây Nam Trung Quốc qua Bách Sắc (Quảng Tây) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) nối với Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, hướng ra biển thông qua cảng Hải Phòng và nối với đường Hồ Chí Minh) có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với việc phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, từng bước tiếp cận đến mặt bằng chung của cả nước, đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường quốc phòng - an ninh khu vực biên giới phía Bắc.

Nhóm PV